Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ.
Tại hội thảo "Phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam - Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế" diễn ra ngày 23/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định: nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng bức thiết bởi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động. Điển hình tại Tp.HCM và Hà Nội đang bùng nổ nhu cầu nhà ở, trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, do đó nhu cầu nhà ở xã hội càng trở nên bức thiết.
Cơ chế đã có, cần giải pháp căn cơ
"Để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Một trong những mục tiêu chính của Chiến lược là đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở", Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đã triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho nhóm đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách cơ bản hỗ trợ về nhà ở xã hội gồm các chương trình trọng điểm: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn về nhà ở; Chương trình xây dựng cụm; tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung. Riêng chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 84 dự án, quy mô xây dựng khoảng 33.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 135 dự án với quy mô xây dựng khoảng 81.000 căn hộ.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ. Hiện nay còn 72 dự án đang tiếp tục được triển khai với quy mô khoảng 88.000 căn hộ.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho học sinh, sinh viên, đến nay đã có 89/95 dự án nhà ở sinh viên đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng 22.000 sinh viên. Sáu dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng học sinh, sinh viên đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 83%...
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển nhà ở xã hội cả về chính sách và thực tiễn, như Luật Nhà ở 2014 quy định chặt chẽ về nhà ở xã hội, hay Nghị định 100/CP nêu chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện nhà ở xã hội. Trong đó đề cập đến nhiều vấn đề như quy hoạch, đất đai, tài chính, tiêu chuẩn, thuế và đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, các dự án nhà ở thương mại, các dự án đô thị phải dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với dự án dưới 10ha, có thể linh động nộp bằng tiền, quỹ đất, quỹ nhà tương đương với giá trị đó. Đối với những dự án trên 10ha bắt buộc phải xây dựng nhà ở xã hội.
Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế tích cực để thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà ở xã hội như: các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế giá tri gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các chủ đầu tư cũng được tạo mọi điều kiện để tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng và được ngân sách cấp bù khoản lãi suất để cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường.
Ngoài ra, còn được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí ngoài dự án. Trong dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư được dành 20% quỹ đất, quỹ nhà theo hình thức nhà ở thương mại để góp phần bù đắp chi phí...
Vì sao vẫn khó triển khai?
Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định: mặc dù Chính phủ đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhưng lộ trình này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khu vực trung tâm.
Trong khi đó, hệ thống hạ tầng chưa được kết nối giữa khu vực trung tâm và các vùng lân cận. Đây là một khó khăn lớn mà Chính phủ cần có những giải pháp tích cực hơn để phát triển hạ tầng kết nối. Như vậy, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội xa trung tâm mới có thể khả thi.
Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn, mặc dù Nhà nước đã có hỗ trợ về đầu tư công, tuy nhiên việc bố trí chưa kịp thời cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chậm trễ trong công tác triển khai. Nhu cầu cần 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận và đánh giá lại.
Bộ Xây dựng cho biết, việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho nhà ở xã hội tại các đô thị lớn trong thời gian tới đang tập trung vào 6 hướng chính: (1) Nghiên cứu phát triển bền vững nhà ở xã hội. (2) Nghiên cứu giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia vào nhà ở xã hội; (3) Nghiên cứu giải pháp quy hoạch xây dựng hiệu quả; (4) Nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn chất lượng nhà ở xã hội; (5) Nghiên cứu các giải pháp nhà ở dành cho người thu nhập thấp và người lao động tại các khu công nghiệp; (6) Nâng cao vai trò của người dân trong quy trình triển khai, thiết kế nhà ở xã hội.
Phan Nam
(VnEconomy)
- Chủ sở hữu khách sạn JW Marriott Hanoi, nơi Tổng thống Trump lưu trú, là ai?
- Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030: Đảm bảo người dân đều được sở hữu nhà ở
- HoREA kiến nghị về lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
- Thấy gì từ cuộc “viễn chinh” của doanh nghiệp bất động sản Sài Gòn?
- Mua nhà ở xã hội vẫn được vay vốn lãi suất ưu đãi 4,8%
- Kinh doanh bất động sản: Những tình huống phát sinh thuế
- Bất động sản Hà Nội: Gia tăng các dự án cách trung tâm 10 km
- Phân lô đất nông nghiệp trái phép sẽ được chấn chỉnh
- Chuẩn bị kỹ để mua được nhà ở xã hội
- 7 mối lo cho bất động sản Sài Gòn năm 2019