Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam Người dân TPHCM sẽ phải sống chung với kẹt xe kéo dài

Người dân TPHCM sẽ phải sống chung với kẹt xe kéo dài

Viết email In

Mối lo ngại về tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM sẽ ngày càng lớn, tác động tiêu cực đến đời sống người dân và cả kinh tế thành phố bởi các dự án giao thông cho đến nay vẫn vướng về giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư.

Thông tin tại hội nghị Thành ủy TPHCM diễn ra ngày 6/7, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết xét tổng thể, hiện nay phần lớn các dự án chương trình giảm ùn tắc giao thông ở thành phố đang gặp phải hai khó khăn lớn là: thiếu vốn và thiếu mặt bằng.  

Ông Cường cho biết thống kê 50 dự án ngành giao thông đang triển khai hầu hết đều chậm cho thiếu vốn và không có mặt bằng. 

Ông lấy ví dụ là dự án mở rộng tỉnh lộ 8 gắn với Khu công nghiệp Đông Nam dài 7 km được duyệt từ năm 2008 với vốn khi đó là 220 tỉ đồng (trong đó 110 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng), nhưng đến nay do vướng mặt bằng bị chậm triển khai nên thẩm định lại vốn dự án này đã bị “đội” lên hơn 800 tỉ đồng (trong đó phải mất hơn 600 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng). Hoặc như dự án Trung tâm điều hành giao thông vốn 300 triệu đô la Mỹ tính toán thực hiện từ lâu nhưng cuối cùng đến nay cũng không thực hiện được bởi chưa kêu gọi được vốn ODA… 

“Trong quá trình triển khai mới thấy huy động nguồn lực vốn rất khó khăn. Tính toán giai đoạn 2016 - 2020, thành phố cần bố trí khoảng 177.000 tỉ đồng cho dự án chương trình giao thông nhưng đến thời điểm này mới chỉ bố trí được 14%”, ông Cường liệt kê khó khăn về vốn và cho biết thêm ngay cả dự án đường Vành đai 3 với tổng vốn khoảng 16.000 tỉ đồng (sử dụng vốn Trung ương) sắp tới TPHCM cũng phải ứng trước từ ngân sách thành phố mới mong có thể đẩy nhanh tiến độ được. 

Vốn không cân đối đủ, về mặt bằng sạch cho dự án giao thông còn bị vướng bởi pháp lý thu hồi đất, thẩm định giá trị đất… cũng là các khó khăn khác được vị đứng đầu ngành giao thông thành phố nêu ra tại hội nghị sáng nay.

Trên thực tế, tình trạng kẹt xe đang từng giờ tác động trực tiếp lên đời sống người dân, người dân di chuyển khó khăn hơn, khí thải nhiều hơn gây ô nhiễm.

Ở tầm lớn hơn, kẹt xe đang tác động không hề nhỏ tới sự phát triển của kinh tế thành phố. Mới đây, đại diện Sở Tài chính cho biết do ngán ngại kẹt xe nên nhiều doanh nghiệp chuyển hàng xuất nhập khẩu về cảng Thị Vải - Cái Mép chứ không còn thông qua cảng tại TPHCM, điều này trực tiếp làm giảm nguồn thu thuế hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố trong 6 tháng đầu năm nay.

Cần nhắc lại năm 2015 TPHCM đã đề ra 7 chương trình đột phá, trong đó có chương trình về giảm ùn tắc giao thông. 

Phát biểu tại hội nghị Thành ủy chiều nay, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đặt vấn đề: qua 2,5 năm thực hiện các chương trình đột phá thì nay cần xem lại đã thực sự đột phá hay chưa, có tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ, nâng cao năng lực và chất lượng tăng trưởng kinh tế thành phố hay chưa?

“Cá nhân tôi thấy là đến nay vẫn chưa tạo ra sự đột phá”, chính ông Phong trả lời cho vấn đề ông đặt ra trước hội nghị. 


Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận tại hội nghị Thành ủy lần thứ 17.
(Ảnh: Văn Nam) 

Nhận xét về 7 chương trình đột phá của thành phố, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nếu không thay đổi cách làm, không sáng tạo về cách làm thì chắc chắn sẽ khó đạt được những kết quả đặt ra trong chương trình đột phá. 

Cụ thể, ông Nhân cho biết trong hơn 2 năm qua, việc xây đường thì mới chỉ đạt 100 km trong tổng số 270 km đường cần xây mới và nếu không có giải pháp đột phá thì không thể nào làm nổi 64% diện tích đường còn lại trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Về đất dành cho giao thông theo quy hoạch, hiện mới chỉ đạt 8,85% trong khi mục tiêu nâng lên 16%. Với tình hình quỹ đất tại TPHCM hiện nay thì việc bổ sung thêm đất cho giao thông theo mục tiêu này là rất khó.

"Những mục tiêu sắp tới rất gian nan, nếu không sử dụng vốn từ xã hội thì khó đạt được trong thời gian tới", ông Nhân nói. 

Văn Nam 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo