Cầu Nhật Tân và đường nối từ cây cầu này đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) sẽ chính thức được khánh thành vào ngày 4/1/2015, rút ngắn khoảng cách từ trung tâm Hà Nội đi sân bay Nội Bài chỉ còn 15 km thay vì phải đi vòng 30 km như hiện nay.
Ngày 26/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức công bố khánh thành bốn dự án vào ngày 4/1/2015 gồm: nhà ga hành khách T2; nhà khách VIP A (sân bay Nội Bài); cầu Nhật Tân; và đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.
Cầu Nhật Tân đang hoàn thành các hạng mục cuối cùng trước ngày khánh thành (Ảnh: Bộ GTVT)
Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài dài 12 km đã hoàn thành những hạng mục chính, một số hạng mục phụ sẽ hoàn tất trong vài ngày tới.
Tuyến đường này, có tổng vốn đầu tư 6.742 tỉ đồng, sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thủ đô Hà Nội đến sân bay Nội Bài còn một nửa so với trước đây.
Theo Bộ GTVT, hiện nay khoảng cách từ trung tâm Hà Nội đi sân bay Nội Bài qua đường Bắc Thăng Long là 30 km nhưng từ ngày 4/1/2015 từ trung tâm Hà Nội đi sân bay Nội Bài chỉ còn 15 km gồm 12 km đường và 3 km cầu Nhật Tân. Ngoài ra, đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài sẽ giảm tải cho đường Bắc Thăng Long.
Còn dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu cũng đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng như hàng rào hai bên, bổ sung cây xanh…. và sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2014. Đây là cầu dây văng bắc qua sông Hồng, nằm trên tuyến vành đai 2 của Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên đến 13.626 tỉ đồng.
Trong khi đó, dự án nhà ga T2 sân bay Nội Bài đã đưa vào sử dụng từ hôm qua 25/12. Nhà ga này có tổng mức đầu tư gần 900 triệu đô la với công suất phục vụ từ 10 đến 15 triệu hành khách/năm nhằm giải quyết tình trạng quá tải của sân bay Nội Bài hiện nay.
Điểm nhấn của sân bay Nội Bài và nhà ga hành khách T2 đó chính là dự án nhà khách VIP A được thiết kế như một khu nhà vườn có hình cánh hoa.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, các dự án trên là những dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (trừ nhà khách VIP A). Các dự án này sau khi đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực thủ đô.
(TBKTSG)
- Việt Nam cần 30 tỷ USD cho Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2020
- 2015 sẽ cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng
- Việt Nam và Nhật Bản hợp tác trong xây dựng và phát triển đô thị
- TPHCM thông xe nhiều dự án giao thông vào Tết Dương lịch
- Hà Nội: Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Ba Vì đến năm 2030
- Điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp của 31 địa phương
- Hà Nội tiếp tục nghiên cứu việc xây mới 35 tượng đài
- Đà Nẵng hình thành hai tuyến phố chuyên doanh
- Đề xuất ý tưởng điều chỉnh quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- TP.HCM đồng ý bảo tồn một phần Thương xá Tax