Báo chí đưa tin Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tổ chức công đoàn sẽ xây dựng khoảng 340.000 căn hộ giá từ 150 triệu đồng/căn cho công nhân.
Hiện nay, khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã là trọng tâm trong cải cách kinh tế sau khi nhìn thấy trực tiếp sự thất thoát, lãng phí và tham nhũng mà khu vực này gây ra, việc một tổ chức chính trị-xã hội, vốn dĩ sử dụng nguồn vốn ngân sách, trực tiếp triển khai các dự án nhà ở mang tính bao cấp gây nhiều băn khoăn về tính hiệu quả.
Không phải địa phương nào cũng có thể phù hợp cho các dự án nhà ở công nhân. (Ảnh: Thành Hoa)
Nhà ở công nhân: một bài toán không dễ
Việt Nam đã và đang trong quá trình bùng nổ về sản xuất công nghiệp, đi kèm với nhu cầu nhà ở rất lớn của những người lao động tại các khu công nghiệp do phần lớn trong số họ là người nhập cư từ nơi khác. Theo ước tính của Chính phủ, Việt Nam có thể có đến 7,2 triệu công nhân khu công nghiệp vào năm 2020. Đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động mang lại ngoại ứng tích cực về kinh tế, xã hội. Ổn định cuộc sống sẽ giúp họ gắn bó với công việc, cải thiện an ninh trật tự xã hội, tạo tiền đề xây dựng các khu đô thị công nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên điều này không dễ thực hiện khi loại hàng hóa này nằm ngoài khả năng cung cấp của khu vực tư nhân và đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước.
Mặc dù nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn, phần lớn đó không phải là nhu cầu có khả năng thanh toán, tức là cầu thị trường. Nhà ở công nhân cũng như các loại hình nhà ở xã hội khác rất ít được thị trường cung ứng bởi vì không tồn tại nhu cầu có khả năng thanh toán do mặt bằng thu nhập của người công nhân ở Việt Nam còn quá thấp.
Hiện nay, theo chương trình phát triển nhà ở xã hội, một số giải pháp được đưa ra để giảm giá thành nhà ở cho công nhân như miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho chủ đầu tư và người mua, giới hạn biên độ lợi nhuận của chủ đầu tư, tiêu chuẩn hóa thiết kế... Tuy nhiên, ngay cả vậy, cấu thành chi phí xây dựng trong giá vốn nhà ở phần lớn các trường hợp cũng đã vượt quá khả năng chi trả của công nhân. Ngoài ra, do đặc thù lao động trong khu công nghiệp, phần nhiều lao động trên 30 tuổi sẽ tìm cách hồi hương vì khó có thể đảm bảo công việc lâu dài ở các nhà máy sản xuất vốn yêu cầu sức khỏe và cường độ lao động khắc nghiệt. Phần nhiều trong số họ lựa chọn phương án thuê nhà và tích lũy tiết kiệm để về quê.
Với cùng một số giải pháp như trong đề án (hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng và chính quyền địa phương cung cấp mặt bằng dự án, kết nối hạ tầng...), có thể tiến hành đấu thầu công khai các dự án phát triển nhà ở cho công nhân. |
Cá nhân người viết đã khảo sát trực tiếp các dự án nhà ở tại Nhơn Trạch, Đồng Nai - nơi cung cấp các nhà ở bán cho công nhân với mức giá từ 200-250 triệu đồng/căn hộ và vẫn còn một lượng đáng kể căn hộ chưa có người mua. Một địa phương khác là Bình Dương, nơi có lượng công nhân đông nhất cả nước, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp như Becamex có thể xây dựng và bán các căn hộ với giá thấp hơn - khoảng 150 triệu/căn hộ - và được tiêu thụ tốt. Tuy nhiên để có giá bán thấp như vậy, chủ đầu tư phải tự mình chịu các chi phí hạ tầng, không tính vào giá thành sản phẩm. Rõ ràng phát triển nhà ở với giá thấp cho công nhân cần gắn với bài toán thị trường để đạt hiệu quả. Không phải địa phương nào cũng có thể phù hợp cho các dự án nhà ở công nhân.
Giải pháp phi thị trường và nhiều rủi ro
Việc Tổng liên đoàn Lao động đứng ra làm nhà cho công nhân dẫn tới câu hỏi về tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn có tính chất ngân sách. Mặc dù Tổng liên đoàn Lao động giải thích rằng một phần nguồn vốn (hơn 3.500 tỉ đồng) sẽ được lấy từ tổ chức công đoàn qua việc cắt giảm các khoản chi hành chính và hoạt động phong trào nhưng điều này không làm thay đổi bản chất của nguồn vốn.
Không có gì đảm bảo các căn hộ xây xong sẽ được công nhân đón nhận, từ thiết kế cho đến chất lượng. Mức giá thấp chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ. Nhà, dù là cho công nhân và người thu nhập thấp, cần được phát triển bởi các đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm trong phát triển nhà ở, quản lý xây dựng.
Cũng không có gì đảm bảo các hạng mục hạ tầng xã hội như nhà thi đấu đa năng, quảng trường... đi cùng các dự án sẽ phù hợp với nhu cầu của công nhân; hay cơ cấu căn hộ giữa cho thuê và để bán đã phù hợp với thị trường hay chưa.
Nhu cầu nhà ở của công nhân là bức thiết, nhưng việc thuyết phục họ bỏ ra toàn bộ tài sản tích lũy trong hàng chục năm làm việc chắc chắn không dễ. Nó phải gắn liền với các khâu tìm hiểu nhu cầu thị trường, tiếp thị, bán hàng và hậu mãi. Chúng ta đã chứng kiến nhiều khu nhà ở xã hội, khu tái định cư bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực xã hội xuất phát từ tư duy bao cấp trong cung cấp sản phẩm nhà ở. Và điều này rất có thể sẽ lặp lại, nếu việc phát triển nhà ở cho công nhân mang tính phong trào, xa rời với nhu cầu thị trường. Việc thuần túy xây nhà, trợ cấp về giá và chờ người tiêu dùng đến mua mang nặng tư duy kinh tế bao cấp, sẽ khó thành công tại thời điểm hiện tại. Và khi nó thất bại, ngân sách nhà nước sẽ lại bị bào mòn.
Giải pháp căn cơ
Các hỗ trợ của Nhà nước về mặt bằng, hạ tầng, nguồn vốn ưu đãi là cần thiết. Nhưng bài toán thiết yếu trong việc phát triển nhà ở công nhân là giảm chi phí xây dựng bằng công nghệ, biện pháp thi công tiên tiến. Đề án phát triển nhà ở của Tổng liên đoàn Lao động lại không đi vào giải pháp căn cơ đó.
Việc thiếu hụt nhà ở cho công nhân có thể coi là một thất bại thị trường. Tuy nhiên việc Nhà nước cần làm là tạo ra cơ chế để sửa chữa thất bại đó, thay vì xóa bỏ và làm thay thị trường. Nhà nước tốt hơn nên thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội bằng những cơ chế khuyến khích để tư nhân thực hiện, thay vì trực tiếp đứng ra cung ứng.
Với cùng một số giải pháp như trong đề án nói trên (hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng và chính quyền địa phương cung cấp mặt bằng dự án, kết nối hạ tầng...), có thể tiến hành đấu thầu công khai các dự án phát triển nhà ở cho công nhân. Các doanh nghiệp có lợi thế về chi phí xây dựng, hiệu quả quản lý, hiểu nhu cầu thị trường có thể tham gia. Điều đó giúp tránh được những thất thoát, lãng phí của khu vực công trong khi khuyến khích được việc áp dụng các công nghệ xây dựng hiệu quả.
Thực tế hiện nay cũng đã có những doanh nghiệp xây dựng tư nhân quan tâm đến phân khúc nhà ở đặc thù này dựa trên lợi thế về chi phí xây dựng. Khó khăn họ gặp phải lớn nhất là mặt bằng và các thủ tục hành chính, cấp phép từ phía cơ quan công quyền. Việc gỡ bỏ các nút thắt này khả thi và hiệu quả hơn, trong khi không tốn kém về vốn ngân sách.
Phạm Văn Đại
(TBKTSG)
- Tăng hệ số điều chỉnh giá đất: nguy cơ giá nhà tăng vọt
- Doanh nghiệp bất động sản đề nghị tháo gỡ 7 điểm nghẽn
- Để không còn dự án treo
- Tiêu chí nhận diện căn hộ xanh
- Bùng phát tranh chấp chung cư
- Bất động sản xanh: Mới chập chững ở giai đoạn đầu
- Thị trường bất động sản phân hóa rõ rệt
- Thị trường nhà ở 2019: Căn hộ trung cấp và bình dân chiếm chủ đạo
- Tìm hiểu kỹ nhà ở xã hội để tránh rắc rối
- Nhà đầu tư “dồn” vốn vào khách sạn