
Xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện đại hóa quản trị công
Khu liên cơ từng là một khái niệm quen thuộc ở ta, rồi dần bị xóa sổ và mấy năm gần đây lại trở nên thịnh hành. Theo anh, khái niệm này vì sao lại “sống lại”, và cần định nghĩa lại nó thế nào trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay?
Liên cơ là khái niệm phổ biến trên thế giới, tương đương thuật ngữ “Government Complex” hoặc “Administrative Complex”. Tại VN, liên cơ được hiểu là khu tập trung nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính hoặc các phòng ban chuyên môn làm việc trong cùng một tòa nhà hoặc khuôn viên. Mô hình này hình thành nhằm tối ưu hóa mặt bằng, tăng cường quản lý tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phối hợp liên ngành và phục vụ người dân.
Ở VN, liên cơ từng gắn liền với các khu tập thể và trụ sở hành chính thời bao cấp. Tiêu biểu có khu liên cơ Tràng Thi (40 Tràng Thi, Hà Nội) từng là trung tâm hành chính Hà Nội những năm 1980; liên cơ số 1 Hoàng Hoa Thám tại Vinh; liên cơ Lý Thường Kiệt tại Huế; hay khu liên cơ Pasteur – Lý Tự Trọng tại TP.HCM…
Gần đây, khái niệm liên cơ được nhắc lại nhiều hơn, đặc biệt sau khi Hà Nội phê duyệt dự án Khu liên cơ Tây Hồ – một tổ hợp hành chính tập trung quy mô lớn. Đối với tôi, liên cơ là một khái niệm rất hay, đi thẳng vào bản chất của nó. Mô hình này không chỉ là tập trung trụ sở, mà còn hướng tới mục tiêu tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và tối ưu hóa quản lý dữ liệu. Mô hình khu liên cơ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện đại hóa quản trị công, đáp ứng nhu cầu về một nền hành chính hiệu quả, minh bạch và phục vụ tốt hơn cho người dân. Nó thậm chí còn cải thiện hình ảnh của các bộ máy công tại nước ta trong tương lai.

Dự án khu liên cơ mà anh vừa được chọn có quy mô và những đặc thù riêng nào? Trong bối cảnh không ít khu liên cơ nghìn tỉ ở VN bị “đắp chiếu” và không phát huy hiệu quả như kỳ vọng, cách để anh tránh vết xe đổ này là gì?
Thông qua cuộc thi tuyển phương án kiến trúc, văn phòng chúng tôi đã đạt giải Nhất và được ký hợp đồng thực hiện quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho Dự án khu liên cơ Khánh Hòa. Đây là dự án quy mô lớn, dự kiến phục vụ khoảng 1.200 nhân sự trước khi sáp nhập tỉnh và có khả năng mở rộng lên 2.000 nhân sự sau sáp nhập tỉnh.
Phương án thiết kế của chúng tôi tập trung vào đổi mới mô hình tổ chức không gian, tối ưu hóa chức năng và thúc đẩy hoạt động liên ngành giữa các cơ quan trực thuộc tỉnh Khánh Hòa khi chuyển về làm việc tại khu liên cơ. Với kinh nghiệm nhiều năm thực hành trong lĩnh vực kiến trúc tại Đức, Thụy Sĩ, đề xuất của tôi chịu ảnh hưởng từ các mô hình Government Complex của phương Tây, đặc biệt là Đức. Tuy nhiên, với tư cách một kiến trúc sư VN, tôi hướng tới giải pháp kết hợp các mô hình tiên tiến quốc tế với bối cảnh xây dựng, điều kiện khí hậu và đặc thù văn hóa, tập quán của VN.
Trong thực tế, giá trị đầu tư lớn không phải là yếu tố đảm bảo hiệu quả đầu tư của một công trình. Nhiều dự án nghìn tỉ hay nhiều nghìn tỉ đồng ở VN đã không phát huy được giá trị sử dụng, thậm chí lãng phí, do những hạn chế ngay từ nguyên lý tổ chức không gian, dẫn đến công trình lỗi thời hoặc kém hiệu quả ngay từ khi hoàn thành. Giải pháp của chúng tôi nhằm tránh “vết xe đổ” này là tập trung vào nghiên cứu chuyên sâu về tổ chức chức năng, tạo ra một Xương sống chức năng – một loại nền tảng thứ ba (Third platform) vững chắc cho các không gian làm việc liên ngành. Phương án thiết kế đảm bảo cấu trúc linh hoạt, có khả năng mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo nhu cầu, thích ứng với biến động về công nghệ và nhân lực trong tương lai. Đây là phương pháp tiếp cận “thiết kế chiến lược” – lĩnh vực tôi đã nghiên cứu, áp dụng và giảng dạy trong vài năm qua tại châu Âu.

Được biết, dự án khu liên cơ của anh gắn với câu chuyện tinh giản – sáp nhập. Kiến trúc liệu sẽ tham dự vào câu chuyện này trên những kiến giải nào?
Chúng tôi giành được dự án này trong bối cảnh tinh giản bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính đang được triển khai quyết liệt. Nếu con người là hạ tầng sống động của xã hội thì kiến trúc chính là hạ tầng tĩnh, cấu trúc nền móng cho mọi hoạt động. Khi phương thức làm việc của con người thay đổi, không gian làm việc cần được tổ chức lại cho phù hợp. Kiến trúc, cùng với hạ tầng xã hội, cần những cải cách thực chất để đáp ứng yêu cầu mới của thời đại; và điều đó tôi tin là tất yếu.
Thay đổi một tòa nhà là việc dễ, nhưng thay đổi cách một con người vận hành trong bộ máy hành chính mới là thách thức thực sự. Bởi vậy, thiết kế của chúng tôi hướng tới việc tạo ra một môi trường làm việc thúc đẩy sự chuyển dịch này, nơi tổ chức không gian không chỉ phục vụ nhu cầu vật lý mà còn hỗ trợ thay đổi thói quen làm việc, tăng cường tính liên ngành, quản lý chặt chẽ quỹ không gian, đồng thời mang lại sự thuận tiện, thân thiện cho người dân khi tiếp cận dịch vụ công. Từ đó, cải thiện hình ảnh của bộ máy hành chính trong mắt xã hội.

Cơ hội tái cấu trúc không gian đô thị
Giải pháp kiến trúc nào có thể giúp tránh lãng phí nguồn công sở bị dôi dư khi các cơ quan đoàn thể cùng sáp nhập vào khu liên cơ?
Khi trung tâm liên cơ mới được khánh thành, các cơ quan chuyển về đây sẽ giải phóng hàng loạt trụ sở nhỏ lẻ nằm rải rác trong đô thị. Đây là cơ hội để tái cấu trúc không gian đô thị và chức năng các công sở cũ. Những tòa nhà này hoàn toàn có thể cải tạo thành trung tâm hành chính công cấp quận, phường, hoặc chuyển đổi công năng thành trường học, thư viện, viện nghiên cứu, trung tâm văn hóa cộng đồng. Một số công trình phù hợp có thể trở thành văn phòng cho chính phủ điện tử, trung tâm điều hành đô thị thông minh, hoặc thậm chí tháo dỡ để phát triển các trung tâm dữ liệu – loại hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế số.
Dư thừa các trụ sở hành chính cũ không đồng nghĩa với việc chúng ta dư thừa hạ tầng nền tảng. Thực tế, chúng ta còn thiếu, và thiếu rất nhiều. Bài toán đặt ra là chủ động chuyển hóa những phần dư thừa này thành nguồn lực phục vụ đúng vào những lĩnh vực mà xã hội đang thiếu hụt một cách nghiêm trọng.

Xây dựng là một chuyện, nhưng vận hành khu liên cơ mới là bài toán khó hơn cả. Làm thế nào để mọi thứ trở nên đồng bộ và nhịp nhàng, khi kỹ năng làm việc nhóm, phối hợp liên ngành vẫn bị cho là điểm yếu của lao động Việt?
Câu hỏi này khiến tôi nhớ lại một số dự án trước đây tại VN mà chúng tôi từng đề xuất nhưng không được lựa chọn để xây dựng. Dần dần, tôi nhận ra rằng điểm mấu chốt nằm ở bài toán vận hành và ở chính con người, những người sẽ làm việc trong các khu liên cơ đó.
Xây dựng một con đường là chuyện kỹ thuật, nhưng vận hành nó nhịp nhàng lại là câu chuyện khác. Tương tự, một công trình quá mới, quá cấp tiến có thể tạo ra gánh nặng tái đào tạo về cách làm việc, về thói quen sử dụng không gian cho cả bộ máy: mà chi phí ấy không nhỏ, đôi khi lớn hơn chi phí xây dựng công trình. May mắn là lần này, đề xuất của chúng tôi được lựa chọn đúng vào thời điểm VN đang quyết liệt thực hiện quá trình chuyển đổi về nguyên lý vận hành bộ máy hành chính. Điều đó không chỉ thể hiện qua kinh phí, mà còn là sự thay đổi về mặt tư duy.
Chính vì vậy, cách tiếp cận của chúng tôi với dự án này cũng rất rõ ràng: coi sự chuyển đổi ấy là điểm tựa, đồng thời kiểm soát mức độ đổi mới của thiết kế để đảm bảo tính khả thi trong vận hành. Điểm quan trọng ở đây là chúng tôi không thiết kế để “ép buộc” mọi người phải sử dụng không gian này, mà tạo ra một môi trường đủ hấp dẫn để họ “muốn” sử dụng một cách chủ động. Sự tập trung các chức năng này tạo nên một nền tảng vững chắc để quản lý không gian hiệu quả hơn, giảm áp lực lên các khối văn phòng xung quanh nhưng vẫn đảm bảo một môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp.
Quản trị dữ liệu cũng là một phần không thể thiếu trong thiết kế công trình hành chính hiện đại, không chỉ ở VN mà ở mọi quốc gia. Thực tế ở VN, khu vực công vận hành chậm hơn khu vực tư nhân về mặt này. Vì vậy, chúng tôi dành nhiều tâm sức để công trình không chỉ là nơi làm việc, mà còn là không gian hỗ trợ người lao động làm quen dần với hệ thống quản trị dữ liệu hiện đại. Về lâu dài, điều này sẽ giúp giảm thiểu đáng kể diện tích dành cho lưu trữ hồ sơ giấy, từng bước hình thành kho dữ liệu mềm, mở, tạo điều kiện cho việc kết nối với người dân được thuận tiện hơn, đồng thời tối ưu hóa quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Những khu liên cơ “đắp chiếu”, tòa nhà Hàm Cá Mập sắp bị đập bỏ…; những bài học kiến trúc đó theo anh cần được rút kinh nghiệm thế nào, trong so sánh với những hành xử kiến trúc mà anh quan sát ở nước ngoài?
Những khu liên cơ bỏ hoang hay các tranh luận gần đây quanh tòa nhà Hàm Cá Mập ở Hà Nội cho thấy mức độ quan tâm của công chúng đối với hạ tầng xã hội đang tăng lên rõ rệt. Theo tôi, đó là một chuyển động tích cực và cần được khuyến khích. Đã đến lúc chúng ta nhận thức rõ hơn rằng một xã hội vận hành cũng giống như một đoàn tàu: Việc nó chạy nhanh hay chậm, thậm chí có đi được hay không, không chỉ phụ thuộc vào từng toa tàu hay đầu máy, mà nằm ở hệ thống đường ray có được thiết kế hợp lý, vững chắc và bền bỉ hay không.
Thực tế, chúng ta vẫn thường dồn quá nhiều quan tâm vào “chiếc ghế ngồi trên tàu” – vào những vị trí hay cá nhân cụ thể – mà quên đi phần quan trọng hơn: hệ thống đường ray, tức là hạ tầng và nền tảng vận hành của cả bộ máy. Khi nhìn sang các thiết kế kiến trúc, quy hoạch tại những quốc gia phát triển, hay mô hình liên cơ ở Đức, điều chúng ta dễ nhận ra là hình hài, là dáng vẻ bề ngoài của công trình. Nhưng ít ai nhìn sâu vào phần chính sách, hạ tầng và thiết kế vận hành đã được tính toán kỹ lưỡng để duy trì và kích hoạt những cấu trúc đó như một cỗ máy thực sự.
Bản chất của kiến trúc và quy hoạch, cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống, không nằm ở những hình khối hay bề mặt, mà ở hệ thống nguyên lý chi phối phía sau. Mọi lời giải cho các vấn đề đều chỉ có giá trị khi chúng cùng hướng về một nguyên tắc chung, một phương châm hành động rõ ràng và nhất quán. Tại Đức, điều đó rất rõ: “Không ai có thể xóa sạch di sản xã hội, cả tốt lẫn xấu, điều đó quá tốn kém; nhưng người ta hoàn toàn có thể khiến nó vận hành hiệu quả hơn”.
Công trình liên cơ mà chúng tôi đang thực hiện cũng theo nguyên lý đó. Tôi không thể làm ngơ trước thực tế sẽ có 2.000 con người bước vào đây với những thói quen làm việc cũ. Bài toán không phải là xóa đi tất cả, mà là thiết kế một nền tảng hạ tầng mới, đủ khoa học, đủ hợp lý, để cùng họ chuyển động về phía trước, trong một lộ trình có thể kiểm soát và bền vững.

Thủy Lê (thực hiện)