Ashui.com

Wednesday
May 01st
Home Tin tức Việt Nam Thừa Thiên – Huế: Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024

Thừa Thiên – Huế: Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024

Viết email In

Ngày 6/4, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.


Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển. Ba trung tâm đô thị gồm: Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà); Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới); Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông).

Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Đông -Tây; Hành lang kinh tế đô thị hướng biển. Ba động lực tăng trưởng gồm: Thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp Phong Điền.

Năm khâu đột phá phát triển là: Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông; phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; thúc đẩy dịch vụ - du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị "3 trong 1": Công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn phát triển Thừa Thiên - Huế được xây dựng một cách bài bản, chiến lược và dài hạn và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên - Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững. Quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, trước đây do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa làm được nhiều.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này đã được tập trung đầu tư, đẩy mạnh thực hiện; công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ (đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 109/111 quy hoạch). Dự kiến trong năm nay, sẽ hoàn thành tương đối toàn diện, đồng bộ, tổng thể các quy hoạch cấp Trung ương, các ngành, các địa phương.

Theo Thủ tướng, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước - biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm; quy hoạch phải đi trước một bước. Đồng thời, phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học và từng bước thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ quy hoạch tốt sẽ dự án tốt, có dự án tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch. Thứ nhất, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Thứ hai, xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân. Thứ ba, quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.

Thủ tướng cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện. Theo đó, tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh (để khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững). Phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục. Xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, bên trong - bên ngoài); nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế. Tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: Xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch, Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư hôm nay là sự tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là dịp tỉnh công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như tiếp tục đóng góp, đề xuất, kiến nghị, giúp đỡ tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển trong tương lai và để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện.

Trí Đức

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo