Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Vật liệu / Thiết bị Vật liệu xây dựng Phát triển vật liệu thân thiện môi trường: Cần một lực đẩy toàn diện

Phát triển vật liệu thân thiện môi trường: Cần một lực đẩy toàn diện

Viết email In

Từ lâu trên thế giới, khái niệm “vật liệu thân thiện với môi trường” không còn là câu chuyện lạ. Thậm chí hệ thống quy phạm pháp luật và các thể chế của những nước đó đều tạo điều kiện khuyến khích tối đa cho lĩnh vực này có cơ hội tốt nhất để phát triển. Nhưng đáng tiếc ở nước ta, phát triển vật liệu thân thiện với môi trường (VLTTMT) vẫn là câu chuyện “cũ người mới ta”. Và điều đáng lo ngại là, trong khi xã hội và nền kinh tế có nhu cầu, cũng không thiếu các nhà đầu tư muốn nhập cuộc, thì VLTTMT vẫn phải tìm “đường vòng” để đi vào cuộc sống. Liệu có giải pháp cho vấn đề này trong tương lai gần?
 
Lãng phí tài nguyên - ít “đất” cho phát triển VLTTMT
 
Lâu nay, cứ nói chuyện “cạnh tranh” của gạch blok, đa phần đều bảo: Thua vì giá cao! Tìm hiểu thì biết, cao là so với gạch gốm. Trong khi ở những nước tiên tiến, các dòng sản phẩm vật liệu đất sét nung như gạch xây, ngói lợp, các loại gạch nem lát… đều là sản phẩm của nhà giàu với giá bán rất đắt thì ở Việt Nam các vật liệu này lại hết sức phổ biến vì giá rẻ! Nhưng cái giá phải trả có thật sự rẻ hay không thì ai cũng biết rõ câu trả lời là “không” vì rất nhiều yếu tố “đầu vào” chưa được tính đầy đủ, thoả đáng. Thuế tài nguyên “đánh” vào đất sét hiện cho là quá thấp, dẫn đến tình trạng khai thác đất sét bừa bãi, lấn lướt cả vào đất nông nghiệp. Rồi các lò gạch thủ công phát triển tự do dẫn đến sự phá huỷ môi trường không khí, ảnh hưởng mùa màng… Hoá ra câu chuyện bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa gạch gốm và gạch không nung lại có nguyên nhân từ những điều hết sức phi lý.
 
Việc trong nhiều năm không lưu tâm phát triển VLTTMT một cách thoả đáng đang dẫn đến những hậu quả mà ngay hôm nay đã có thể nhìn thấy rất rõ, và chắc cũng chẳng bao lâu nữa, nếu không được khắc phục, thì cũng chính thế hệ này sẽ “lãnh đủ” chứ… không phải đợi lâu như nhiều người vẫn tưởng. Ví dụ, nếu tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội đang lớn từng ngày, các toà nhà cao tầng sử dụng vật liệu nặng liên tục mọc lên cũng đồng nghĩa với kết cấu nền đất và nguồn nước ngầm của Thủ đô sẽ biến động một cách sâu sắc, rồi lòng sông Hồng, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm sẽ nâng lên là chuyện tất yếu vì “rừng” cọc bê tông liên tục bị ép xuống lòng đất hàng chục, thậm chí cả trăm mét. Như vậy phát triển các loại vật liệu nhẹ như bê tông nhẹ, gạch không nung trọng lượng nhẹ là một yêu cầu tất yếu đặt ra với quá trình đô thị hoá. Chưa kể, cuộc sống hiện đại ngày càng đòi hỏi những vật liệu mới đa dạng đáp ứng yêu cầu cuộc sống như vật liệu cách âm, cách nhiệt, các loại tấm tường, vách ngăn nhẹ, các loại vật liệu có lợi cho sức khoẻ con người, vật liệu chống cháy, vật liệu tiết kiệm năng lượng…

Thế nhưng tại sao VLTTMT lại “ít đất” phát triển? Với một số đối tượng (có khả năng kinh tế) thì có thể do nguồn cung hiện chưa đủ chủng loại, sản phẩm chưa đa dạng. Nhưng với đại đa số người tiêu dùng, giá cả các vật liệu đẳng cấp cao này hiện chưa phù hợp với túi tiền của họ. Câu hỏi đặt ra là, liệu có vì yếu tố giá cả mà toàn xã hội phải “đầu hàng” và có thật là không thể có mức giá hợp lý cho dòng VLTTMT hay không?
 
Đắt thật hay không?
 
Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo giới xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chỉ rõ “cái vòng luẩn quẩn” trong vấn đề bức xúc về giá bán như sau: Chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ một cách bài bản, không khích lệ được tiêu dùng - đầu tư công nghệ chưa tương xứng dẫn đến năng suất thấp. Kết quả đương nhiên là giá bán sẽ cao, người tiêu dùng không chấp nhận! Ông Nguyễn Quang Cung - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cũng cho hay: Chưa có một tính toán cụ thể và thật sự sâu sắc nào để xã hội có thể nhận rõ nguồn cơn của câu chuyện “đắt - rẻ”, nhưng liệu có phải là “đắt” không nếu sử dụng VLTTMT mà thời gian thi công được rút ngắn đáng kể, tốn kém ít xi măng sắt thép hơn, khi đi vào vận hành sử dụng lại tiết kiệm năng lượng hơn, môi trường sống tốt hơn nhờ ngăn chặn được tối đa tình trạng bức xạ nhiệt, hiệu ứng lồng kính…? Đó là chưa kể đến những yếu tố có lợi cho cả xã hội, nền kinh tế và môi trường sống, sức khoẻ của cả cộng đồng. Hoặc với cụ thể 1 doanh nghiệp sản xuất, trong khi phải nỗ lực giữ chân công nhân bằng nhiều chính sách thu hút lao động nhưng rất có thể người lao động vẫn cứ bỏ doanh nghiệp mà đi, chỉ vì phải làm việc trong một môi trường nhiệt độ quá cao, tiếng ồn quá lớn. Các doanh nghiệp thì cứ loanh quanh khắc phục nắng nóng, tiếng ồn bằng những phương pháp thủ công song hết sức tốn kém như dùng quạt phun sương, điều hoà nhiệt độ, lợp mái 2 - 3 lớp mà lại thiếu những thông tin về các dòng VLTTMT có khả năng khắc phục được những nhược điểm này.
 
VLTTMT -  Không chỉ là cuộc chơi của những đại gia?
 
Khó khăn cản trở chính là, để đột phá sản xuất cũng như khơi thông thị trường, cần một tiềm lực cực lớn từ nhà sản xuất, cùng một hành lang pháp lý thuận lợi để khích lệ ngành sản xuất này phát triển. Nếu thị trường VLXD Việt Nam những năm qua chứng kiến một Euro Window vô cùng hùng mạnh và chịu chơi, thì cũng ít ai biết những bức xúc và nỗ lực họ đã vượt qua - những trở ngại khi mà Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho sân chơi vật liệu đẳng cấp cao... Chính ông Nguyễn Quang Cung cũng thừa nhận, hành lang pháp lý hiện nay chưa thuận lợi cho VLTTMT xác lập chỗ đứng, nên các doanh nghiệp chấp nhận đầu tư vào lĩnh vực này là chấp nhận phải đi “đường vòng” để thiết lập thị trường, bởi làm như vậy lại… nhanh hơn, hiệu quả hơn so với trông chờ chính sách.
 
Về phía một số doanh nghiệp đã đầu tư phát triển vật liệu cách âm, cách nhiệt cũng đưa ra dẫn chứng cho thấy, đa phần chỉ các công trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài, các công trình tư nhân mới dùng sản phẩm của họ, thậm chí sẵn sàng thay thế vật liệu so với thiết kế ban đầu. Ngược lại, các công trình sử dụng vốn NSNN rất khó để làm điều tương tự, vì phải phụ thuộc rất nhiều khâu, nhiều người mới có thể thay đổi được thiết kế, thậm chí nếu mạnh dạn thay đổi cũng sẽ rất khó khăn trong thanh toán.
 
Các nhà sản xuất và cung ứng cũng cho biết, vận động được nhà thiết kế đưa sản phẩm của họ khi tư vấn vật liệu cho dự án cũng rất khó, bởi không chỉ là thay đổi một thói quen, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm khác. Chính vì những lý do này, những năm qua hầu hết các doanh nghiệp thành công trong “mặt trận” vật liệu mới là các đại gia đủ tiềm lực và “chịu nhiệt” được lâu dài trong cuộc cọ xát chinh phục thị trường.
 
Như vậy, để phát triển ngành công nghiệp VLTTMT cần một lực đẩy toàn diện để tạo sức lan toả sâu sắc không chỉ trong nhận thức của xã hội, của giới tiêu dùng mà phải chính từ các nhà xây dựng chính sách với sự cương quyết hơn nữa. Chỉ khi chính sách được khai thông thì những ách tắc trong việc triển khai VLTTMT mới được giải toả. Đây là vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững của quốc gia nên những quy chuẩn, tiêu chuẩn vật liệu mới càng được ban hành sớm chừng nào, lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia càng lớn chừng đó. Ông Nguyễn Quang Cung hé mở: Tới đây, bài toán sử dụng VLTTMT sẽ được đưa ra mổ xẻ với những thông số phân tích cụ thể, các giải pháp vĩ mô cũng sẽ được bàn đến một cách thấu đáo, mở đường cho một trang mới của ngành công nghiệp VLXD thời kỳ mới. Một lối mở cho VLTTMT phát triển đã hiện hữu, mà ở đó thành công của “cuộc chơi” sẽ không chỉ phụ thuộc vào riêng sức mạnh của các đại gia…

>> Thực trạng và giải pháp sử dụng tiêu chuẩn VLXD trong kiến trúc tiết kiệm năng lượng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo