Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội đề xuất khôi phục dịch vụ du lịch trên hồ Tây

Hà Nội đề xuất khôi phục dịch vụ du lịch trên hồ Tây

Viết email In

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao ở Hồ Tây, UBND thành phố Hà Nội dự kiến cho phép nhiều loại hình kinh doanh mở lại, trong đó có tàu du lịch.

Theo Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội, dự thảo quy định quản lý hồ Tây được UBND thành phố Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến các ban, ngành và nhân dân Thủ đô đã nêu chi tiết 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động.

Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực; dịch vụ bơi thuyền gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống; hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm, bơi lặn.

Ngoài ra, thành phố cũng muốn hồ Tây phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước, khinh khí cầu, bay dù lượn, kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.


Hồ Tây, một cảnh quan nổi tiếng của Hà Nội (Ảnh: hanoilovers.com)

Dự thảo cũng quy định UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý, phối hợp với các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ. Việc sử dụng không gian mặt hồ phục vụ các hoạt động văn hóa thể thao, du lịch và vui chơi giải trí phải được UBND quận Tây Hồ cấp phép.

Trong Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) được UBND thành phố phê duyệt, hồ Tây sẽ có 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy. Quận Tây Hồ tổ chức đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các hạng mục này. Tàu thuyền hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ ở đây cũng do quận Tây Hồ quản lý.

Quy định quản lý hồ Tây cũng đưa ra các yêu cầu về quản lý môi trường bao gồm nước thải, nước trong hồ và mực nước, vệ sinh mặt hồ; môi trường không khí và các chất thải, rác thải; hạ tầng, quy hoạch, xây dựng và kiến trúc.

Hồ Tây là một cảnh quan nổi tiếng, điểm vui chơi giải trí của nhân dân Thủ đô, cũng là một trong nhiều điểm tập trung đông các dịch vụ vui chơi, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa lớn của Thủ đô.

Năm 2017, các hoạt động kinh doanh trên mặt hồ, hàng quán xung quanh hồ Tây lộn xộn, phức tạp về an ninh trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm nặng khiến thủy sản trong hồ chết hàng loạt. UBND thành phố Hà Nội sau đó đã yêu cầu chấm dứt hoàn toàn các hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý hồ Tây. Các chủ tàu thuyền du lịch, nhà nổi phải tự tháo dỡ phương tiện và di dời, tuy nhiên đến đầu năm 2023, việc này vẫn chưa hoàn tất.

Hồ Tây rộng hơn 527 héc-ta, chu vi hồ khoảng 19 km. Hạ tầng kỹ thuật hồ cơ bản được hoàn thiện đồng bộ từ taluy mái kè, đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Quanh hồ và vùng phụ cận có 22 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như hương Yên Phụ, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, sen Quảng An.

T.Huy

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...