UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025. Đây là kế hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 và phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Trong kế hoạch này, Bình Định sẽ thúc đẩy đầu tư 99 dự án, công trình ưu tiên, trong đó có 55 dự án về hệ thống giao thông, 11 dự án về bến xe, bãi đỗ xe, 13 dự án về hệ thống cấp nước, 11 dự án về xử lý nước thải đô thị, 6 dự án về quản lý chất thải rắn và 3 dự án về nhà tang lễ.
Một góc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: IPC Bình Định cung cấp)
Một số dự án lớn có thể kể đến như cầu Thị Nại 2, thành phố Quy Nhơn; tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía tây đầm Thị Nại; tuyến đường kết nối từ đường phía tây tỉnh (đường tỉnh 638) đến đường ven biển (đường tỉnh 639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; tuyến đường kết nối với đường ven biển (đường tỉnh 639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; cầu qua sông Hà Thanh, thị trấn Vân Canh; tuyến đường nối khu kinh tế Nhơn Hội đi Hải Giang…
Theo ghi nhận, một số dự án đang gặp trở ngại về huy động vốn cũng như kêu gọi các nhà đầu tư.
Tỉnh Bình Định vừa một lần nữa đề nghị trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để đầu tư dự án cầu Thị Nại 2, bắc qua đầm Thị Nại hướng về thành phố Quy Nhơn, với tổng mức đầu tư khoảng 1.888 tỉ đồng. Đây là dự án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối khu kinh tế Nhơn Hội, khai thác hiệu quả tiềm năng dịch vụ, du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
Năm ngoái, tỉnh Bình Định đưa dự án này vào kế hoạch chuẩn bị đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2020 và cũng đã đề nghị trung ương bố trí vốn.
Trong khi đó, tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía tây đầm Thị Nại có tổng mức đầu tư 1.290 tỉ đồng với thời gian hoàn thành 2024, nhưng cũng đang khó khăn về vốn. Dự án có chiều dài tuyến khoảng 9,4km, đi qua địa bàn phường Bình Định, thị xã An Nhơn; các xã Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra một tuyến đường kết nối từ đường Lê Hồng Phong đến khu du lịch FLC Nhơn Lý với tổng chiều dài hơn 9 km.
Tuyến đường nối khu kinh tế Nhơn Hội đi Hải Giang, bao gồm cây cồi qua khu du lịch Hải Giang Merry Land cũng đang “đói” vốn.
Theo thông tin từ văn phòng UBND tỉnh Bình Định, chủ tịch tỉnh Bình Định đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thúc đầy đầu tư các dự án, đề xuất cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư vào mục tiêu xây dựng đô thị theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định và chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã được duyệt.
Theo kế hoạch này, toàn tỉnh sẽ có 22 đô thị, cụ thể: 1 đô thị loại I là thành phố Quy Nhơn; 01 đô thị loại III là thị xã An Nhơn; 2 đô thị loại IV là Hoài Nhơn và đô thị Tây Sơn (huyện Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV); 12 đô thị loại V (đô thị hiện hữu) là Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Phước Lộc, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh, Cát Tiến; 06 đô thị loại V (hình thành mới) là Phước Hòa và Phước Sơn (huyện Tuy Phước); An Hòa (huyện An Lão); Cát Khánh (huyện Phù Cát), Canh Vinh (huyện Vân Canh); Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ). Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 52,8%. |
(KTSG Online)
- Mời thi tuyển phương án kiến trúc công trình Sân vận động Thái Nguyên
- Thẩm định quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040: Hướng đô thị kết nối quốc tế
- Đà Nẵng mời tham gia đề xuất phương án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000
- Cả nước còn hơn 1,2 triệu ha đất chưa sử dụng
- Hà Nội dự kiến chi 500 tỷ đồng tổng kiểm tra toàn bộ chung cư cũ
- Lãnh đạo Hà Nội nêu 9 nhóm đề xuất, kiến nghị phát triển Thủ đô lên Thủ tướng Chính phủ
- Thành phố Huế muốn đẩy mạnh đầu tư vào những địa phương mới được sáp nhập
- Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Cần Thơ: Bãi bỏ 10 Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy
- Ngày Thiết kế Ý lần thứ 5: “Tái sinh một số khu vực đô thị” và “Ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn di sản văn hóa”