Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Cải tạo không gian kiến trúc khu vực Hồ Gươm cần tôn trọng các giá trị lịch sử

Cải tạo không gian kiến trúc khu vực Hồ Gươm cần tôn trọng các giá trị lịch sử

Viết email In

1. Quá trình hình thành khu trung tâm Hồ Gươm thời Pháp thuộc:

Hồ Gươm cho đến cuối thời nhà Nguyễn hầu như chỉ là một hồ tự nhiên, các công trình xây dựng khu vực giữa hồ Gươm và sông Hồng dưới thời chúa Trịnh đã bị phá huỷ hoàn toàn. Những công trình còn lại nơi đây đều do người dân tự góp công sức hay do một số quan lại, nhân sĩ đứng ra tổ chức quyên góp xây dựng như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba, chùa Báo Ân, chùa Báo Thiên.


Đền Ngọc Sơn đầu thế kỷ 20 

Sau khi chiếm được Hà Nội, người Pháp đã nhận thấy vị trí đắc địa của Hồ Gươm và ý đồ biến khu vực này thành trung tâm  hành chính, thương mại, văn hoá & tôn giáo của Hà Nội dần hình thành. Đầu tiên là tuyến phố Paul Bert – des Incrusteur (các phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi ngày nay). Các tuyến phố vuông góc với nó được tạo lập tiếp theo là các phố Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) và Beauchamp Ferry (phố Lê Thái Tổ), cùng các tuyến phố song song với chúng tạo ra hệ thống các tuyến phố bao quanh Hồ Gươm và trở thành hệ thống đường phố đầu tiên ở Hà Nội.

Cùng với việc mở mang các tuyến phố thì các công trình kiến trúc lớn nhỏ cũng được xây dựng. Khu vực phía tây Hồ Gươm bị giáo hội Thiên chúa giáo chiếm trước đó trở thành khu vực của Nhà Chung – Trung tâm của giáo hội Thiên chúa giáo ở Hà Nội. Tuy nhiên dải đất nằm sát phía tây hồ lại không thuộc Nhà Chung. Các công trình kiến trúc đáng chú ý ở đây gồm Nhà thờ Lớn, xây dựng theo phong cách Neo-Gothic đơn giản, trụ sở Công an Quận Hoàn Kiếm & Toà soạn báo Hà Nội Mới xây dựng theo phong cách Tân cổ điển Pháp. Nhìn chung các giá trị về mặt qui hoạch cũng như kiến trúc ở khu vực phía tây Hồ Gươm là không cao, giá trị chủ yếu của khu vực này là về mặt lịch sử.


Trục đường Đinh Tiên Hoàng thời Pháp thuộc 

Khu vực phía đông Hồ Gươm hình thành sau khu vực phía tây hồ và được người Pháp chủ tâm xây dựng thành khu trung tâm hành chính – thương mại của Hà Nội nên được qui hoạch rất bài bản theo nguyên tắc qui hoạch đô thị Pháp thời bấy giờ. Trục qui hoạch chủ đạo của khu vực này là vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ) nằm vuông góc với Hồ Gươm tạo ra một không gian cây xanh và là một trục đi bộ quan trọng ở trung tâm đô thị. Hai bên là toà Đốc lý, Kho bạc ở phía bắc, Bưu điện & dinh Thống sứ ở phía nam, kết thúc bởi trụ sở Ngân hàng Đông Dương tạo ra một tổng thể qui hoạch - kiến trúc hoàn chỉnh bậc nhất thời bấy giờ. Các công trình kiến trúc đáng chú ý phía đông Hồ Gươm còn có cửa hàng Bách hoá Tổng hợp (đã bị phá bỏ để xây Tràng Tiền Plaza), nhà làm việc Bộ Công thương, Bưu điện quốc tế và trụ sở Công ty Điện lực Hà Nội đều được xây dựng theo phong cách Art Deco. Đây là khu vực có giá trị lớn về mặt lịch sử như về mặt quy hoạch - kiến trúc.

Phía Bắc Hồ Gươm, trên một dải đất hẹp nằm giữa hai phố Đinh Tiên Hoàng và Cầu Gỗ, người Pháp cũng chia lô và xây dựng các công trình thương mại và nhà ở theo phong cách hiện đại che chắn hầu hết tầm nhìn từ phía hồ vào khu phố cổ. Một công trình kiến trúc đáng lưu ý ở đây là  nhà Bách hoá Bờ Hồ cao 3 tầng theo phong cách Art Deco.


Toà soạn báo Hà Nội Mới 

Bề mặt tuyến phố Hàng Khay hình thành trước đó ở phía nam Hồ Gươm chủ yếu là nhà ở theo phong cách kết hợp kiến trúc Việt – Pháp, hai đầu phố là các công trình thương mại, trong đó đáng chú ý có Khách sạn Hồ Gươm xây dựng theo phong cách Art Deco (nay đã bị cải tạo tới mức biến dạng hoàn toàn).

Như vậy là tới những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phá bỏ toàn bộ hình thái kiến trúc không gian khu vực Hồ Gươm hình thành chủ yếu dưới thời Trịnh và Nguyễn. Những công trình kiến trúc cổ ở khu vực này như các chùa Báo Thiên, Phổ Giác, Báo Ân cũng bị dỡ bỏ đã lấy đất xây dựng các công trình mới. Dấu tích duy nhất còn lại là đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc và đền Bà Kiệu ở phía đối diện qua đường Đinh Tiên Hoàng.


Trụ sở công an quận Hoàn Kiếm 

2. Những bài học trong quá trình cải tạo kiến trúc quanh Hồ Gươm trước đây

Sau khi người Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954, trong khoảng 20 năm sau đó (1955 – 1975), cấu trúc không gian qui hoạch khu vực Hồ Gươm hình thành dưới thời Pháp thuộc hầu như được giữ nguyên, các công trình kiến trúc xây dựng trong thời kỳ này cũng không có gì thay đổi. Chỉ từ khoảng nửa cuối thập kỷ 1970, khu vực này mới bắt đầu tiếp nhận các hoạt động cải tạo cho tới tận những năm đầu thế kỷ XXI. Những hoạt động này được tiến hành một cách rời rạc trong một thời gian dài, trải qua nhiều thời kỳ nhận thức khác nhau về qui hoạch và kiến trúc mà không dựa trên bất kỳ một qui hoạch tổng thể nào nên có thể nói là thất bại nhiều hơn là thành công.


Bưu điện quốc tế  

Đầu tiên phải kể đến là việc xây dựng Trung tâm bưu điện Bờ Hồ vào những năm 1970. Nằm trên khu đất giữa hai công trình cũ có độ cao vừa phải là nhà Bưu điện theo phong cách Tân cổ điển và nhà Bưu điện quốc tế (thời Pháp thuộc là Phòng Thương mại) theo phong cách Art Deco, nhưng Trung tâm bưu điện mới lại được xây cao tới 5 tầng với phong cách “Chiết trung” hoà trộn giữa hiện đại và cổ điển, với độ cao như vậy mà mặt chính công trình lại nằm sát vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng nên có thể coi đây là “thủ phạm” lớn nhất phá vỡ tỷ lệ tương đối nhẹ nhàng và hài hoà của các công trình kiến trúc quanh Hồ Gươm. Một điểm đáng lưu ý là trên khu đất này phía trước đó, người Pháp đã xây dựng phần móng cho một công trình có độ cao thấp hơn và cách mặt phố Đinh Tiên Hoàng một khoảng vừa phải.

Trong thập kỷ 1990, người ta cũng cho phá bỏ nhà Điều hành xe điện Bờ hồ cao 1 tầng theo phong cách Art Deco ở phía bắc Hồ Gươm để xây dựng một trung tâm thương mại cao tới 5 tầng với một tỷ lệ phải nói là rất xấu, che khuất gần như toàn bộ tầm nhìn còn ít ỏi từ hồ vào khu phố cổ, toà nhà mang cái tên trứ danh “Hàm cá mập” xứng đáng ở vị trí thứ hai trong việc phá vỡ tỷ lệ kiến trúc quanh Hồ Gươm.


Cửa hàng Grands Magasins Réunis thời Pháp thuộc (sau này là Bách hoá Tổng hợp) 

Điều đáng tiếc thứ ba phải kể đến là phá bỏ toà nhà Bách hoá Tổng hợp, một công trình thương mại theo phong cách kiến trúc Art Deco có thể coi là đẹp nhất trong các công trình thể loại này ở Hà Nội để xây dựng Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza theo phong cách nhái Tân cổ điển thời kỳ Pháp thuộc.

Ngoài  ra thì việc xây dựng trụ sở UBND Thành phố Hà Nội ở phía đông Hồ Gươm, toà nhà văn phòng cho thuê ngay phía sau Thuỷ Tạ, việc cải tạo bóp méo kiến trúc Khách sạn Hồ Gươm, cùng nhiều công trình cải tạo và xây dựng chen khác xung quanh Hồ Gươm cũng chưa thể coi là thành công.

3. Những điều cần lưu ý trong quá trình cải tạo Hồ Gươm

Nhìn lại những điểm chưa thành công trong quá trình cải tạo không gian kiến trúc khu vực xung quanh Hồ Gươm theo kiểu “xôi đỗ” trong khoàng 30 năm vừa qua cho thấy việc xây dựng một qui hoạch không gian đô thị khu vực Hồ Gươm là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên việc xây dựng và thông qua một qui hoạch mới cho khu vực trung tâm cũ của Hà Nội có không gian không lớn nhưng mang nhiều ý nghĩa lịch sử và có cảnh quan rất thơ mộng như khu vực Hồ Gươm cần hết sức thận trọng và phải khai thác được nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, toàn thể nhân dân Thủ đô cùng tất cả những người yêu mến Hà Nội.


Nhà làm việc Bộ Công thương 

Từ những phân tích về mặt lịch sử và cảnh quan khu vực Hồ Gươm cho thấy qui hoạch không gian đô thị khu vực này cần dựa trên các cơ sở:

- Tuyệt đối tôn trọng không gian cảnh quan và kiến trúc đã định hình từ những năm đầu thế kỷ XX, một không gian mặt nước – cây xanh có diện tích không lớn kết hợp với các công trình kiến  trúc có quy mô vừa phải.

- Hết sức thận trọng trong việc bảo tồn và cải tạo cho phù hợp công  năng với các công trình kiến trúc có giá  trị xung quanh Hồ Gươm và khu vực phụ cận. Không chấp nhận việc phá bỏ các công trình kiến trúc đã hiện diện từ gần trăm năm nay để xây dựng các công trình mới.

- Cần tăng cường diện tích cây xanh, tạo ra các không gian nghỉ ngơi và sinh hoạt văn hoá cộng đồng khu vực xung quanh Hồ Gươm. Tuy nhiên đây là một công việc cần tiến hành cẩn trọng, vì nâng cao diện tích cây xanh đồng nghĩa với việc giảm bớt mật độ xây dựng và dễ dàng dẫn tới việc phá bỏ các công trình kiến trúc cũ mà giá trị của chúng chưa được nhìn nhận đúng mức.

- Các công trình kiến trúc quanh khu vực xung quanh Hồ Gươm được xây dựng ở nhiều thời kỳ khác nhau nên phong cách của chúng cũng rất đa dạng và phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của từng thời kỳ, từ phong cách thuần Việt tới Tân cổ điển Pháp rồi Hiện đại Art Deco. Vì vậy các công trình xây mới gần khu vực trung tâm hoàn toàn có thể mang hơi thở thời đại mới, vấn đề cần quan tâm ở đây chính là tỷ lệ cần hài hoà với tổng thể khu vực.


(nguồn ảnh: Ashui.com) 

4. Kết luận

Khu vực Hồ Gươm và phụ cận là một trung tâm đa chức năng của Hà Nội, có lịch sử hình thành trên trăm năm cần phải được gìn giữ như một viên ngọc quí ở khu vực trung tâm Thủ đô. Việc hình thành và thông qua một Qui hoạch không gian đô thị là hết sức cấp thiết cho quá trình phát triển khu vực này. Nhưng việc tiến hành phải hết sức thận trọng, phải thu hút được sự tham gia đóng góp công sức trí tuệ của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm tiêu đích tạo lập cơ sở cho việc phát triển lâu dài và bền vững.

KTS Trần Quốc Bảo 

>> Hồ Gươm - giữa cái không tưởng và hiện thực 

>> Quy hoạch hồ Gươm - việc đại sự không thể xem thường 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo