Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Athens cổ đại - đô thị dân chủ trực tiếp

Athens cổ đại - đô thị dân chủ trực tiếp

Viết email In

Văn minh Hy Lạp thời cổ đại là một nền văn minh đô thị đặc trưng, với hàng trăm thành phố lớn nhỏ. Mỗi thành phố có thể nói là thủ phủ của một vùng, vì thế gọi là chế độ thành quốc. Những thành phố này chủ yếu có thể chế chính trị kiểu độc tài (điển hình là Sparta) hoặc dân chủ trực tiếp (điển hình là Athens). Trong các đô thị, Athens thể hiện rõ nét và nhất hệ tư tưởng, chính trị, văn hóa của Hy Lạp, có thể coi là một thể loại đô thị đặc trưng trong lịch sử loài người. Một số vấn đề và giải pháp đô thị của Athens có ảnh hưởng lớn đến lịch sử đô thị phương Tây và còn là những bài học kinh nghiệm cho tới tận hôm nay. Quan sát đô thị cổ Athens, chúng ta có thể rút ra một số yếu tố và nguyên lý cơ bản, có thể áp dụng phần nào cho các đô thị đương đại, cả ở Việt Nam. 


Bản đồ các thành phố cổ Hy Lạp 


1. Quy hoạch lấy công trình công cộng làm cấu trúc chiến lược: 

Về cơ bản, đô thị được chia thành khu vực tư nhân và khu vực công cộng. Phần tư nhân là không gian riêng biệt của từng người, từng gia đình. Khu vực công cộng là lĩnh vực chung của tất cả, ít nhất là tất cả những người tự do. Phần công cộng này không chỉ là không gian công năng, mà là không gian bắt buộc theo nghĩa hiến pháp, để đảm bảo vai trò tự do, dân chủ của các thị dân. Những không gian công cộng của Athens vô cùng đa dạng và được đầu tư rất lớn. Chúng vừa là các trung tâm hoạt động đô thị, cũng đồng thời là những landmark về không gian.  

Trong bản đồ trên (nguồn Wikipedia) ta có thể thấy rõ việc phân bố các không gian công cộng được coi là cốt lõi của một đô thị, quyết định tới cấu trúc, công năng của đô thị đó. Các khu ở thực ra là phần phụ, thích ứng với cấu trúc cơ bản trên, thậm chí không được đề cập đến trong bản đồ, vì coi là không quan trọng. Về thể loại, các công trình công cộng của Athens có thể được coi như repetoir cơ bản cho mọi đô thị sau này của phương Tây. 

Cách quy hoạch đô thị lấy những trung tâm công cộng cơ bản làm cấu trúc chủ đạo cho phép tạo ra một khung linh động và bền vững cho đô thị trong một thời gian rất dài. Sau này, gần như tất cả các đô thị phương Tây đều có tư duy quy hoạch này, tuy rằng về giải pháp cụ thể thì khác nhau. Khi người Pháp quy hoạch các đô thị ở Việt Nam, chủ yếu cũng chỉ chốt những không gian công cộng cơ bản như nhà ga, nhà hát, trường đại học, trường học, chợ, thư viện v.v. và một vài trục đường chính liên kết các khu này. Vì lý do đó, các đô thị sau này phát triển xung quanh mà vẫn đảm bảo được những chức năng công cộng cơ bản. Trong khi đó, quy hoạch đô thị của Việt Nam hiện nay chỉ lấy việc chia đất ở làm trọng tâm, còn các công trình công cộng được phân bổ theo chỉ tiêu, tương ứng với dân số, và kết hợp vào các khu dân cư. Như vậy rất khó tạo ra các đô thị có bản sắc và bền vững.

Khu vực công cộng của Athens lại được chia làm hai phần chính. Phần đền đài, tức là trung tâm tâm linh được bố trí trên đỉnh Akropolis, tượng trưng cho thế giới của các thần. Phần dân sự được bố trí ở dưới thấp, rải rác trong thành.


2. Akropolis - Trung tâm tâm linh: 


1:Parthenon, 2:Old Temple of Athense, 3:Erechtheum, 4:Statue of Athensa Promachus, 5:Propylaea, 6:Temple of Athensa Nike, 7:Sanctuary of Aegeus, 8:Sanctuary of Artemis Brauronia, 9:Chalkotheke, 10:Pandroseion, 11:Arrephorion, 12:Altar of Athensa, 13:Sanctuary of Zeus Polieus, 14:Sanctuary of Pandion 

Giữa thành Athens là khu đền thờ Akropolis, nằm trên một quả đồi. Trên đó có các đền thờ những vị thần chính trong thần thoại Hy Lạp. 

Ở đây, chúng ta không quan tâm đến chi tiết của các ngôi đền, mà đến ý nghĩa chung của toàn khu. Điểm đặc biệt nhất của khu Akropolis là đây không chỉ là nơi thờ cúng các thần, mà cũng đồng thời là lãnh địa tối cao của quyền tự do con người. Khi đã vào đền, quyền tự do của con người được thần linh bảo trợ và không một thế lực trần tục nào được phép can thiệp. Nói cách khác, trong lãnh địa này, con người được tôn lên như thần thánh.

Về không gian, Akropolis nằm giữa đô thị, được tôn cao trên đỉnh đồi, nổi bật khỏi phần còn lại và không bao giờ có thể bị các công năng khác lấn át, che khuất.
Như vậy, có thể nói Akropolis là một giải pháp hoàn thiện kết hợp đầy đủ các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh với chính trị, xã hội và bố cục không gian. Một giải pháp như vậy đủ làm cốt lõi cho một đô thị muôn đời. Những đô thị sau này cũng có thể học theo nguyên lý của Akropolis, nhưng thường chỉ đạt được một vài tiêu chí.

Ở Việt Nam, mặc dù tam giáo Nho, Lão, Phật đều có thể coi như dạng Pantheism và vai trò của con người là một trong tam tài cũng có thể dẫn đến những kiến giải tương tự như Akropolis, nhưng thực tế, các công trình tôn giáo chủ yếu dừng lại là công trình tín ngưỡng thuần túy. Chỉ có cái đình làng Việt là có phần nào kết hợp được yếu tố tín ngưỡng với các nguyên lý chính trị, nhân văn. Tuy không thực sự có được sự tôn quý đặc biệt của Akropolis, nhưng các đình làng thường cũng trấn giữ những không gian rất trọng yếu. Nếu bảo tồn và phát huy được không gian này, mỗi quần thể sẽ có một trung tâm công cộng có giá trị. Trong thời kỳ dài thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa, cơ chế làng xã và vai trò của đình làng đã bị lung lay tận gốc. Hàng ngàn đình làng bắc bộ bị phá hủy hoặc chuyển đổi mục đích. Những cái còn lại tuy được bảo tồn dưới dạng công trình di tích, nhưng thường thì đã mất đi hoàn toàn không gian độc tôn trong cấu trúc đô thị.

Điều đáng bàn là xu hướng hiện nay, sau hơn nửa thế kỷ duy vật, xã hội đi tới sự khủng hoảng tín ngưỡng và luân lý trầm trọng, với hệ quả là việc quay 180 độ từ thái độ không tin cái gì sang thành mê tín dị đoan tuyệt đối, bất kỳ cái gì cũng tin. Từ cán bộ trung ương đến người dân lô đề, ai ai cũng có thể xì xụp cúng bái mọi đối tượng, từ ma cây, cá ông, Linga, người chết bất đắc kỳ tử tới lãnh tụ, tiên phật thần thánh. Tâm linh trở thành chiến lược du lịch, với những trào lưu bảo tồn, phát huy, khôi phục, xây mới công trình tâm linh, làm những trục tâm linh, trục thần đạo khắp nơi. Trước nhu cầu đó, phải nói Akropolis vẫn còn là giải pháp không gian và công năng trong mộng của mọi đô thị, mọi nhà thiết kế, quy hoạch đương đại Việt Nam.


3. Agora – trung tâm dân chủ:

Ngoài Akropolis ra, thành Athens còn có rất nhiều công trình công cộng phục vụ nhu cầu dân sự. Liệt kê một số tên công trình có thể cho ta hình dung về công năng và quy mô của lĩnh vực này:

Odium: nhà hát dành cho ca nhạc, Theatrum: nhà hát cho bi hài kịch, Museum: bảo tàng, Pnyx- nơi họp hội đồng nhân dân, Prytaneum – Nơi cất giữ ngọn lửa vĩnh cửu của thành phố, Aerophagus – Nơi xử án hình sự, Stadium – sân vận động. Chi tiết hơn về các thể loại công trình, ta sẽ bàn trong phần kiến trúc.
Thế còn ở đây, đặc biệt quan trọng về mặt đô thị thì phải kể đến quần thể Agora. 

Agora là nơi diễn ra đa số hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của thành phố. Agora có nghĩa là gặp nhau. Giữa quảng trường có một đường thánh đạo, là một đường diễu hành chạy chéo qua quảng trường, nối lên Akropolis. Con đường này là mạch nối giữa đời sống tâm linh và trần thế trong không gian công cộng thành phố. Việc diễu hành cũng tạo ra một mối đồng thuận, tính cộng đồng giữa các cư dân. Trên quảng trường có thể họp chợ và cũng là nơi tập trung để bàn việc chính trị. Xung quanh quảng trường có đền thờ, đại diện cho việc hiện diện của thần linh chứng giám các hoạt động của con người. Các dãy nhà cột dài (Stoa), trong đó có cửa hàng và xưởng thủ công, cũng là nơi người ta có thể thảo luận, nhóm họp, nơi những triết gia như Socrates giảng giải cho quần chúng. Ngoài ra còn có tòa thị chính (Buleuterion), Thư viện thành phố (Metroon), nơi để các chuẩn mực đo lường của thành phố (Tholos). Các điều lệ về pháp luật được khắc vào đá và bày công khai. Trên sân, ở khu vực trước Metroon và tòa thị chính còn có khu tượng các anh hùng và danh nhân thành phố.

Một trong những đặc điểm bố cục không gian của cả Akropolis và Agora là tính tự do, không có trục, tâm rõ rệt. Điều này rất khác với các bố cục La Mã, và nhất là Barock sau này, và nó thể hiện rõ nét tư tưởng dân chủ cũng như quan niệm đa thần giáo.

Qua nhiều thế kỷ, cấu trúc Agora với các cấu hình cơ bản nói trên được coi là một mô hình cốt lõi về trung tâm dân sự, dân chủ của một thành phố, và được rất nhiều nơi học tập, tuy không hẳn copy nguyên trạng. Ý tưởng về một không gian trống dạng quảng trường, nằm ở vị trí trung tâm thành phố, được định vị không gian bởi các công trình công cộng lớn vây quanh, là nơi tập trung các hoạt động công cộng, nơi thực thi quyền dân chủ, là một ý tưởng xuyên suốt các đô thị lịch sử châu Âu cho tới tận thời hiện đại, và sau đó lại trở thành yếu tố đặc trưng cho đô thị hậu hiện đại đến tận ngày nay.

Ở Việt nam, vấn đề dân chủ là thứ nhạy cảm, thực ra không có truyền thống. Vì thế, sự cần thiết và hình dung của một không gian dân chủ là rất xa vời. Tuy nhiên, khái niệm về trung tâm thị trường thì không phải xa lạ. Những khái niệm “đô thị”, “thành thị”, “kẻ chợ”, “thị tứ” cho thấy rõ vai trò trọng yếu của chợ trong đô thị. Tuy vậy, chợ gần như chưa bao giờ thực sự được chính quy hóa thành một dạng tổ chức công cộng có quy hoạch, mà chỉ dưới dạng hoạt động mua bán tự phát kết hợp với sản xuất, sinh sống hàng ngày của người dân. Các thị tứ thực ra là các làng có thêm chức năng trao đổi, buôn bán. Khái niệm chợ đi liền với “gặp nhau” như Agora hơi có liên hệ với những chợ phiên, đặc biệt chợ phiên vùng cao. Ở đây, bản sắc chợ cũng rõ ràng hơn. Những chợ lớn như Sìn Hồ, Bắc Hà, Đồng Văn, Mèo Vạc, Sapa, rõ ràng là trung điểm của hoạt động đô thị ở đây. Chưa ở đâu có được một quần thể chợ, quảng trường với những dịch vụ cơ bản như khu Agora của Athens, chưa nói đến quy mô công trình.

Trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, với hệ thống phân phối bao cấp, yếu tố chợ trong đô thị cũng gần như bị xóa sổ, chỉ còn lại một số hoạt động cung cấp nhu yếu phẩm tối thiểu.

Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, rõ ràng việc định hình không gian của thị trường có một vai trò trung tâm trong quy hoạch đô thị. Không gian này có thể học tập gì ở Agora, còn tùy vào từng địa điểm, từng trường hợp cụ thể. Nhưng chỉ riêng việc bố trí những hệ thống chuẩn mực đo lường, công bố và tạc vào đá những luật lệ thương mại đã giúp cho thương nghiệp ổn định và tốt đẹp hơn rất nhiều. Chúng ngăn chặn những hoạt động lừa đảo đo lường của gian thương cũng như những phát ngôn luật lệ thiếu suy nghĩ của giới cầm quyền.

Nghịch lý lớn nhất là song song với phát triển kinh tế thị trường, thay vì mở rộng, quy mô hóa yếu tố chợ thì chính những không gian chợ ít ỏi còn sống sót qua thời kỳ bao cấp và mới bắt đầu hồi sinh thì bị khai tử hàng loạt. Tất nhiên, hoạt động thương mại không thể bị bóp chết bởi những hành vi quy hoạch ngu ngốc đó, nhưng rõ ràng một nguồn năng lượng chính thống trong xã hội đã không được điều hành, tổ chức một cách quy củ để tạo ra được những không gian có bản sắc và hiệu quả về công năng như Agora của Athens, mà đàng phải len lỏi, bung bét ở khắp nơi trong cơ thể đô thị.


4. Gymnasium – Vườn ươm tương lai: 



Không gian công cộng đô thị quan trọng thứ 3 là Gymnasium tức là khu trường học, đào tạo những công dân tự do Hy Lạp, đồng thời là khu trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe. Gymnasium là quần thể bao gồm một bên là những cơ sở đào tạo trí tuệ, với những nhà học và đặc biệt là các hành lang, nơi mà thày trò vừa đi dạo vừa thảo luận và khu vực sân vận động, bể bơi để đào tạo về thể xác và kỹ năng chiến đấu.

Khu này là khu biệt lập, thường nằm bên ngoài vòng thành, và tên của nó (Gymnasium nghĩa là trần truồng) cho thấy đây là một khu vực mà mọi thành viên có được tự do tối đa về thể xác cũng như tập trung tối đa về tinh thần. Riêng ở Athens cổ có 3 Gymnasium lớn là Akademie của Platon, Lyceum của Aristote và Cynosarges, nơi Antisthenes giảng dạy. Tổng diện tích 3 khu này có thể gần bằng ¼ toàn nội thành Athens. Đầu tư lớn và chính quy của thành phố vào quần thể trường, về cả không gian lẫn phương tiện, vật chất cho thấy vai trò của đào tạo chính quy về cả thể chất và tinh thần được đánh giá rất cao trong xã hội Hy Lạp, và cũng là một trong những nguyên nhân của sự hưng thịnh của văn minh này. 

  • Tranh bên: Rèn luyện thể chất, kỹ thuật chiến đấu và tranh luận triết học ở Gymnasium.  

Sự cân đối giữa rèn luyện thể chất, tư cách đạo đức và trí tuệ được coi là thông điệp quan trọng nhất từ Gymnasium của Hy Lạp cho đời sau. Cho tới nay, nhiều nước vẫn dùng từ này cho các trường trung học của mình (chẳng hạn Đức). 

ở Việt Nam, gần đây cũng có phổ cập giáo dục. Trường sở, đặc biệt là trường đại học mọc lên khắp nơi. Nhưng chỉ cần tìm hiểu về các Gymnasium Hy Lạp, từ không gian, phương tiện lẫn tôn chỉ giáo dục, mới thấy chúng ta vẫn còn cách xa văn minh biết bao nhiêu. Với những “vườn ươm” kiểu này, rõ ràng chúng ta không thể xuất vườn những công dân tự do và hoàn thiện, mà chỉ có các bộ phận chân tay què quặt mà thôi. 

Tất nhiên, mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, Athens vẫn chưa phải tất cả. Nhưng chỉ riêng từ Athens, nếu chúng ta học được 3 bài học cơ bản, về Akropolis, Agora và Gymnasium, thì quy hoạch đô thị Việt Nam cũng có thể có chút nội dung rồi vậy./. 

Phó Đức Tùng 



Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo