Khoảng hai năm gần đây, vấn nạn “ùn tắc giao thông” của Đà Lạt luôn là một trong những đề tài làm hâm nóng các chương trình, nghị sự của tỉnh và thành phố; các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp để chính quyền tham khảo trước khi quyết định. Quá trình triển khai, trên các trang mạng xã hội, không thiếu những ý kiến đa chiều, bình phẩm khen chê, có người còn hoài nghi kết quả chuỗi công việc trong quá trình thực hiện sẽ làm hỏng nét đặc trưng, bản sắc của phố núi Đà Lạt ngàn hoa (?)…
Về phía Chính quyền tỉnh Lâm Đồng, cũng đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm “Giải pháp chống ùn tắc giao thông cho thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” - mà một trong năm phương án được hội đồng tuyển chọn, trao giải nhất (duy nhất) trị giá một tỷ đồng; đồng thời lập dự án hình thành các bãi đậu xe tập trung tại hai cửa ngõ ra vào thành phố Đà Lạt; xác lập các tuyến đường vành đai, kết hợp mở rộng đường đèo Prenn…
Cùng lúc, thành phố Đà Lạt thực hiện đồng loạt việc mở rộng lòng đường một số tuyến phố chính; cải tạo năm nút giao kết hợp lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông và dự kiến làm tiếp tám điểm nghẽn khác tại các giao lộ…
Nhưng có một hạng mục mà ít người để ý hay bàn luận, đó là “vỉa hè đi bộ trên cao”.
Vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ, vị trí dọc hai bên tuyến đường dành cho các phương tiện tham gia giao thông hai chiều. Thông thường, vỉa hè rộng từ 2 đến 4 mét, mặt nền láng xi măng, lát đá hoặc gạch, có mặt hè cao cách mặt đường nhựa từ 10 đến 15cm, tạo thành gờ hoặc tạo dốc áp sát đến mép đường…
Thực tế giờ đã thấy, trên một số khu vực của những tuyến đường mới mở rộng (như giáp khu vực Quảng trường Lâm Viên, đường Trần Quốc Toản quanh hồ Xuân Hương - cạnh Công viên hoa và Trung tâm Văn hóa Lao động…), có một phần vỉa hè đi bộ mà cao trình mặt nền lại ở trên cao (hơn 1 mét) so với mặt đường; hai đầu vỉa hè có bậc cấp dẫn người đi bộ dần lên cao.
Nguyên nhân chủ yếu là do mở rộng lòng đường, lấn lên phần đất của vỉa hè hiện có, giáp phía sườn đồi đất tự nhiên, bạt mái trồng cỏ (taluy dương); từ đó buộc phải dịch chuyển một phần vỉa hè lên phần sườn đồi và kết nối giữa hai cao trình vỉa hè, hình thành hai bậc cấp đi bộ ở hai đầu dốc…
Chúng ta đã thấy “cầu vượt đi bộ băng qua đường” tại các đô thị lớn như thủ đô Hà Nội, TP.HCM…; nhưng hình ảnh đoạn “vỉa hè đi bộ trên cao” có lẻ là một nét mới đầy sáng tạo, lạ lẫm, không chỉ đối với du khách, người dân mà cả giới chuyên môn - chuyên ngành. Bởi lẽ, trong giáo trình đào tạo ngành xây dựng và giao thông chắc không có mô hình này trong các giải pháp thiết kế đô thị.
Thực tế cũng chứng minh, sự sáng tạo ấy đã giải quyết được vấn đề hạn chế đất mở đường để tháo gỡ việc ùn tắt giao thông, phù hợp với thế đất và địa hình tự nhiên tại chỗ, hài hòa và tôn tạo cảnh quan đô thị tại khu vực... Tôi đã trải nghiệm đi bộ tại các đoạn hè này và cảm thấy thú vị khi có thế đứng để ngắm nhìn cảnh quan phố thị từ trên cao mà không sợ nguy cơ tai nạn giao thông…
Rất mong giải pháp này cần có sự khảo sát, hội thảo từ các chuyên gia, nhà quy hoạch và phát triển đô thị trong tỉnh, trong nước; để có sự nhìn nhận, thẩm định, hoặc kiến nghị hoàn chỉnh (nếu cần thiết) từ góc độ chuyên gia, nhằm tạo ra sức lan tỏa giá trị cho các đoạn hè phố mới lần sau hoặc cho các đô thị dạng “phố núi” từ bài học kinh nghiệm tiên phong của Đà Lạt.
Với tôi, một vài góp ý nhỏ cho vấn đề này:
1. Các vỉa hè trên cao chưa có đoạn đường dốc trượt dành cho người khuyết tật đi xe lăn để tiện bề lên xuống;
2. Cần bố trí liên tục dải lát gạch có khía, ranh lõm, dành cho người khiếm thị, kết nối giữa 2 đoạn vỉa hè khác cao độ, đi qua các mặt bậc cấp;
3. Nên bố trí một vài ghế ngồi có kiểu dáng đẹp, độ chiếu sáng đô thị vừa phải, trồng thêm các cây hoa đặc trưng, chú trọng làm vệ sinh các mặt hè này… để trở thành những đoạn đường ngắm cảnh đường phố trên cao rất tuyệt.
Nếu mô hình “vỉa hè đi bộ trên cao” được giới chuyên trách công nhận là giải pháp thiết kế sáng tạo, làm nên một không gian đô thị độc đáo, nhất thiết cần chuyển kinh nghiệm này thành các văn bản pháp quy để ban hành. Đó là: Quy chuẩn thiết kế đô thị về vỉa hè cho địa hình “phố núi”; Quy trình bắt buộc khi đầu tư xây dựng đối với các khu vực công cộng, có điều kiện địa hình chênh cao; và Quy định quản lý, vận hành, có những điều khoản thuận lợi nhất cho những người già yếu (nói chung), người khuyết tật đi xe lăn và khiếm thị (nói riêng)… khi tham gia đi bộ tại những đoạn vỉa hè trên cao này.
Được như vậy thì yếu tố NHÂN VĂN mới thấm đậm không chỉ qua mô hình thiết kế, sáng tạo không gian công cộng, mà lan tỏa giá trị từ trong mối quan hệ: từ chủ trương, thiết kế, xây dựng đến quản lý, vận hành.
KTS. Trần Đức Lộc
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 191)
- Chuyển đổi số ngành xây dựng: Tận dụng tốt sẽ tạo ra giá trị lớn
- Khu đất vàng hơn 150.000 m2 trên tổ hợp "cao - xà - lá" ở Hà Nội
- “Xanh hoá” nhà máy để phát triển bền vững
- Điện mặt trời: nhà đầu tư bị đẩy vào thế "leo lưng cọp"
- Nhớ tiếng leng keng tàu điện năm nào
- Phân loại biệt thự cổ để bảo tồn ở TPHCM còn tùy hứng
- Nhìn lại đất đai
- Chuyện ít người biết về dinh Độc Lập
- Bảo tồn di sản nhìn từ góc độ quy hoạch: Bài học kinh nghiệm từ châu Á
- Những thách thức thị trường nước sạch