Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đề xuất đưa quy định về ký quỹ khi đầu tư bất động sản vào dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật khi hàng loạt các luật, dự thảo luật khác đã có chế định này. Tuy nhiên, HoREA kiến nghị một cơ chế linh hoạt, miễn tiền ký quỹ với những dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hoặc đã có cam kết tài trợ vốn từ các ngân hàng.
Đây là một đề xuất đáng chú ý của HoREA trong công văn gửi lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Trên thực tế có rất nhiều loại dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất, dự án chưa bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ hoặc một phần. (Ảnh: Mạnh Tùng)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho hay, khoản 3.b điều 58 Luật Đất đai 2013 đã quy định về việc ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Cũng tại khoản 1 điều 15 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có quy định tương tự về việc ký quỹ.
Đồng thời, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng có quy định điều kiện tham gia phát triển nhà ở thương mại theo dự án là phải có “vốn để ký quỹ thực hiện đối với từng dự án xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản”.
Do đó, ông Châu đề xuất Luật Đầu tư (sửa đổi) cần bổ sung chế định ký quỹ để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư trước đó đã lên tiếng cho rằng quy định ký quỹ sẽ làm cho giá nhà ở tăng lên, gây ảnh hưởng đến sức mua bất động sản khi doanh nghiệp đưa ra thị trường những dự án mới.
Ông Châu thừa nhận chế định ký quỹ này là một gánh nặng đối với một số chủ đầu tư dự án bất động sản và cuối cùng người mua nhà, thuê nhà mới chính là người phải chi trả cho khoản chi phí này vì đã được tính vào giá bán. Tuy vậy, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, HoREA vẫn kiến nghị Quốc hội xây dựng chế định ký quỹ trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) nhưng cần cân nhắc nhiều yếu tố để doanh nghiệp không bị đẩy vào thế khó.
Cụ thể, trên thực tế có rất nhiều loại dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất như dự án chưa bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ hoặc một phần; dự án đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng; các công trình theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được duyệt …
Trên cơ sở thực tế đó, ông Châu đề xuất không cần thiết áp dụng ký quỹ đối với các dự án mà nhà đầu tư đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Ngoài ra, trong trường hợp có bảo lãnh đầu tư, bảo lãnh thực hiện dự án hoặc văn bản của tổ chức tín dụng cam kết cung cấp nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện dự án thì không phải ký quỹ.
Để đảm bảo khả năng tài chính của chủ đầu tư trong việc ký quỹ, ông Châu cho rằng, Luật Đầu tư (sửa đổi) cần quy định rõ tiền ký quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng của dự án phát triển bất động sản, đồng thời quy định rõ lộ trình hoàn trả tiền ký quỹ cho nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Mạnh Tùng (TBKTSG)
- Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Hy vọng được Quốc hội thông qua
- Nhà ở xã hội hụt hơi trên đường đua
- “Sang năm 2015 bất động sản vẫn còn khó”
- Các “ông lớn” bất động sản không ngừng mở rộng
- Peter Ryder, “người mở đường” bất động sản cao cấp Việt Nam
- Nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội: Liệu có việc đầu cơ trục lợi?
- Cải tạo chung cư cũ: Doanh nghiệp đang lỗ nặng?
- Lãi suất hiện nay nên mua hay thuê nhà?
- Bộ Xây dựng: Số dự án nhà ở đã vượt quá nhu cầu
- Giải mã hiện tượng Novaland