Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Chuyên mục Bất động sản Nhiều chuyên gia quan tâm đến chính sách về nhà ở tại Việt Nam

Nhiều chuyên gia quan tâm đến chính sách về nhà ở tại Việt Nam

Viết email In

Tọa đàm Chính sách nhà ở tại Việt Nam do Diễn đàn Đô thị Việt Nam và Tổ chức Định cư Con người Liên Hợp quốc (UN Habitat) phối hợp tổ chức đã diễn ra sáng 05/8/2009 tại Hà Nội. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, các chuyên gia, nhà quản lý, các Hiệp hội chuyên ngành của Việt nam và UN Habitat…

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã bàn thảo nhiều vấn đề xung quanh chính sách nhà ở, những kinh nghiêm trong nước và nước ngoài về quản lý và phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp... Đặc biệt là chương trình dự án do UN – HABITAT triển khai tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá cao.



Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Cần quan tâm đến nguyện vọng của người dân

Việc xây dựng hồ sơ nhà ở Việt Nam là cần thiết, giúp đề suất chính sách phù hợp. Bộ Xây dựng rất hoan ghênh, ủng hộ và sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tham gia tích cực, phối hợp cùng UN HABITAT triển khai dự án.

Trong thực tiễn phát triển, nhiều vấn bất cập đã nảy sinh và cần những chính sách khác nhau. Tôi đề nghị trong kế hoạch triển khai các đồng chí nên nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, môi trường, nhà ở tái định cư, vấn đề phân phối làm sao cho người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở, chính sách phải quam tâm đến người nghèo… Và đặc biệt, trong quá trình khảo sát điều tra cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ý kiến của người dân để có những đề suất phù hợp.

TS Nguyễn Quang, Đại diện chương trình UN – HABITAT tại Việt Nam: Cần đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng khác nhau

Thiếu nhà ở đang là vấn đề nghiêm trọng tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn ở Việt Nam. Loại hình nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội và người có thu nhập thấp khó có khả năng mua nhà.

Nhằm cung ứng tốt hơn và giúp người thu nhập thấp tại đô thị Việt Nam tiếp cận nhà ở dành cho họ, đồng thời hỗ trợ chính phủ và các cơ quan khác nhau phân tích một cách hệ thống về lĩnh vực nhà ở tại các đô thị và cấp quốc gia, tăng cường năng lực của các cán bộ hoạch định chính sách… thì việc triển khai dự án về nhà ở là rất cần thiết. Dự án sẽ do UN HABITAT thực hiện với 3 sản phẩm: hồ sơ lĩnh vực nhà ở (gồm phân tích sâu về lĩnh vực nhà ở và đánh giá năng lực), nâng cao năng lực cải thiện chính sách cho các cán bộ các cơ quan nhà nước và địa phương, tư vấn chương trình nhà ở đặc biệt cho đối tượng thu nhập thấp.

Ông Ramus Pecht, phòng chính sách, Ban nhà ở, UN- Habitat tại Nairobi, Kenya: Việt Nam là nước châu Á đầu tiên được lựa chọn triển khai dự án

UN Habitat hiện đang triển khai hồ sơ lĩnh vực nhà ở tại 4 nước châu Phi: Malawi, Uganda, Senegal, Tunisia. Việt nam là nước đầu tiên ở châu Á mà chúng tôi lựa chọn triển khai dự án này. Nhiều vấn đề được đề cập đến trong hồ sơ như: Trên cơ sở phân tích những hạn chế trong hoạt động lĩnh vực nhà ở có liên quan như: đất, tài chính, hỗ trợ pháp lý, cơ sở hạ tầng, VLXD, lao động và việc làm, khung pháp lý, cung cầu, năng lực thể chế, khả năng chi trả giữa giá và thu nhập thấp…từ đó đưa ra các hoạt động ưu tiên, với sự tham gia của các bên liên quan như: các Cty Xây dựng, các cơ quan tài chính, chính quyền địa phương, các tổ chức cộng đồng, cá nhân sở hữu nhà, các tổ chức phi chính phủ…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng): Hồ sơ về nhà ở rất cần thiết với Việt Nam

Hiện nay, chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau trong xã hội  tương đối phủ khắp nhưng để chính sách đi vào cuộc sống chúng ta cũng cần có nghiên cứu kỹ hơn. Hồ sơ lĩnh vực nhà (một phân tích tổng hợp về lĩnh vực nhà) là rất cần thiết, nhằm đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Đây là trợ giúp rất bổ ích và cần thiết đối với Việt Nam.

Theo đề suất của UN Habitat chương trình thực hiện trong 2 năm nhưng nếu chỉ tập trung ở khu vực đô thị thì chưa bao quát hết được. Khu vực nông thôn Việt Nam hiện đang rất cần, đặc biệt là những vùng thường xuyên bị thiên tai như Miền Trung, ĐB Sông Cửu Long, miền núi, vùng sâu vùng xa…Chúng tôi đề suất hồ sơ nhà ở Việt Nam bao trùm cả khu vực đô thị và nông thôn. Để đảm bảo hiệu quả của chương trình nên điều chỉnh tiến độ và đồng thời triển khai, đan xen những sản phẩm khác nhau trong chương trình.

GS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hiệp Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam: Cần lưu ý đến quy hoạch

Ở Việt Nam, thị trường bất động sản đang phát triển rất mạnh và vẫn còn tồn tại một số bất hợp lý. Nếu chỉ nhìn nhận bộ mặt đô thị là những Building thì không đáng nói nhưng nhìn sâu vào nội tâm, đặc biệt các khu nhà ở thì vấn đề quy hoạch rất bức xúc. Ngay ở khu Mỹ Đình, một khu mới được xây dựng nhưng đã xuất hiện những tòa nhà cao thấp khác nhau, thậm chí ngay một khu nhà cũng có đến năm, bảy kiểu cửa sổ. Trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án, các đồng chí cần nghiên cứu và đề cập trong chính sách nếu không việc phát triển tự phát sẽ phá vỡ quy hoạch, khiến bộ mặt đô thị xấu đi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.

Huyền Vũ – Thanh Huyền (thực hiện)

Từ tháng 8/2009 đến tháng 12/2010, Chương trình UN-Habitat tại Việt Nam dự kiến sẽ dành 400.000 USD cho “Dự án về chính sách nhà ở tại Việt Nam” .

Dự án sẽ bắt đầu bằng việc thực hiện “Hồ sơ lĩnh vực nhà ở tại Việt Nam”. Đây là bảng phân tích tổng hợp về lĩnh vực nhà ở quốc gia mà Việt Nam là nước đầu tiên tại châu Á thực hiện nghiên cứu này.

Khảo sát của UN-Habitat cho thấy Việt Nam đang cần khoảng 23,4 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng đô thị, bao gồm: cấp nước (3,8 tỷ USD), thu gom và xử lý nước thải (2,8 tỷ USD), thoát nước (2,4 tỷ USD), giao thông đô thị (6 tỷ USD) và nhà ở cho người thu nhập thấp (8,4 tỷ USD).

Vì vậy, UN-Habitat đề xuất dự án về chính sách nhà ở với mong muốn hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam phân tích một cách hệ thống về lĩnh vực này tại các đô thị, ở cấp độ quốc gia.

Ngoài việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách nhà ở và khung thể chế, tài chính cho việc cung ứng và tiếp cận nhà ở thu nhập thấp, dự án còn hỗ trợ xây dựng chính sách nhà ở đặc biệt cho đối tượng có thu nhập thấp. Thông qua dự án này, việc cung ứng nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ tốt hơn, đồng thời giúp nhiều người dân có điều kiện tiếp cận với nhà ở tại các đô thị.

Thu Hiền / DĐDN

>> Quỹ đất ở - thực trạng và giải pháp phát triển 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...