Ashui.com

Saturday
Nov 30th
Home Tương tác Phản biện Đà Nẵng: Báo động đỏ về đất cây xanh

Đà Nẵng: Báo động đỏ về đất cây xanh

Viết email In

Đà Nẵng được gọi là thành phố du lịch, “thành phố dáng sống” và đang hướng đến thành phố môi trường. Với những định danh đó, lẽ ra Đà Nẵng phải là đô thị có tỉ lệ cao về đất cây xanh, một thành phố xanh đúng nghĩa. Nhưng thực tế tỉ lệ đất dành cho cây xanh ngày càng bị hao hụt, cả thành phố hiện chỉ có duy nhất một công viên đúng nghĩa là Công viên 29/3 với diện tích chừng 18 ha.  


Các khu dân cư mới mọc lên hầu như thiếu vắng công viên, thiếu vắng bóng dáng cây xanh. 


Ngay cả vùng lõi xanh của đô thị Đà Nẵng cũng đang dần bê tông hóa, những vùng đầm xanh một thời nơi thu hút những đàn cò trắng kéo nhau về rồi đây sẽ không còn nữa. 

Tìm đâu lá phổi xanh cho đô thị

Những quy hoạch trước đây đã vẽ ra những khu công viên, cây xanh rộng lớn, nhưng theo thời gian, những mảng xanh đã biến mất hoặc bị thu hẹp. Nhìn vào bản đồ quy hoạch chung năm 2002 có thể thấy tỉ lệ đất cây xanh là rất lớn. Cả một vùng hợp lưu các sông Cẩm Lệ, Quá Giáng, Cổ Cò hình thành một lõi không gian xanh, một lá phổi khổng lồ cho đô thị. Khu vực Hòa Minh, Hòa Khánh Nam cũng là một vùng xanh rộng lớn. Công viên Trung tâm đường 2/9 được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 140 ha.  

Nhưng giờ đây nhìn lại, những lá phổi khổng lồ ấy không còn nữa. Vùng hợp lưu sông đã biến thành các khu đô thị Hòa Xuân, Hòa Quý. Khu vực Hòa Minh, Hòa Khánh Nam đã trở thành các khu ở. Công viên Trung tâm đường 2/9 bị thay bằng dãy nhà hàng tiệc cưới và khu vui chơi. Ở mức độ nhỏ hơn như các công viên Bàu Tràm, Bàu Mạc cũng chung số phận, diện tích bị thu hẹp đi rất nhiều. Công viên dọc đường Võ Nguyên Giáp cũng bị cắt xén để bố trí các nhà hàng hải sản. Các khu tái định cư, khu đô thị mới phần lớn không đảm bảo diện tích cây xanh. 


Bản đồ quy hoạch chung năm 2020, rất nhiều màu xanh. 


Bản đồ quy hoạch chung đến năm 2030, quá nhiều màu vàng là đất ở.
 

Nhìn vào bản khớp nối quy hoạch toàn thành phố hiện nay chỉ thấy phủ khắp một màu vàng (đất ở). Nguyên nhân dẫn đến sự đổi màu không mong muốn như vậy, đến từ đâu? 

Đó là áp lực của một giai đoạn phát triển nóng dẫn đến nhiều trường hợp cũng giải quyết nóng để bố trí gấp cho các hộ tái định cư nên một số khu đất cây xanh điều chỉnh thành đất chia lô.

Đó là áp lực khai thác quỹ đất tạo nguồn thu dẫn đến tình trạng một lượng lớn đất dự trữ được đem đấu giá khai thác với mục đích là đất ở hoặc đất thương mại dịch vụ.

Đó là sự quan tâm về vấn đề đất cây xanh chưa bao giờ được đặt ở mức tương xứng. Chính xác là chỉ dừng ở mức quan tâm chứ chưa phải là hết sức quan tâm. Thêm vào đó, những báo cáo tổng kết theo kiểu “đánh bùn sang ao”, gom cả cây xanh đường phố để tính tỉ lệ đất cây xanh đầu người, thậm chí lập luận rằng “Sơn Trà cũng là đất cây xanh” điều này chỉ thêm rối trí lãnh đạo và ru ngủ chính mình.

Và hệ quả là đến nay, đất cây xanh toàn thành phố chỉ có khoảng 400 ha, tương ứng chỉ tiêu 4 m2/người, bằng một nửa so với chỉ tiêu thông thường của đô thị là 7 – 8 m2/người. Điều này cũng có nghĩa là một triệu dân hiện tại đang thiếu khoảng 400 ha đất cây xanh.

Ai trả món nợ cây xanh cho tương lai ?


Những khu vực trước đây được quy hoạch là đất cây xanh, đất công viên nay trở thành đất chia lô bán nền.
 

Điều đáng nói đó mới chỉ là số liệu theo quy hoạch, thực tế thì số công viên cây xanh đã có để sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong toàn bộ thành quả phát triển đô thị hơn 20 năm qua không hề có một công viên cấp thành phố nào được xây dựng. Hàng loạt công viên cây xanh trong các dự án tái định cư và khu dân cư mới vẫn chưa được đầu tư. Rõ nhất là khu Nam Cẩm Lệ, nhiều vị trí đã lấp đầy nhà dân nhưng các khu công viên cây xanh chỉ hiện hình như những mảnh đất hoang.

Trong tương lai khi dân số tăng lên 1.5 – 2 triệu người thì sự thiếu hụt này đến mức nào và sẽ giải quyết ra sao? Để trả lời câu hỏi day dứt đó, có ý kiến cho rằng đô thị sẽ dần được tái thiết theo hướng tăng chiều cao, giảm mật độ để dôi dư ra nhiều đất cây xanh, do vậy bài toán cây xanh không đáng lo lắm.

Lý luận như vậy là không sai và rất phù hợp xu thế phát triển chung của các đô thị toàn cầu nhưng nếu ngay cả khi không có giải pháp cụ thể cho vấn đề trước mắt thì khác nào cho người đói ăn bánh vẽ. Trước một thực tế rất đáng lo ngại cần phải có chương trình và hành động cụ thể thay cho những đề án lan man, vô thưởng vô phạt.

Điều quan trọng là khi có cơ hội để khắc phục những vấn đề tồn tại hiện nay thì đừng nên bỏ qua. Khi còn có thể giữ lại những khu đất làm đất cây xanh thì nên làm ngay thay vì đem khai thác vào mục đích khác. Thử tưởng tượng nếu Khu công nghiệp An Đồn (50 ha) trở thành công viên cấp thành phố; Khu Đài phát sóng An Hải (8 ha) trở thành công viên cấp quận; các khu đất A2, A3 đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ Hoàng Diệu đến Trần Phú, lô A1-1, A-20 phía đầu Cầu Rồng… đều trở thành công viên thì khi ấy chắc chắn diện mạo đô thị Đà Nẵng sẽ xanh mát hẳn lên. Dẫu như vậy là chưa đủ so với con số 400 ha còn thiếu nhưng như vậy cũng có thể cải thiện rõ rệt cảnh quan và sinh thái đô thị.

Điều này ai cũng có thể nhìn thấy được, nhưng để chuyển thể thành hiện thực lại gặp muôn vàn những trở lực vô hình. Một trong những trở lực lớn nhất đó chính là cái tư duy “đất vàng”, coi “đất vàng” nghiễm nhiên phải là đất ở hoặc thương mại dịch vụ. Chính cái tư duy này đã đặt giá trị của các lá phổi xanh đô thị không tương xứng với giá trị bền vững của nó. Cũng với tư duy tai hại đó mà những đề xuất sử dụng “đất vàng” làm công viên luôn bị coi là phi thực tế và hầu như không có cơ hội được chấp nhận. 

Trong quá trình phát triển đô thị có những thời đoạn phải biết chấp nhận sự chững lại về kinh tế, nhưng không vì thế mà sẵn sàng đánh đổi môi trường.

Đã đến lúc đáng báo động rồi, Đà Nẵng cần sớm có những chủ trương và quyết sách kịp thời khi còn cơ hội, tránh việc đổ món nợ cây xanh vào tương lai.

KTS. Huy Trí 

(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...