Nói theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Sài Gòn – TP.HCM là thành phố ven sông nhưng không sống bằng phù sa của con sông mang tên Sài Gòn đó. Sức sống của một thành phố trẻ năng động như Sài Gòn không phải là cố khẳng định mình bằng những khác biệt về bản sắc. Sức sống của thành phố là luôn vận động phát triển bằng tính đa dạng và quyết liệt lập nghiệp của các thế hệ lưu dân, bằng khả năng tiếp nhận và chuyển hoá tốt nhiều luồng văn hoá khác biệt.
Trung tâm văn hoá Pháp
Ở góc độ kiến trúc cũng không ngoại lệ. Di sản kiến trúc phong cách Việt dễ tìm ở vùng Bà Chiểu, Gò Vấp, Hóc Môn. Kiến trúc phong cách cổ điển phương Tây nổi bật ở vùng quận 3, quận 1. Phong cách Trung Hoa đậm màu ở miệt Chợ Lớn, quận 5. Tuy nhiên, có một dòng kiến trúc phát triển mạnh mẽ nhất của Sài Gòn, về số lượng lẫn quy mô, chất lượng lại ít được đề cập tới với thái độ tương xứng, đó là dòng kiến trúc Sài Gòn thời chiến tranh chống Mỹ (nói tắt là thời Mỹ, từ sau 1954 – 1975, giống như từ thời Pháp thường dùng để chỉ giai đoạn trước 1954).
Hiện nay nhiều công trình thời đó, với chất lượng kiến trúc cao ngang tầm quỹ văn hoá kiến trúc thành phố, đang được sử dụng. Do chưa tổng kết, đánh giá, xếp hạng chính thức, các công trình này đang không có cơ chế để tự vệ trước sự xâm hại giá trị kiến trúc, biến dạng, hoặc biến mất trong sự xô bồ của các cơn sốt khai thác địa ốc vội vã. Có người sẽ hỏi, ví dụ công trình dòng nào mà đặt vấn đề như thế. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu nói đó là những công trình cùng hệ với những dinh Thống Nhất hoặc thư viện Khoa học tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng. Lý do ra đời của dòng kiến trúc này cũng là thuận lợi tạo nên giá trị kiến trúc vượt trội đáng trân trọng và gìn giữ cho cộng đồng đô thị. Một là, chính quyền Sài Gòn cũ, bắt đầu từ Ngô Đình Diệm tập trung sức xây dựng bộ mặt tạo đối trọng phá bỏ tổng tuyển cử. Hai là, sự ủng hộ chính trị và ý định thay thế ảnh hưởng văn hoá lâu đời của người Pháp, người Mỹ đã dồn góp nhiều ưu thế kỹ thuật lẫn tài chính mạnh mẽ vì mục đích trên. Ba là, một cấu trúc doanh nghiệp dịch vụ xây dựng hiệu quả kiểu Mỹ được hình thành và phát triển, dù sức sống của nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ chiến tranh, phục vụ chiến tranh.
- Ảnh bên: Khách sạn Palace
Và quan trọng là điều thứ tư, đó là một lực lượng kiến trúc sư được đào tạo chính quy từ Pháp và quy trình của trường Beaux Arts-Paris, với trang bị trực tiếp là ảnh hưởng của nền kiến trúc hiện đại đang phát triển lúc đó của các bậc thầy như KTS Corbusier. Gọi là dòng kiến trúc thời Mỹ ở Sài Gòn vì nó rất đa dạng, đủ để gọi là một dòng kiến trúc. Những công trình đẹp mà một người dân bình thường ở TP.HCM cũng có thể kể tên như dinh Thống Nhất, thư viện Khoa học tổng hợp, Nhà văn hoá Thanh niên (4 Phạm Ngọc Thạch). Công sở có thể kể, viện Quy hoạch thành phố (đường Nguyễn Đình Chiểu), sở Ngoại vụ (đường Alexandre de Rhodes), trụ sở Hội đồng Anh (đường Lê Duẩn), trụ sở hãng xăng dầu Esso cũ (góc Lê Duẩn – Hai Bà Trưng, mới vừa đập phá tháo dỡ xong, dù công trình này là công trình hiếm hoi được giới thiệu trên tạp chí kiến trúc quốc tế thời đó). Trụ sở ngân hàng như Việt Nam thương tín cũ (đường Hàm Nghi), ngân hàng Nông nghiệp cũ (góc Trần Hưng Đạo – Nguyễn Biểu). Thương xá thì có Passage Eden (đã tháo dỡ), thương xá Tax (đã cải tạo), cụm khách sạn thương xá Rex (có cải tạo, đang sử dụng). Khách sạn như, Palace (Nguyễn Huệ), Embassy (Nguyễn Trung Trực), Liberty (Nguyễn Đình Chiểu, đã tháo dỡ), Arc en Ciel (Q.5). Trường học, viện nghiên cứu thì có thể kể đại học Y dược (Q.5), viện Vệ sinh dịch tễ thành phố (Chánh Hưng, Q.6), trung tâm Văn hoá Pháp (Thái Văn Lung). Chung cư có thể kể các apartment góc Hai Bà Trưng – Lý Tự Trọng, góc Pasteur – Nguyễn Du, có cả mini cinema bên trong như ở góc Nguyễn Trãi – Tôn Thất Tùng. Ngoài ra, còn các chung cư hiện vẫn giữ nguyên bản như cụm chung cư góc Hồ Xuân Hương – Bà Huyện Thanh Quan (Fosco hiện nay). Riêng một quỹ kiến trúc rất phong phú là các cư xá ngân hàng ngày trước (ở quận 4, Xô Viết Nghệ Tĩnh – Thanh Đa), biệt thự tư nhân khắp Sài Gòn, đặc biệt dày đặc ở làng đại học Thủ Đức...
Chung cư góc Hai Bà Trưng – Lý Tự Trọng
Đặc điểm không thể nhầm lẫn của dòng kiến trúc này là tạo hình tự do, kiến trúc bêtông cốt thép mái bằng hoặc nghiêng rất nhẹ, góc nghiêng kỹ thuật của vật liệu lợp mới – ngoài ngói (tôn, fibro ciment). Bao che nổi bật là giải pháp tường hoa (mur rideaux – curtain wall) rất nhiệt đới. Ngoài tường sơn vôi, đá rửa (granito) và đá mài (granitine) là vật liệu bề mặt chủ đạo, bền và diễn đạt được nhiều cảm xúc linh hoạt. Những mảng đá rửa nhiều màu đều như đá nguyên khối, không gợn chút mờ mốc của ximăng. Những mảng đá mài bóng trong, từng hạt đá trắng ửng lên như hạt nếp chín tới. Tuyệt kỹ đá mài, đá rửa của thời hoàng kim dòng kiến trúc này có lẽ đến giờ đã thất truyền? Vậy mà rất nhiều những mảng đá rửa tuyệt kỹ đó đã bị phũ phàng lăn sơn nước rẻ tiền lên mặt.Vào thập niên 70, gạch nhuyễn mosaic ốp tường ngoài và trong nhà, cả lát nền. Cửa kính khung thép và khung thép bảo vệ trang trí hoa văn cũng là một đặc điểm không thể thiếu của dòng kiến trúc này. Riêng hoa văn khung sắt trang trí cửa đi, cửa sổ hẳn đủ làm nhiều bài luận văn thú vị.
Chung cư góc Pasteurs – Nguyễn Du
Nhà văn hoá Thanh Niên
Sở Ngoại vụ
Nói về quỹ kiến trúc, tôi không thể không nhắc tới một ý rất thú vị của KTS Hoàng Đạo Kính. Các thành phố trẻ thì làm gì có kiến trúc cổ, chỉ cũ thôi. Với kiến trúc, không phải cái cũ nào cũng dễ dàng bỏ đi. Nó là quá khứ, nó là trí nhớ. Người không còn trí nhớ, không còn là người. Hãy hình dung một thành phố mất trí nhớ !
KTS Nguyễn văn Tất - ảnh: minh@K
- Xóm chài lưới trên sông Sài Gòn
- Tết quê trong hồn người phố thị
- Ăn ở nơi nhà mình
- Dân đô thị với nếp sống tiểu nông
- Thành phố đáng sống
- Bảo tàng Chăm và giấc mơ giản dị
- Bản sắc Việt trước "thảm họa" ngoại lai
- Nghĩ về cột mốc 2020
- Gia tài của đất mẹ thiên nhiên
- Thử tìm nguyên nhân Petro Vietnam “nhả” dự án “có một không hai”