Trước việc đô thị hóa nhanh, gây ảnh hưởng trực tiếp tới không gian cây xanh, mặt nước, giảm chất lượng cuộc sống đô thị, ngày 13/1, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước thành phố Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị”.
KTS Trần Ngọc Chính phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Đoàn Mạnh Phúc / VUPDA)
Phát biểu tại hội thảo, thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, trong thời gian qua Hà Nội có nhiều chuyển biển trong việc phát triển không gian xanh, mặt nước, tạo bộ mặt đô thị với một bản sắc riêng.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, thành phố Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa để phát triển không gian cây xanh, mặt nước, nhất là nội đô lịch sử cần tăng diện tích công viên, cây xanh, vườn hoa, sau khi diện tích đất dôi dư từ việc các bộ ngành, xí nghiệp, bệnh viện di dời ra khỏi nội đô.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp cho Hà Nội về việc định hướng, phát triển cây xanh mặt nước, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, phát triển cây xanh, mặt nước là yếu tố bắt buộc đối với nhiều đô thị trên thế giới và Hà Nội không nằm ngoài xu hướng chung đó.
Theo đó, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh vào năm 2020. Đến năm 2030, Hà Nội tăng diện tích cây xanh đạt 8 m2/người và thành phố đang nỗ lực đáp ứng tâm tư, nguyên vọng của người dân về tăng diện tích cây xanh, mặt nước.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Đoàn Mạnh Phúc / VUPDA)
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian tới, thành phố đặt ra yêu cầu trồng mới cây xanh trên 3 tiêu chí: đồng bộ, đồng đều và đa dạng. "Cây trồng trên địa bàn thành phố không chỉ mang bóng mát, đẹp về cảnh quan mà còn phải đáp ứng ít gẫy đổ, giảm bụi, hạn chế tiếng ồn, quanh năm ra hoa", ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Giải pháp thành phố Hà Nội đưa ra để tăng diện tích cây xanh, mặt nước là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, đóng góp. Trên cở sở vừa thí điểm, vừa trồng, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó; đào tạo cán bộ công nhân viên cây xanh chuyên nghiệp, hiện đại. Mặt khác, thành phố Hà Nội sẽ đưa việc giáo dục ý thức giữ gìn cây xanh, hồ nước vào trong giảng dạy ở một số cấp học.
Đồng thời, vận động người dân tham gia cuộc "cách mạng" trồng cây xanh, yêu cây, yêu hoa trở thành thành phố xanh trong tương lai. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình làm sạch ô nhiễm ao hồ, đào các hồ mới, phục vụ chương trình cảnh quan không gian mới; quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Ashui.com)
Theo nhìn nhận của một số chuyên gia thì tỷ lệ đất cây xanh, mặt nước, công viên ở Hà Nội so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh…, đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.
Trước thực trạng như vậy, theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, thành phố Hà Nội cần thiết phải giá lại công tác quy hoạch cây xanh trong đô thị nhằm tìm kiếm các giải pháp nhằm hạn chế những yếu kém quản lý cây xanh đô thị.
Theo đó, quy hoạch cây xanh phải được thành phố Hà Nội xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đặc biệt Hà Nội, cần gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị để tạo nét đặc trưng tại các tuyến phố đô thị trung tâm hoặc trục đường giao thông hoặc các đô thị mới.
Các giải pháp quy hoạch cây xanh cần được xem xét kỹ hơn về yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị.
Hệ thống hồ cần được nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.
Để Hà Nội tăng diện tích cây xanh, mặt nước, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì thành phố Hà Nội cũng cần đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của các tổ chức cá nhân trong việc đầu tư hồ nước; trồng mới cây xanh.
Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Vũ Kiên Trung, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho rằng, thành phố cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào hệ thống công viên cây xanh, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí gắn liền với công viên.
Đối với việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ cây xanh, mặt nước, tạo không gian sống xanh, sạch đẹp, ông Vũ Kiên Trung đề xuất, Hà Nội cần vận động toàn thể các tầng lớp nhân dân Thủ đô thực hiện trồng và bảo vệ cây xanh đô thị bằng những hành động việc làm thiết thực như chăm sóc, bảo vệ cây xanh trước cửa nhà mình, trang trí nhà cửa nội thất, mặt tiền bằng các cây xanh, cây hoa, cây cảnh./.
(TTXVN)
- Chúc mừng năm mới 2018!
- Giải thưởng quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp 2017
- Hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2050
- Hội thảo ra mắt chính thức Hội Mô phỏng Hiệu năng Công trình Xây dựng Việt Nam (IBPSA-Vietnam)
- Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Xây dựng
- Triển lãm “Unorthodox 8792”
- Công bố kết quả Ashui Awards 2017
- Hội thảo “Quy hoạch đô thị Hà Nội định hướng phát triển kiến trúc–quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng”
- 10 sự kiện nổi bật ngành Xây dựng, Quy hoạch, Kiến trúc Việt Nam năm 2017
- Hội thảo "Thực trạng quản lý đô thị & Nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam"