Ashui.com

Sunday
Dec 15th
Home Tương tác Phản biện Mật độ dân cư đô thị - các góc nhìn..

Mật độ dân cư đô thị - các góc nhìn..

Viết email In

Nếu nền học thuật về đô thị ở các nước phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ thường có thiên hướng coi mật độ đô thị là một thuộc tính có ích, dương tính, thì trong lúc đó ở Việt Nam, mật độ đô thị gần như bao giờ cũng được coi là âm tính.  


MẬT ĐỘ DÂN CƯ ĐÔ THỊ

Một trong những nét thú vị của tính cách con người là xu thế hướng đến những gì mình không có. Các cô gái tóc mượt thẳng thì bỏ những số tiền lớn làm tóc xoăn. Những người có làn da trắng tự nhiên thì lại lặn lội đến những bãi biển nhiệt đới xa xôi cố tìm cách được cháy nắng, trong khi chị em Hà Nội hay TP HCM vào mùa hè ai cũng trùm khăn kín mít che từng tia nắng nhỏ. Nếu những ý muốn và hành động trái ngược, đôi khi kỳ khôi như vậy, mà ta có thể vẫn thấy diễn ra hàng ngày một cách khá bình thường, thì đó là sự thể hiện những khác biệt trong nhận thức/lĩnh hội,và những khác biệt này có thể dẫn đến những cách định giá trị rất khác nhau đối với cùng một thuộc tính hay sản phẩm. 


Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính 

Tôi nghĩ nhận thức về giá trị của một thuộc tính như vậy, chính là trung tâm của cuộc thảo luận này, mật độ dân cư đô thị (MĐDCĐT), là một ví dụ khá rõ nét. Một số người coi một chỉ số nhất định nào đó của mật độ dân cư như một thành công, và số khác lại coi chính chỉ số đó là thất bại. Ở đây ta sẽ xét đến một cách đo mật độ đơn giản nhất để tránh những phức tạp kỹ thuật không cần có: Đó là số dân sống trên một đơn vị diện tích rộng 1 km2. Có thể nói một cách ngắn gọn rằng với diện tích và dân số hiện tại, Hà Nội (mật độ hiện tại 1979ng/km2) còn xa mới lọt vào danh sách 10 thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới, với Dhaka (Bangladesh) đứng thứ nhất (45.000 ng/ km2) và Karachi (Pakistan) đứng thứ mười (15.000ng/ km2). Nếu tính cục bộ, quận đông nhất của Hà Nội, Hoàn Kiếm, với mật độ dân cư được coi là “kinh hoàng”, khoảng 33.500ng/ km2, sẽ không thấm vào đâu nếu đặt bên cạnh một số khu vực nội thành Dhaka, với mật độ lên đến gần 1.000.000 ng/ km2, tức là gấp 30 lần. Chí ít những con số so sánh này sẽ khiến chúng ta không đến nỗi hoảng loạn, mất bình tĩnh về mật độ đô thị chúng ta đang có. Mà thực ra cũng chẳng cần phải nhiều số liệu: Chỉ cần bỏ ra hơn một giờ để bay đến Hồng Kông hay Singapore, ta sẽ có một góc nhìn khác về mật độ đô thị. 

Nếu nền học thuật về đô thị ở các nước phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ thường có thiên hướng coi mật độ đô thị là một thuộc tính có ích, dương tính, thì trong lúc đó ở Việt Nam, mật độ đô thị gần như bao giờ cũng được coi là âm tính. Các dự án phát triển đô thị ở châu Âu hiện tại thường được khen ngợi khi tạo ra được các khu dân cư có mật độ cao (đôi khi gọi là đô thị nén), thì trong lúc đó báo chí ở Việt Nam vẫn hay mang ra chê bai những khu đô thị có mật độ (được nhận thức là) cao, coi đó như là kết quả không phải bàn cãi của một sự gian dối trong tính toán chỉ tiêu quy hoạch để đạt lợi nhuận tối đa, hoặc là tác động của một thứ cơ chế “xin, cho” đáng lên án trong phát triển đô thị. 

Câu chuyện về mật độ đô thị, nếu chỉ nhằm vào khía cạnh nhận thức, nghĩa là trên cơ sở của sở thích, thị hiếu hoặc thành kiến, thì có lẽ sẽ rất khó tìm đựợc tiếng nói chung, vì, như người ta thường nói, không ai tranh luận về thị hiếu. Ta hãy thử tìm cách “giải kiến tạo” (deconstruct) cái khái niệm mật độ dân cư đô thị (MĐDCĐT) dưới các góc độ khác nhau, may ra có thể đạt đến gần hơn một sự thống nhất nào đó để có thể xây dựng sự đồng thuận trong cách giải quyết các vấn đề liên quan đến mật độ dân cư đô thị. 


Biểu đồ 10 đô thị có mật độ cao thế giới 2012 


Dưới góc nhìn hoài niệm cá nhân 

Một số người nhớ về Hà Nội của một thời xa xưa, khi họ còn là các cô cậu học sinh từ các gia đình khá giả, mới lớn và mẫn cảm, có thể ngồi hàng giờ lắng nghe sấu rụng ngoài vườn. Không ít người cảm thấy bức xúc là một Hà Nội trữ tình, vô tư lự và chủ yếu là thấp tầng như thế đang mất dần đi, nhường chỗ cho lộn xộn, chật chội, hối hả, và các nhà quy hoạch kiến trúc cùng với các khối nhà cao tầng chính là thủ phạm. Họ quên mất rằng nếu để cho ai cũng được hưởng những gì như họ đã trải qua vào thời xa xưa ấy, thì mật độ dân cư của Hà Nội phải không quá 400 ng/km2, như vào năm 1954, so với hôm nay là 1979 ng/km2. Góc nhìn đượm vị hoài niệm cá nhân như thế, không có gì đáng ngạc nhiên là được chia sẻ bởi không ít người dân đô thị, phần nhiều là lớn tuổi và do tài năng hoặc may mắn mà có nhà riêng từ rất sớm.

Dưới góc nhìn duy lý 

Trong lịch sử, các thành phố lớn thường được coi là nơi tập trung sự chật chội, ồn ào, nghèo đói và bệnh tật, và sớm muôn phải có các ý tưởng duy lý xuất hiện tìm cách giải quyết. Ngành quy hoạch đô thị hiện đại như ta biết hôm nay thực ra là đã ra đời từ những cố gắng cải thiện vệ sinh môi trường. Năm 1925, Le Corbusier thậm chí đề xuất san bằng phía Bắc trung tâm thành phố Paris để nhường chỗ cho cái mà ông gọi là “Plan Voisin”, và Thành phố rạng ngời” (Radiant City) của ông năm 1935 cũng đưa ra các nguyên tắc tương tự: Các nhà cao tầng đơn lẻ đặt trên thảm xanh, cách xa nhau và cách xa hè phố (Corbusier thích đường nhưng ghét phố), dành mặt đất cho cây xanh. Ông đề xuất một mật độ dân cư đô thị gây sốc: đối với khu vực các nhà chung cư 60 tầng, mật độ cục bộ khu ở cao tầng lên tới 1200ng/acre, tương đương với khoảng 300.000ng/ km2!

Dưới góc nhìn của khoa học về Môi trường - Hành vi (Environment - Behaviour Studies) 

Amos Rapoport, Giáo sư Nghiên cứu ở Đại học Wisconsin (Milwaukee), một trong những người sáng lập ra ngành nghiên cứu Môi trường - Hành vi (EBS) đã đưa ra những kết quả khảo sát thú vị. Ông tìm ra rằng dân cư ở các nền văn hóa khác nhau có các tiêu chí rất khác nhau về diện tích sàn trung bình. Người Mỹ, người Châu Âu và người Singapore có các ngưỡng tiện nghi trung bình khác nhau, phụ thuộc vào sự lĩnh hội của họ về mật độ. Sự lĩnh hội này, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào truyền thống văn hóa, lịch sử, các đặc trưng môi trường thiên nhiên, v.v.. 

Dưới góc nhìn phát triển bền vững 

Ban đầu có vẻ như là một nghịch lý, nhưng nhận thức là các địa điểm cư trú mật độ cao có carbon print nhỏ hơn hẳn những nơi mật độ thấp, hay nói cách khác là đô thị nén tỏ ra bền vững hơn, dần dần đã được thừa nhận và phổ biến rộng rãi, đặc biệt là ở Cộng đồng Châu Âu. Một mật độ dân cư đô thị cao vừa phải, đạt được nhờ i) qui hoạch sử dụng đất hỗn hợp (mixed – use planning), và ii) sử dụng tối đa năng lực giao thông transit, sẽ đạt đến việc giảm thiểu nhu cầu năng lượng và các tài nguyên khác, cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Dưới góc nhìn cạnh tranh đô thị 

Nếu các đô thị truyền thống ra đời chủ yếu dựa trên sự cần thiết về giảm thiểu chi phí giao thông và tận dụng các ưu thế tích tụ sản xuất/thương mại, thì lý do tồn tại và phát triển của đô thị hiện đại chính là sự tiếp xúc mặt-đối-mặt của dân cư đô thị như nền tảng của phát minh và sáng tạo, hay nói cách khác, nền kinh tế tri thức chỉ có thể nảy sinh, phát triển và cạnh tranh thành công nếu năng lực sáng tạo của dân cư đô thị được nhân lên, đặc biệt là thông qua tiếp xúc mặt-đối mặt. Những tiếp xúc như vậy chỉ diễn ra khi mật độ dân cư đạt đến một giá trị tới hạn nào đấy.  




KHU ĐÔ THỊ MỚI TRUNG HÒA NHÂN CHÍNH 

Khi chúng tôi bắt tay quy hoạch lại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính vào năm 2000 trên nền Quy hoạch tổng thể 1/500 do SENA thực hiện trước đó, Hà Nội không nhiều nhà cao tầng như hôm nay, và có thể nói, Trung Hòa - Nhân Chính gần như là khu đô thị mới cao tầng đầu tiên của Hà Nôi hoàn toàn dựa trên cơ sở thương mại. Điều đó có nghĩa là nếu không được thị trường chấp nhận, chủ đầu tư dự án sẽ thất bại, và phải ngay lập tức rời khỏi cuộc chơi, như điều chúng ta thấy đang xảy ra với nhiều dự án trong thời kỳ khủng hoảng này. Có thể hôm nay nhiều người mới nhận ra rằng, đe dọa lớn nhất đối với các khu đô thị không phải sự đông đúc nhiều khi đến chật chội, mà là sự hoang vu, không ai buồn đến!

Có hai ý tưởng quan trọng nhất đã làm cốt lõi cho quá trình quy hoạch lại Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, liên quan đến vị trí đô thị và và phong cách sống đô thị, và bằng cách này hay cách khác, các ý tưởng này có liên hệ chặt chẽ với các góc nhìn chúng tôi vừa nhắc tới trên đây.

Tận dụng tối đa ưu thế vị trí 

Xét về phương diện cấu trúc đô thị, Trung Hòa - Nhân Chính có đủ các tiềm năng quan trọng để trở thành một cực phát triển trong quá trình thành phố Hà Nội chuyển dần từ mô hình đơn cực thành mô hình đa cực: 

• Trung Hòa - Nhân Chính là nơi có liên hệ rất tốt đến cả Vành đai II và Vành đai III. Thực chất đây chính là nơi các đường Vành đai II và Vành đai III tiến gần đến nhau nhất (ở khoảng cách chỉ vỏn vẹn 800 mét). Điều này có nghĩa Trung Hòa - Nhân Chính có khả năng tiếp cận rất cao đối với gần như toàn bộ các khu vực khác trong thành phố, khi đường Vành đai 3 hoàn thành, với các phương tiện vận tải năng lực cao; 

• Nằm tại nơi xuất phát của đường cao tốc Láng – Hoà Lạc, đây chính là cửa ngõ hướng Tây của Hà Nội, một hướng phát triển đô thị được chúng tôi dự báo từ đầu những năm 2000 và tầm quan trọng của dự báo này ngày càng được thể hiện rõ trong quyết định của Quốc hôi khóa VII mở rộng địa giới hành chính Hà Nội năm 2008; 

• Với hiện trạng là một khu ruộng lúa không có các công trình xây dựng, tại đây có thể tạo ra một hệ thống hạ tầng kỹ thuật mới hoàn toàn thích hợp với các yêu cầu hiện đại. 

Tạo ra môt phong cách sống mới liên quan đến nhà cao tầng

Chúng tôi xác định từ đầu, nhóm mục tiêu (target group), tức là nhóm khách hàng mà chúng tôi hy vọng thu hút là lớp công dân trẻ, có học thức và có hứa hẹn thu nhập cao (thuật ngữ quy hoạch quốc tế thường gọi là yuppies, hay young urban professionals), và cái chính là sẵn sàng chấp nhận một lối sống mới gắn với nhà cao tầng, một số trong đó là rất cao so với Hà Nội thời đầu những năm 2000: từ 25 đến 34 tầng. Theo các nguyên tắc của Lý thuyết Vị thế - Chất lượng mà người viết bài này đề xuất vào năm 2000 tại Đại học Tổng hợp London (UCL), tầng lớp khách hàng nòng cốt này sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền trên thị trường dựa vào vị thế xã hội được tạo nên bởi chính họ. Các thủ pháp chính được sử dụng: 

• Khuyến khích các tiếp xúc măt-đối-mặt của dân cư bằng cách tạo ra mật độ cao vừa phải và các không gian mở thuận tiên cho việc giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là lứa trẻ, tầng lớp yuppies

• Toàn bộ các tầng mặt đất đều được sử dụng vào mục đích công cộng (văn phòng, thương mại, y tế) nhằm tránh các biểu hiện lấn chiếm hoặc “cát cứ” thường thấy đối với tầng mặt đất; 

• Tạo ra các khu vực không có giao thông cơ giới và cố gắng thúc đẩy sinh hoạt kiểu đường phố (trái với quan niệm của Corbusier), tạo sức sống thật sự cho một khu mới xây dựng.




THAY CHO LỜI KẾT 

Sau khoảng 10 năm, những gì đã được kỳ vọng và dự báo đối với Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân chính đã không còn nằm trên giấy hay loay hoay vật vã trong các cuộc tranh luận. Vào buổi chiều, ai đi qua đây sễ thấy đông đúc trẻ em và người già nghỉ ngơi, vui đùa, tập thể dục nhịp điệu tưng bừng trên gần 4 ha của hai quảng trường cạnh nhau, tuyệt đối không phải đối mặt với nguy hiểm của giao thông cơ giới. Và khi đêm đến, gần như tất cả các ô cửa đều sáng đèn. 

Lớp công dân trẻ tuổi, có chuyên môn cao và hứa hẹn có thu nhập tương ứng, đã là thành tố quan trọng trong việc hình thành khu đô thị này, và nếu nhiều người sống ở đây tỏ ra gắn bó vởi Trung Hòa - Nhân Chính thì đấy chính là sự thành công của dự báo về sự hình thành một phong cách sống mới – Phong cách sống ở nhà cao tầng. Hãy nhìn vào các loại dịch vụ ngày càng được nâng cấp ở quanh quảng trường sẽ thấy. 

Chỉ còn một điều khá ngạc nhiên: Hầu như các thành công, dù là nhỏ nhoi hoặc ở bước đầu của Khu Trung Hòa - Nhân Chính, một khu đô thị có mật độ khá cao nhưng không hề thái quá, chưa bao giờ được thảo luận một cách cân bằng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nghiên cứu về Trung Hòa - Nhân Chính đều đưa ra hầu như là toàn bộ các kết luận âm tính, trong khi thị trường cứ “bỏ phiếu bằng chân” cho khu đô thị này, bằng cách liên tục tìm kiếm chỗ ở tại đây, và không để một căn hộ nào trống, ngay cả với mức giá không thấp và vào giữa những lúc thị trường trầm lắng nhất. Phải chăng chính các nghiên cứu khảo sát thường tỏ ra khách quan và khoa học, thực ra cũng chứa đựng nhiều thành kiến và không ít các vấn đề về phương pháp? 

TS. Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Vinaconex R&D 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...