Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam TPHCM xác định mô hình TOD là động lực phát triển giao thông công cộng

TPHCM xác định mô hình TOD là động lực phát triển giao thông công cộng

Viết email In

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện các khu vực TOD (Transit Oriented Development - mô hình lấy giao thông công cộng làm trung tâm) dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3 theo Nghị quyết 98/2023/QH15.  


Dọc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được ưu tiên phát triển mô hình TOD.

Theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã cho phép Thành phố được phép thí điểm mô hình TOD bằng nguồn ngân sách đầu tư công để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các khu vực gần nhà ga metro và nút giao Vành đai 3.

Từ cơ sở trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định các khu vực TOD được chia thành 2 nhóm trên cơ sở đánh giá hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc pháp lý đất, điều kiện và động lực phát triển trên nền tảng hạ tầng hiện hữu đã có và xây dựng thêm.

Thứ nhất, nhóm cải tạo, chỉnh trang khu vực hiện hữu: Đây là những khu vực đã hình thành dân cư hiện hữu, có điều kiện đô thị xuống cấp cần cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị. Bên cạnh đó, những khu vực này có một phần diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý như trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được giao thuê có thời hạn, có thể di dời…

Thứ hai, nhóm đầu tư mới được xây dựng trên hiện trạng các khu vực là đất trống, hoặc dân cư thưa thớt, hoặc có nhà máy/xí nghiệp dự kiến di dời… Điều này sẽ tạo sự thuận lợi cho việc thu hồi, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng mới. Cùng với đó, những khu vực này có phần lớn diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý như trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được giao thuê có thời hạn, có thể di dời...

Theo lý giải của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các khu vực được chọn làm TOD phải dễ triển khai (nhiều thuận lợi trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng); sớm thực hiện; hiệu quả cao (giá trị khi đấu giá đất, đấu thầu dự án đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách).

Theo kế hoạch, giai đoạn 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm mô hình TOD tại 9 vị trí khu vực dọc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và Vành đai 3, thuộc 5 địa phương bao gồm: Quận Tân Bình, quận 10, quận Tân Phú, thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn.


Các vị trí dự kiến thí điểm thực hiện TOD tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến giai đoạn 2026-2028, dự kiến thực hiện đối với 2 vị trí tại khu 1 xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) và khu vực xung quanh vị trí ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh).

Để triển khai các dự án này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu 3 mô hình và chức năng cơ bản cho khu vực TOD như sau: Thứ nhất, mô hình tại vùng lõi nhà ga (phạm vi bán kính từ 400 - 500m): Phát triển đô thị mật độ cao tối ưu, đất sử dụng hỗn hợp, đa chức năng, thương mại - dịch vụ kết hợp với hình thức giao thông đi bộ là chủ yếu trong khu vực này, giao thông đối ngoại chủ yếu bằng đường sắt đô thị.

Thứ hai, mô hình tại vùng chuyển tiếp nhà ga (bán kính 500 - 1.000m): Phát triển đô thị mật độ cao, sử dụng đất hỗn hợp với nhà ở và công trình dịch vụ xã hội với hình thức giao thông nội khu chủ yếu đi bộ và xe đạp, kết nối giao thông với nhà ga bằng xe buýt hoặc xe cá nhân nhẹ (xe đạp, xe điện...). Giao thông đối ngoại vẫn chủ yếu bằng đường sắt đô thị.

Thứ ba, mô hình phụ cận các nút giao Vành đai 3: Phát triển đô thị tại vùng phụ cận các nút giao thông đối với các khu vực có kết nối giao thông thuận lợi với đường Vành đai 3 hoặc tuyến nhánh rẽ vành đai.

Mô hình này theo hướng hình thành các khu dân cư tập trung, khu chức năng đô thị, các khu công nghiệp, logistics... Giao thông nội khu chủ yếu xe đạp, xe điện, trong khi giao thông đối ngoại chủ yếu kết nối đường nhánh và giao thông công cộng.

Được biết, TOD (Transit Oriented Development) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Mô hình này nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.

Trong đó, các khu đô thị phát triển theo mô hình TOD thường được xây dựng xung quanh các ga tàu điện ngầm, xe buýt hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác. Những khu vực này có mật độ dân cư cao và nhiều tiện ích như nhà ở, văn phòng, thương mại, dịch vụ, giải trí,... Các khu đô thị được thiết kế để có thể đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách dễ dàng.

Bình An

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo