Nếu thế kỷ 19 là “Thế kỷ Anh quốc”, thế kỷ 20 là “Thế kỷ Mỹ quốc” thì Châu Á sẽ là tiêu điểm chú ý của thế kỷ 21. Các khu vực đô thị Châu Á hiện đang được mở rộng với một tốc độ chưa từng thấy, và hầu hết các công ty thiết kế hay xây dựng của phương Tây đã và đang tìm kiếm những cơ hội mở văn phòng đại diện tại châu lục này.
Theo Lewis (2007), năm 1900, London (với 6.5 triệu dân) đứng đầu danh sách 10 thành phố lớn nhất thế giới, và Tokyo (1.5 triệu dân) là thành phố Châu Á duy nhất nằm trong danh sách này. Đến năm 2005, Tokyo (với 35.2 triệu người) đã giành vị trí đầu bảng, cùng với 6 thành phố Châu Á khác chiếm lĩnh các vị trí trong Top 10.
Sự biến đổi nhanh chóng của các thành phố Châu Á trong thế kỷ 21 đã mang lại những cơ hội lớn cho sự tiến bộ sáng tạo, nơi mà mọi thứ dường như đều có thể thực hiện và những tìm tòi mới về các loại hình thành phố tương lai đều được khuyến khích thử nghiệm.
Tokyo (ảnh: Vladimir Zakharov)
Thực tế trên đem lại những cơ hội lớn cũng như những trọng trách cho các nhà quy hoạch và kiến trúc sư của Arcasia (hiệp hội kiến trúc sư châu Á). Để hoàn thành những trọng trách này, họ cần phải bổ sung những thiếu sót trong lý thuyết quy hoạch và thiết kế kiến trúc Châu Á, cũng như cần rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, đặc biệt khi hầu hết những tài liệu quy hoạch quan trọng ngày nay đều tập trung nhiều hơn vào những vấn đề và những trường hợp nghiên cứu cụ thể tại phương Tây. Nhu cầu nghiên cứu phát triển đô thị Châu Á vì lợi ích của bản thân chúng và từ quan điểm nội tại của Châu Á, chứ không phải từ quan điểm Phương Tây, đang tăng cao (McKinnon 2011).
Mục đích của bài viết này là nhằm kiểm chứng những thách thức thiết kế chính mà các nhà thiết kế đô thị tại Châu Á rất có thể sẽ phải đối mặt trong Thế kỷ 21. Cuộc hành trình tìm kiếm sự hiểu biểt về những thách thức này trong bối cảnh đặc biệt của Châu Á sẽ không chỉ cung cấp một nền tảng vững chắc để hỗ trợ những nỗ lực giúp các thành phố Châu Á phát triển tốt, mà còn góp phần vào những tri thức tiến bộ của loài người về quy hoạch và kiến trúc.
NHỮNG THÁCH THỨC TRONG “THIẾT KẾ ĐÔ THỊ”
Những thách thức thiết kế đô thị Châu Á trong Thế kỷ 21 bao gồm 10 vấn đề chính mà mỗi vấn đề ban đầu sẽ đóng góp cho việc hình thành khái niệm “Thiết kế thành phố / Đô thị” : Khả năng tương thích với sự thay đổi, Kiểm chứng tính liên ngành, Làm việc theo nhóm, Cân bằng Âm – Dương, Đặc điểm mật độ, Bảo vệ môi trường, Chiến lược phát triển và tái phát triển, Bản sắc của các khu vực và hoạt động, Chia sẻ thành quả và Động lực Tự nhiên.
Bên cạnh những mối quan tâm chính về đô thị trong thời đại ngày nay như Môi trường và Bản sắc, còn có nhiều vấn đề gây tranh cãi trong các tài liệu đô thị phương Tây nhưng lại quan trọng đối với các đô thị Châu Á như Tính tương thích, Âm – Dương, Thành quả và Tự nhiên. Những vần đề khác tuy không phải là quá mới mẻ, nhưng sẽ đem lại những góc nhìn và quan điểm thú vị , chúng bao gồm Sự liên ngành, Làm việc theo nhóm, Mật độ, Chiến lược và Bản sắc.
Trong phần nghiên cứu dưới đây, chúng ta trước tiên sẽ lý giải những ý nghĩa thực sự của các thuật ngữ, sau đó sẽ bàn luận về những ý nghĩa ẩn của chúng ngụ trong bối cảnh bài viết này.
Tóm lại, để vượt qua các thách thức “Thiết kế đô thị”, đầu tiên chúng ta nên cố gắng tìm hiểu về các thành phố Châu Á, sau đó tìm cách để làm cho các bản thiết kế có ý nghĩa, bằng cách đáp ứng được những đặc tính có liên quan khi các đặc tính này trở nên quan trọng đối với người dân địa phương.
Tính tương thích với sự đổi thay
Tính tương thích có nghĩa là “Khả năng tồn tại trong sự hài hòa” (Merriam – Webster 2008). Khả năng tương thích cũng ngụ ý rằng sự hòa hợp này nên được tạo ra và được duy trì cho một thế giới luôn biến đổi, đặc biệt là đối với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng như Châu Á. A.Kriken (2010) đề xuất rằng vấn đề tương thích nên được xem xét cùng với các vấn đề của sự hài hòa và cân bằng, của việc bảo tồn các di sản trong khi vẫn tạo ra bản sắc, của việc duy trì phong cảnh vùng nông thôn, và của việc phục hồi các khối nhà và các loại hình xây dựng.
Việc thiết kế và quản lý các đô thị đi cùng với xây dựng viễn cảnh cho sự thay đổi và chuyển đổi là điều vô cung quan trọng. Nếu không, những đặc tính được thiết kế cho quá trình sống và làm việc sẽ không được duy trì trong một quãng thời gian đủ dài, bởi khi các thành phố trở nên dày đặc hơn với dân cư và các công trình mới, chúng sẽ trở nên đa dạng hơn với sự xuất hiện của nhiều nhu cầu khác nhau của các bên liên quan, trong bối cảnh dịch cư trong và ngoài đô thị.
Thế giới đang thay đổi này cũng có thể bị ảnh hưởng khi cư dân đô thị đang dần già đi. Những thành phố phát triển của Châu Á đã phải đối mặt với không chỉ những vấn đề như mật độ dân số, mà còn với những vấn đề như lão hóa dân số, đặc biệt khi người dân có được sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong khả năng chi trả của họ và có quy mô gia đình nhỏ hơn khi họ trở nên bận rộn với vô vàn các cơ hội làm việc và thăng tiến. Theo đó, cảnh quan đô thị của một thành phố già sẽ cần tương thích với những nhu cầu về các cơ sở y tế - bệnh viện tốt hơn, nhà ở nhỏ hơn và vườn rộng hơn.
Pudong, Thượng Hải 1990-2011: Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ, Chính quyền thành phố Thượng Hải đã biến đổi từ một khu vực kém phát triển trở thành một trung tâm tài chính lớn của thế giới (Nguồn: Chính quyền thành phố Thượng Hải)
Nghiên cứu về tính liên ngành
Tính liên ngành có nghĩa là bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào đều dựa trên sự chuyên nghiệp của nhiều hơn một nguyên tắc (Merriam-Webster, 2008). Tính liên ngành cũng có nghĩa là sẽ hữu ích nếu chúng ta xem xét cùng một lúc các lĩnh vực nghiên cứu liên quan tới sự hiểu biết và kiến thiêt đô thị như : quy hoạch thiết kế đô thị, kiến trúc, xây dựng dân dụng, kiến trúc cảnh quan, xã hội học, các loại hình và nền kinh tế, các thể chế chính trị, môi trường, quản lý v.v...
Trong quá khứ, người ta tin rằng việc làm chủ một lĩnh vực nghiên cứu đơn lẻ, chẳng hạn như kiến trúc hoặc thiết kế đô thị, là việc duy nhất mà một nhà thiết kế cần phải đáp ứng để có thể đưa ra được sản phẩm. Những sản phẩm của các kiến trúc sư trường phái Beauxarts trong phong trào thành phố xinh đẹp là những ví dụ điển hình.
Ngày nay, thời đại của các kiến trúc sư trường phái Beaux-art – những người thiết kế ra những dự án mang tính biểu tượng cao, với những hình ảnh đại diện cho sự vĩ đại và của nghệ thuật đã qua, bởi phương pháp tiếp cận này không còn đủ để tạo nên những đô thị tốt. Thay vào đó, những sự phối hợp liên ngành đã trở nên tối quan trọng trong việc tạo dựng và quản lý thành phố. Công tác thiết kế đô thị sẽ cần phải có được sự hiểu biết về khu vực, về phong tục địa phương, tình trạng kinh tế xã hội, các thông tin số liệu về lịch sử, địa lý và những điều tương tự.
Hơn nữa, các chuyên gia Châu Á cần phải hiểu được sâu sắc sự khác biệt giữa những thiết kế theo quy phạm - những thiết kế mang tính quy tắc và liên quan đến việc quy định trước cần phải thiết kế những gì, với những thiết kế độc lập, tìm kiếm sự hiểu biết trước khi thiết kế, và cấp tiến hơn với những câu hỏi Cái gì và Tại sao (Moudon 2003).
Một quan điểm liên ngành về khu vực công cộng cũng mang đến những triển vọng mới cho sự phát triển của một quốc gia, nhận định này giống như Chua, Beng Huat và Norman Edwards (1992) đã tìm ra khi nghiên cứu không gian công cộng tại Singapore trên quan điểm thiết kế, sử dụng, và quản lý, cũng như dựa trên các giá trị văn hóa, xã hội và kinh tế.
Công tác thực hành mang tính liên ngành sẽ không thực hiện được nếu không có một nền tảng giáo dục cũng mang tính liên ngành, nơi các sinh viên học cách làm việc theo nhóm và nghiên cứu chéo. Hình thức giáo dục cao hơn cho các nhà quy hoạch và kiến trúc sư của các nước phát triển hơn thường được diễn ra tại khắp các khoa ngành của trường, nơi các sinh viên được yêu cầu phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các thành viên trong khoa, từ các học viên khác của chuyên ngành kiến trúc và quy hoạch cũng như từ các học viên của các chuyên ngành khác có liên quan. Công tác giảng dạy mang tính liên ngành, do đó không chỉ mở ra cho các sinh viên những chân trời mới, mà còn giúp đỡ họ có sự chuẩn bị tốt cho công tác làm việc với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác trong thực tế.
Có rất nhiều phương thức tiếp cận công giảng dạy mang tính liên ngành về quy hoạch và kiến trúc. Việc giảng dạy này có thể có sự liên hệ chặt chẽ với việc giảng dạy về nghệ thuật (như tại học viện Kiến trúc Nam California, trường Đại học Quốc gia Superieur des Beaux-Arts), về công nghệ mới (Trường đạo tạo kiến trúc của Hiệp hội kiến trúc – AA School of Architecture), về thiết kế môi trường (Đại học California tại Berkeley), về chính sách công cộng (Đại học Miền Nam California), về kiến trúc cảnh quan (Đại học California tại Davis), về hành chính sự nghiệp (UCLA) hoặc về bảo tồn (Đại học Cornell). Việc quyết định của sự kết hợp công tác giảng dạy sẽ dựa trên những đòi hỏi thực tế của chuyên môn hoặc dựa trên các đặc điểm của môi trường xung quanh trường đại học, nơi những thiết lập này có thể được sử dụng như một phòng nghiên cứu thực hành lớn về quy hoạch và kiến trúc.
Việc khuyên khích các nghiên cứu về kiến trúc và quy hoạch từ đa dạng các phương pháp nghiên cứu khác nhau cũng có thể là một cách tiếp cận tốt. Nghiên cứu lịch sử, lấy ví dụ như trong nghiên cứu của Hoang và Nishimura (1990) và Ngo (1999) , là những cơ sở rất hữu dụng cho sinh viên cũng như cho các chuyên gia.
Cộng tác làm việc theo nhóm
Làm việc theo nhóm có nghĩa là “công việc được thực hiện thông qua nhiều liên hiệp, liên kết, với mỗi thành viên làm một phần công việc nhưng tất cả các sự điểm mạnh nổi bật của các cá nhân đều đóng góp cho hiệu quả toàn bộ” (Merriam – Webster 2008). Làm việc theo nhóm cũng có thể bao hàm sự hợp tác quốc tế, hoặc sự liên kết hiệp hội doanh nghiệp. Làm việc theo nhóm sẽ hiệu quả nhất khi các thành viên trong nhóm có kỹ năng giao tiếp tốt và có được sự ứng dụng công nghệ hỗ trợ tốt.
Trong thế giới liên kết toàn cầu ngày ngay, không phải là bất thường đối với một dự án ở Châu Á nếu nó có sự tham gia của các đối tác từ nhiều quốc gia trên các lục địa khác nhau. Lấy ví dụ, nó có thể có ý tưởng thiết kế quy hoạch được thực hiện bởi một công ty Hoa Kì, ý tưởng thiết kế cảnh quan được thực hiện bởi một công ty Pháp, các bản vẽ thiết kế và thi công được thực hiện bởi công ty Việt Nam, công tác xây dựng được thực hiện bởi các công nhân Việt Nam bản địa nhưng lại dưới sự quản lý của một công ty Hàn Quốc. Do đó, những thành viên tham gia quan trọng của dự án cần thiết phải có được sự hiểu biết chung về quan hệ quốc tế, trên cơ sở nhận thức được rằng mọi người từ những khu vực hay quốc gia khác nhau có thể biểu hiện rất khác nhau, và giao tiếp theo nhiều phương thức khác nhau để thể hiện những gì họ thực sự nghĩ và muốn nói.
Giao tiếp liên kết quốc tế có thể xảy ra trong thế giới thực hoặc thế giới ảo. Thực tế về việc dân cư mạng giao tiếp trong thế giới ảo, sau đó vẫn có thể tiếp tục trong thế giới thực đã biểu trưng cho những nguồn lực đầy tiềm năng cho cảnh quan đô thị. Tiếp xúc với dân cư mạng cũng mang ý nghĩa của mốt sự giao tiếp không biên giới, của sự tư vấn mang tính quốc tế, của giao tiếp toàn cầu và với sự không xác định nơi chốn.
Trong kỷ nguyên thông tin, công nghệ hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, nhằm tăng cường sự giao tiếp quốc tế. Phần mềm và các công cụ, nhưng hệ thống thông tin địa lý (GIS), bản đồ Google có liên kết với SketchUp, hay các trang web cơ sở, giúp cho toàn việc liên kết mang tính toàn cầu trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Một trong những cách để thực hiện tốt nhất công nghệ hỗ trợ là thiết lập nên các tiêu chuẩn về diễn họa, về liên kết và về quản lý một cách thống nhất cho tất cả các thành viên tham gia. Mặt khác, những phương thức tiếp cận mang tính công nghệ thấp cũng nên được khuyến khích khi không có nhu cầu thực sự đối với phương pháp tiếp cận công nghệ cao. Lấy ví dụ, giao tiếp thông qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp thông thường sẽ luôn tốt hơn là một diễn đàn trên mạng. Cũng như trong cuốn sách "Đô thị trong Lịch Sử : Nguốn gốc, sự chuyển đổi và triển vọng của nó", Mumford (1968) đề xuât rằng một thế giới cân bằng với tự nhiên thì luôn tốt hơn là một thành phố của công nghệ.
Cân bằng Âm – Dương
Âm Dương, một từ kết hợp giữa hai chữ Âm và Dương, và sự cân bằng của nó là một phần của triết học Châu Á. Âm-Dương cũng được coi là hai yếu tố không tách biệt nhau, có Âm trong Dương và có Dương trong Âm. Âm và Dương là “hai lực lượng bổ sung cho nhau mà tạo nên tất cả các khía cạnh và hiện tượng của đời sống. "Âm" là biểu tượng cho đất, cho tính nữ, cho bóng tối, cho sự thụ động và sự hấp thụ. Nó hiện diện trong những con số chẵn, trong những thung lũng, sông suối, và nó được đại diện bởi con hổ, bởi màu cam và một đường nét bị đứt đoạn. "Dương" biểu tượng cho trời, cho nam tính, cho ánh sáng, hoạt động và sự xâm nhập. Nó hiện diện trong các số lẻ, trong các ngọn núi, và được đai diện bởi con rồng, bởi màu xanh và một đường nét liên tục , không gián đoạn” (Encyclopedia Britannica 2011).
Trong văn hóa Châu Á, rất quan trọng khi hiểu được khái niệm Âm- Dương và yêu cầu đạt được sự cân bằng Âm-Dương trong tất cả các khía cạnh của đời sống. Theo đó, sẽ rất hữu dụng nếu chúng ta cân nhắc đến sự cân bằng Âm-Dương trong quy hoạch khi đương đầu với những vấn đề của sự thích nghi, Phong thủy và những khái niệm và học thuyết Châu Á khác.
Việc áp dụng Âm-Dương trong thiết kế sẽ giúp tạo nên sự cân bằng và chất lượng cuộc sống cho các cư dân đô thị. Các khu vực, do đó, sẽ trở nên đa dạng hơn, và đáp ứng được những nhu cầu của các lứa tuổi, giới tính , tầng lớp xã hội và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Vì vậy chúng ta sẽ có những nơi chốn yên tĩnh đối lập với ồn áo náo nhiệt, cổ kính đối lập với hiện đại,tôn giáo linh thiêng đối lập với giải trí, làm việc đối lập với nghỉ ngơi vui chơi, hoặc riêng tư đối lập với công cộng. Tất các các khu vực đặc biệt này đều được đỏi hỏi phải phục vụ được những nhu cầu đa dạng của con người tại các thời điểm khác nhau. Jacob (1961) tin tưởng rằng một thành phố tốt nên có được một sự đa dạng tốt, bao gồm các tòa nhà, các loại hình dân cư, các công việc kinh doanh và các lượng dân cư khác nhau trong một khu vực tại những thời điểm khác nhau. Cho rằng sự đa dạng có thể có được từ sự quan tâm đến các hình thức vật chất và chức năng sử dụng, Jane Jacob đề xuất bốn yếu tố cấu thành nên sự đa dạng đó, bao gồm : Các chức năng sử dụng hỗn hợp, các khối nhà ngắn, các công trình ở các độ tuổi, tình trạng và mật độ xây dựng khác nhau.
Sự hiểu biết về học thuyết Âm-Dương có thể đem đến cho các nhà quy hoạch và kiến trúc sư Châu Á những phương pháp thiết kế và viễn cảnh mang tính tiên phong. Lấy ví dụ, có một thực tế phổ biến rằng một phương án thiết kế đô thị luôn bắt đầu bởi việc thiết lập mạng lưới giao thông và công trình. Nó cũng có thể bắt đầu thiết kế một khu vực đô thị bằng cách thiết lập những không gian mở - không gian dành cho giao tiếp xã hội, dành cho sức khỏe, nơi không gian đô thị được định hình ban đâu không phải bởi các tòa nhà mà bởi môi trường xanh của nó.
Đặc tính về Mật độ
Mật độ có nghĩa là “số lượng trung bình của các cá nhân hoặc đơn vị trên một đơn vị không gian” (Merriam-Webster 2008). Khi đối mặt với vấn đề mật độ tại Châu Á, điều quan trọng là cần phải chú ý rằng các đô thị Châu Á có đa dạng nhiều loại hình mật độ khác nhau, trong một vài trường hợp có thể lên đến cực đại , ví dụ như thành phố Tokyo với vai trò là vùng đô thị lớn nhất trên thế giới với 34.2 triệu người. Thách thức nằm trong câu hỏi làm sao có thể đương đầu với các mức độ mật độ khác nhau mà vẫn đem lại cho người dân một chất lượng sống và làm việc cao nhất.
Khi sự tăng trưởng dân số tiếp tục tăng cao, sự đầm nén của các không gian đô thị sẽ trở thành một xu hướng phổ biến ở Châu Á trong thế kỷ 21. Sẽ có ngày càng nhiều người từ các khu vực xa xổi hẻo lánh chuyển đến các thành phố để tìm kiếm cơ hội làm việc. Sẽ có những thách thức thực sự cho các chuyên gia trong việc tạo ra một mật độ cao tốt nhất (ví dụ như việc tạo ra khối lượng giao thông lớn cũng như ước lượng và kiến thiết nên kích thước và chất lượng của các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ đô thị ) trong khi vẫn duy trì các chất lượng của cuộc sống mà mật độ thấp có thể đem lại (thiên nhiên, sự yên tĩnh và không khí trong lành).
Khi các nhà quy hoạch phương Tây tham gia vào công tác thiết kế các đô thị Châu Á, họ nên hiểu được rằng quan niệm về mật độ là rất khác biệt giữa phương Đông và phương Tây. Mặc dù khả năng tiếp nhận, chịu đựng mật độ cao của người Châu Á (phương Đông) nói chung cao hơn so với người phương Tây, chúng ta cũng cẫn phải khiến cho mật độ cao trở nên dễ dàng để được chấp nhận hơn. Lấy ví dụ, chúng ta có thể thiết lập thêm vào một cách thông minh những không gian xanh để tạo nên một hình ảnh về mật độ thấp trong một thế giới có mật độ cao thực sự, như trong trường hợp nghiên cứu ở Rappoport (1975).
Lý thuyết và tài liệu quy hoạch phương Tây thường đề xuất mang con người ra đường phố để tăng tính sống động cho khu vực. Tại Châu Á, vấn đề đó có thể bị đảo ngược, bởi các nhà kiến trúc sư thường xuyên phải đối mặt với sự đông đúc quá mức của các khu vực.
Hong Kong không phải là thành phố lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một vài khu vực tại Hong Kong có mật độ rất cao, có lẽ là trong số những mật độ cao nhất trên thế giới. Điều này đặt ra những thách thức rất to lớn nhằm đảm bảo môi trường làm việc và sinh sống tốt cho người dân bản địa.
Bảo vệ Môi trường
Môi trường có nghĩa là “một tổ hợp của các nhân tố vật lý, hóa học và sinh học (như khí hậu, đất và những sinh vật sống) hoạt động dựa trên một tổ chức hoặc một cộng đồng sinh thái và có quyết định tối cao tới hình thức và sự sống còn của nó” (Merriam-Webster 2008). Khái niệm Môi trường cũng liên quan đến tính bền vững, tới phát triển xanh và không gian mở.
Các thành phố thông thường được coi là những môi trường không lành mạnh cho sức khỏe cho con người nếu so sánh với các khu vực nông thôn, bởi chúng là những trung tâm của ô nhiễm, của rác thải và các vấn đề xã hội khác. Nhưng với viễn cảnh và phương án quy hoạch tốt, cơ hội tạo lập môi trường tốt cho làm việc và sinh sống là hoàn toàn có thể (Kriken 2010).
Trong những thập niên gần đây, vấn đề của biến đổi khí hậu và sự dâng cao của mực nước biển đã trở thành những vấn đề quan tâm hàng đầu. Trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2007, rất nhiều thành phố Châu Á, đặc biệt là các thành phố Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã nằm trong khu vực có nguy cơ cao nếu như mực nước biển tăng. Điều này mang lại yêu cầu cấp bách trong việc tìm kiếm các giải pháp quy hoạch các thành phố của chúng ta, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị chu đáo cho tình huống xấu nhất do tự nhiên đem lại. Tại Việt Nam, sự tranh cãi, bàn luận về việc liệu có nên xây dựng một con đê chạy dài theo địa hình để bảo về đồng bằng sông Cửu Long hay tìm kiếm phương thức quy hoạch cho phép các thành phố chung sống tốt với các nguy cơ mực nước biển tăng vẫn còn đang tiếp diễn.
Tương tự, quy hoạch và thiết kế kiến trúc bền vững cũng là chủ đề quan tâm của các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch trên toàn thế giới từ giai đoạn cuối của thế kỉ 20. Hệ thống xếp hạng xanh sẽ trở thành một công cụ quan trọng cung cấp cho chúng ta một phương pháp tiếp cận khoa học và có sự chuẩn hóa trong phát triển xanh.
Ken Yeang và Arthur Spector (2011) cho rằng chúng ta nên phát triển xa hơn những hệ thống xếp hạng Xanh hiện tại , để nhìn vào một bức tranh hoàn chỉnh hơn về thiết kế bền vững. Khi những tiêu chuẩn về một hệ thống xếp hạng xanh trên toàn thế giới còn chưa được hiện thực hóa, Châu Á cần phải xây dựng các hệ thống của riêng nó, bởi hệ thống phương Tây như LEED 2 (Hoa Kỳ) hay BREEAM 3 (Vương quốc Anh) trong một vài trường hợp là không thực tế hoặc không tương thích với điều kiện hiện tại tại Châu Á. Lấy ví dụ, một công trình xây dựng bằng kính có thể được xếp ở mức độ Vàng (cao nhất) theo hệ thống xếp hạng phương Tây, nhờ vào khả năng tiết kiệm năng lượng thông qua những thiết kế và tiện ích đặc biệt của nó, nhưng lại không được coi là có tính xanh ở Châu Á, dựa trên sự bức xạ mặt trời của công trình vào môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, việc giám sát các tác động lên môi trường cũng vô cùng quan trọng. Nếu không, những lợi nhuận thu được từ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Châu Á sẽ không đủ để chi trả cho những hiệu ứng ngược do môi trường tồi tệ mang lại như tác động lên sức khỏe của dân cư, lên hệ sinh thái và lên những yếu tố quan trọng như nước uống hay không khí trong lành. Việc luôn trong tư thế sẵn sàng kiểm soát các tác động lên môi trường của các dự án xây dựng lớn từ những giai đoạn đầu tiên trong những nghiên cứu tính khả thi của dự án cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Chiến lược Phát triển và Tái phát triển
Chiến lược có nghĩa là “nghệ thuật của việc đặt ra hoặc sử dụng các kế hoạch hương tới một mục đích” (Merriam-Webster 2008). Các thành phố Châu A nên phát triển dưới ánh sáng soi đường của một chiến lược tốt. Nếu không, nó có thể bị mất kiểm soát và trở nên hỗn loạn. Kể từ khi các thành phố phát triển mở rộng nhanh chóng tại Châu Á, việc có một phương án quy hoạch thành phố tốt là không đủ. Một kế hoạch thực hiện cẩn trọng, được đạo diễn bởi một “Chỉ huy Dàn nhạc” và với một chiến lược phát triển và tái phát triển rõ ràng, sẽ rất quan trọng trong việc đảm bảo sự mở rộng đô thị luôn có một khuôn khổ tốt cho phát triển đi kèm theo.
Các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế kiến trúc, những đơn vị quản lý đô thị nên trước tiên phải hiểu được những yếu tố nào đóng góp cho một hình thức thành phố tốt trên cơ sở khiến cho nó có thể hoạt động được. Lynch (1981) đề xuất rằng có thể giám định được “hình thức thành phố tốt“ thông qua năm thước đo cơ bản (sức sống, cảm nhận, sự phù hợp, tiếp cận và điều hành) và hai “tiêu chuẩn siêu hình” ( tính hiệu quả và công lý/ sự công bằng). Sẽ rất hữu ích cho các nhà hoạch định chiến lược xem xét các vấn đề đô thị trong thế kỷ 21 từ quan điểm vĩ mô, như trong tác phẩm Đô thị 21 của Peter Hall (2000).
Từ việc nghiên cứu các tài liệu quy hoạch phương Tây về quá trình ngoại ô hóa trong các thập kỷ sau Thế chiến II năm 1945 và quá trình tập trung vào trung tâm trong một vài thập kỷ gần đây tại Hoa Kỳ và Châu Âu, có vẻ hợp lý khi cho rằng quá trình tương tự sẽ xảy ra tại Châu Á. Tuy nhiên, ở rất nhiều khu vực đô thị phát triển ở Châu Á, bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, xu hướng lại có vẻ đi theo chiều ngược lại: quá trình tập trung vào trung tâm lại diễn ra trước. Thứ tự xảy ra của quá trình ngoại ô hóa và tập trung vào trung tâm sẽ đặt ra những ảnh hưởng to lớn lên sự phát triển sống còn của đô thị, lên tiềm năng phát triển của nó, và lên những vấn đề kinh tế xã hội khác. Nhằm đảm bảo cho chiến lược phát triển của thành phố phát huy hiệu quả trong một thế giới có nền kinh tế theo định hướng thị trường, những nghiên cứu nghiêm túc cần được thực hiện nhằm hiểu được hiện tượng trên.
Mặt khác, bất kể quá trình ngoại ô hóa đến trước hoặc sau, nó cũng đặt ra những vấn đề cụ thể mà các chuyên gia cần phải nhận thức. Lấy ví dụ, Calthorpe và Fulton (2001) phát hiện ra rằng các thành phố ngoại ô được hình thành trong thế kỉ 20 đã mở rộng vượt xa tỷ lệ con người trong thế kỉ 21, do đó chúng cần phải có một mô hình phát triển vùng mới nhằm đóng góp thêm nhiều hơn các đặc tính xã hội và môi trường cho chúng.
Singapore ngày nay được hình thành dưới một chiến lược phát triển toàn diện để trở thành một vùng đô thị trung tâm và mang tính quốc tế (Ảnh: Oliver Multhaup 2008)
Bản sắc của Khu vực và của Hoạt động
Bản sắc có nghĩa là đặc tính phân biệt của một thành phố hoặc một nơi chốn. Làm việc với Bản sắc thông thường mang ý nghĩa là làm việc với công tác bảo tồn, với văn hóa và các phong tục địa phương.
Trong suốt lịch sử phát triển đô thị nói chung , mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn luôn tồn tại, nhưng tại Châu Á, có vẻ như cuộc chiến thường nghiêng về phía phát triển mới, bất chấp những cuộc tranh cãi và cảnh báo về nguy cơ của việc mất đi các ký ức đô thị. Một trong những lý do chính trong việc tại sao những người chủ và các nhà đâu tư thường không quan tâm đến công tác bảo tồn là bởi họ tin rằng các công trình cũ/ cổ sẽ không sản sinh ra lợi nhuận được như các công trình cao tầng, bất chấp các giá trị xã hội và lịch sử của chúng. Quan điểm này không phải lúc nào cũng đúng, ví dụ như khu vực được bảo tồn và cải tạo lại Xintiandi (Thượng Hải) và các ngôi nhà thành thị được bảo tồn dọc theo bờ nước tại Singapore là những bằng chứng sống cho thực tế những phương pháp bảo tồn tốt cũng có thể thu hút được nhiều thành công kinh tế.
Một trong những phương thức tốt nhất để duy trì những bản sắc địa phương đặc biệt chống lại sự toàn cầu hóa của khu vực là phải duy trì sự đa dạng, các đặc tính của cuộc sống và cung cấp cho người dân đa dạng các lựa chọn trong mọi lĩnh vực của đời sống (Ngo Viet 1997). Việc nghiên cứu các nhóm dân cư địa phương khác nhau, hoặc các bên liên quan, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng tất cả các nhu cầu được đáp ứng. Việc tạo dựng thành phố nên đặt con người là trung tâm của mọi vấn đề. Sassen (2001) đã xác định rằng các thành phố toàn cầu là những nơi chốn có người từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau đổ vể, đem theo cùng với họ là sự đa dạng trong văn hóa . Do đó, các đặc điểm quốc tế của một thành phố toàn cầu bao gồm không chỉ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật về truyền thông và các hãng hoạt động trên quy mô quốc tế mà còn bao gồm cả các môi trường văn hóa.
Khu vực hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội, một khu vực đặc biệt của Hà Nội với các giá trị tự nhiên và di sản đô thị quý giá , hiện đang cần môt phương án phát triển toàn diện hơn nữa nhằm giải quyết được các vấn đề về bảo tồn và các áp lực đến từ phát triển mới. (Nguồn: ProK Studio)
Chia sẻ thành quả
Thành quả có nghĩa là “Các nguồn tài nguyên hoặc ưu thế đạt được hoặc gia tăng” hoặc “vai trò hay quá trình đạt được” (Merriam-Webster 2008). Trong một thành phố, điều tối quan trọng là việc làm cân bằng được giữa những thành quả hoặc lợi ích vật chật cũng như phi vật chất cho công dân của thành phố đó. Rất nhiều thành phố đang phát triển ở Châu Á hiện đang nằm trong nguy cơ quá trình thương mại hóa nơi chốn, nơi các công trình lịch sử quý giá ở khu vực trung tâm có thể bị xóa bỏ nhằm xây dựng nên các tòa tháp chọc trời, các cảnh quan đô thị có thể bị lấp đẩy bởi các biển quảng cáo, những trường học bị di chuyển ra khu vực khác, nhường các không gian cho các trung tâm thương mại mới. Đây là một thách thức thực sự cho các viên chức và chuyên gia làm việc cho thành phố trong việc làm cân bằng giữa thế lực thị trường để phát triển thành phố của họ phồn vinh về mặt tài chính và nhu cầu cần có thêm nhiều không gian xanh, không gian công cộng, các cơ sở vật chất cho hoạt động xã hội, và các không gian lưu giữ ký ức cho người dân bản địa.
Việc quan tâm cung câp nơi chốn cho các thành quả phi vật chất như các giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội là rất quan trọng đối với bất kì một thành phố văn minh nào, trong khi hoạt động này lại thường xuyên bị lãng quên. Một trong những lý do được đưa ra đó là việc đầu tư vào những khu vực này thường không tạo ra lợi nhuận cao. Nhằm chống lại xu hướng đạt thành quả vật chất bằng bất cứ giá nào ( Lim 2005) hình thành nên những nền tảng cơ bản cho một cơ chế đô thị đạo đức tại Châu Á, với những quan điểm cụ thể về những vấn đề liên quan tới quyền lợi, đạo đức, hạnh phúc và công bằng xã hội.
Động lực Tự nhiên
Tự nhiên/ có nghĩa là các thế lực tự nhiên điều khiển những gì xảy ra trên thế giới, là cách mà một người xử sự cũng như đặc điểm, tính cách của một con người”. Cứ để thuận theo tự nhiên cũng có nghĩa là “để môt việc nào đó diễn ra mà không cấn phải cố gắng điều khiển nó” (Merriam-Webster 2008).
Khi nói đến việc kiểm soát hoạt động một thành phố, các quan chức làm việc cho thành phố thường phải đối mặt với câu hỏi liệu họ cần phải đưa nó vào khuôn khổ luật pháp một cách nghiêm khắc, hay nên tìm ra những phương thức nhằm khuyến khích công dân xử sự hoặc đi theo hướng mà họ muốn một cách tự nhiên. Lấy ví dụ, để tạo ra và duy trì những thành phố xanh và sạch nhất trên thế giới như Singapore, liệu có tốt hơn chăng khi chúng ta đặt ra những hình phạt nặng nề, hoặc tìm những biện pháp khác để giáo dục các công dân giữ cho thành phố của họ sạch đẹp?
Trong cùng nội dung bàn luận của chủ đề động lực tự nhiên, loại hình của hệ thống chính trị và kinh tế có ý nghĩa nhiều lên xu hướng phát triển thành phố. Lấy ví dụ, trong một hệ thống kinh tế nhà nước, tất cả các quyết định quan trọng được đưa ra bởi chính quyền trung ương, từ hoạch định đến tài trợ, và cho đến cả việc quản lý các thành phố. Các dự án quy hoạch thường được thiết kề và tài trợ bởi khu vực công. Ngược lại, trong hệ thống kinh tế thị trường, chính quyển trung ương không kiểm soát chủ quan nhiều lên quá trình phát triển tại địa phương. Thay vào đó, chính phủ chỉ tạo nên hệ thống khuôn khổ pháp lý cho pháp triển, ví dụ như các phương án và quy định về sử dụng đất, để cho các nhà đầu tư tự thiết kế nên những dự án quy hoạch của họ. Nếu một đất nước chuyển từ nền kinh tế này sang nên kinh tế khác, điều quan trọng là cũng cần phải thay đổi hệ thống quản lý theo đó. Nếu không, sự không phù hợp giữa tâm lý quản lý của hệ thống cũ và thực tế của hệ thống quản lý mới hơn sẽ không hoạt động được.
KẾT LUẬN
"Thế kỷ Châu Á" đã bắt đầu được một phần mười chặng đường 100 năm của nó. Có thể chắc chắn rằng danh sách những thách thức cho các thành phố Châu Á sẽ còn tiếp tục dài hơn và phức tạp hơn.
Trong sự giới hạn của một bài đánh giá ngắn, bài viết này sẽ chỉ xác định những thách thức của các thành phố Châu Á trong thời đại toàn cầu hóa và thông tin từ các quan điểm bên trong. Sẽ không có giải pháp chung cho những thách thức này. Thay vào đó, mỗi thách thức cần phải được kiểm chứng một cách cẩn trọng tại những địa điểm và những thiết lập địa phương của từng trường.
Chúng tôi hy vọng rằng các nhà quy hoạch và kiến trúc sư của Arcasia sẽ cùng tham gia thúc đẩy những tiền đề này phát triển xa hơn nưa, bởi nếu như chúng ta càng nhận thức rõ những thách thức trong tương lai khi chúng xuất hiện, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn nhằm tạo ra những khu vực có chất lượng sống và làm việc tốt tại Châu Á.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn
(Bài tham luận tại Diễn đàn Kiến trúc Châu Á - Forum Arcasia 16 tại TP Đà Nẵng, 8/2011)
TÀI LIỆU THAM KHẢO: - Alexander, Christopher và Sara Ishikawa, và Murray Silverstein. 1977. Ngôn ngữ mô hình : Các đô thị, công trình , xây dựng (A Pattern Language: Towns, Buildings, Construction). Oxford University Press. |
[ Chuyên đề: Đô thị châu Á thế kỷ 21 ]
- Bài học kinh nghiệm từ các thất bại trong quy hoạch phát triển Sài Gòn
- Đô thị "Xanh" ở Việt Nam và xu hướng phát triển
- Kiến trúc quảng trường ở các đô thị Việt Nam
- Quy hoạch đô thị Hà Nội: Từ tưởng tượng đến thực tế
- Kiểm soát phát triển nhà cao tầng để giảm tải nội đô
- "Đô thị gọn chặt" và chiến lược phi tập trung hóa
- Bài toán hiện thực hoá quy hoạch
- Giao thông - cầu vượt và những cái "Cần"
- Triển vọng từ đô thị cảng Nam Sài Gòn
- TP.HCM: Đô thị vệ tinh trên giấy, cao ốc lấp đầy trung tâm