Trong tương lai gần, phát triển công trình xanh sẽ là một xu hướng của ngành Xây dựng. Ngoài việc chọn lựa “đất xanh”, “cây xanh”,… thì vật liệu xanh cũng là một tiêu chí quan trọng không kém để công trình xanh trở nên bền vững và tăng giá trị kinh tế cho người sử dụng.
Để đạt được một công trình xanh có chất lượng thì vật liệu xanh góp phần không nhỏ trong tiêu chí xanh và bền vững, từ móng cho đến mái của công trình. Vật liệu xanh đòi hỏi cao ở việc tiêu tốn ít năng lượng hơn khi tạo ra nó và tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ khi đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, vật liệu xanh không gây độc hại, có thể tái chế sau khi sử dụng, vòng đời sử dụng lâu dài, tiết kiệm tài nguyên, không ảnh hưởng đến môi trường. Việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh là cách để hướng tới các giải pháp xây dựng bền vững, cũng là việc quan trọng để tạo nên một Công trình Xanh có chất lượng.
Giảng đường Trường Đại học California-Berkeley sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng.
Trên thế giới, từ rất lâu đã có không ít các quốc gia dùng vật liệu xanh trong xây dựng như “gạch bùn” ở Ai Cập hay “gạch bùn và rơm” ở Tây Ban Nha. Những người dân bản địa Mỹ đã quen thuộc với việc sử dụng gạch sống trong xây dựng. Trong nhiều thế kỷ qua, chủ các công trình ở Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã biết dùng những bức tường bằng đất nện và gia cố thêm bằng các vật liệu như gỗ, tre.
Theo thời gian, công nghệ hiện đại đã thay thế phần nào những vật liệu xanh bởi tính tiện ích. Nhưng tình hình biến đổi khí hậu của Trái đất, sự ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến cho con người lại tìm về với vật liệu xanh có từ cổ xưa như xốp cách nhiệt XPS, xi măng xanh, gạch không nung, tôn lợp sinh thái, gạch ốp lát tái chế, hoặc các vật liệu xanh được khai thác trong tự nhiên đá nguyên khối, tre, nứa… đang được thị trường xây dựng đón nhận trở lại.
Những vật liệu xanh này chính là một phần tạo nên công trình xanh hoàn hảo. Ví dụ như tường được xây dựng bằng vật liệu không nung, ngoài khả năng cách âm, cách nhiệt tốt giúp giảm chi phí tiêu thụ năng lượng, loại vật liệu nhẹ này còn là sản phẩm thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, việc dùng gạch không nung còn tiết kiệm vật liệu, giảm chi phí và thời gian thi công, giảm lượng chất thải rắn, giảm việc tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2 trong quá trình vận chuyển và thi công.
Ông Lê Hoài An, Giám đốc điều hành Cty CP gạch Khang Minh cho rằng: “Trong lịch sử, nhân loại đã phải trả giá rất nhiều cho việc bảo vệ môi trường nên việc tái đầu tư để bảo vệ môi trường là việc hết sức cần thiết. Đương nhiên việc tái đầu tư cho môi trường cần phải mất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cũng như chi phí. Quan trọng là mỗi chúng ta phải xác định ý thức trong việc bảo vệ môi trường để có sự đầu tư cần thiết, hợp lý và đúng đắn”.
Trong hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Cty CP Eurowindow, một trong những doanh nghiệp đang rất chú trọng đến chiến lược phát triển vật liệu xanh chia sẻ với báo chí: “Eurowindow luôn định hướng phát triển gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích chung của xã hội. Do vậy, để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững mà trong suốt 15 năm qua, Eurowindow đã lần lượt cho ra đời các dòng sản phẩm xanh, góp phần vào công cuộc tạo dựng các công trình kiến trúc xanh”.
Bộ Xây dựng đã có nhiều chiến dịch tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về Vật liệu xây dựng gạch không nung. Sau 7 năm triển khai, Chương trình 567 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đến nay tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm gạch không nung chính gồm: gạch block xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt đạt khoảng 7 tỷ viên quy chuẩn (QTC)/năm; sản xuất đạt 5,8 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu; tiêu thụ tổng các loại khoảng trên 5,5 tỷ viên QTC/năm…
Trong tương lai gần, công trình xanh sẽ trở thành một xu hướng mới của thời đại thì việc phát triển, sử dụng vật liệu xanh sẽ là điều tất yếu. Đây sẽ là một cơ hội mới cho các nhà đầu tư hướng tới.
Hạ Ly
(Báo Xây dựng)
- Vật liệu "Xanh" – Giải pháp hữu ích xử lý tro bay
- JM CladStone - Vật liệu chống thấm và chống cháy mới cho các công trình xây dựng
- Xây dựng công trình kiến trúc "Xanh" hướng tới tương lai bền vững
- Cần có đánh giá khoa học về sản xuất và sử dụng amiăng trắng
- Khối bê tông có trọng lượng nhẹ là vật liệu thay thế hiệu quả trong xây dựng
- Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung
- i.design EFFIX: Không gian mênh mông dành cho sáng tạo
- WACKER hợp tác với COSIC thành lập Nhà ứng dụng Hóa chất Xây dựng
- Công nghệ ép rung và nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn
- 7 loại vật liệu xây dựng "xanh" hơn bê tông