Trong khi khu Đông đang chờ lộ trình quy hoạch thành khu đô thị sáng tạo thì khu Nam đã chuyển mình ấn tượng, sẵn sàng trở thành đại đô thị kiểu mẫu hiện đại, nhộn nhịp.
Hạ tầng ngàn tỷ đồng
Những năm gần đây, TP. HCM liên tục rót vốn đầu tư hạ tầng giao thông lên đến hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp mạng lưới kết nối của khu Nam. Trong đó, hơn 830 tỷ đồng xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vừa được khởi công giai đoạn 1. Công trình sau hoàn thành sẽ thúc đẩy lưu thông thông suốt trên trục Bắc - Nam và khi kết hợp với trục Đông - Tây có thể kết nối toàn thành phố một cách nhanh chóng.
Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là đầu mối giao thông quan trọng kết nối khu Nam với các khu vực khác, tạo sức bật đột phá cho Nhà Bè và các đô thị vệ tinh phía Nam
Đồng thời, TP. HCM cũng không ngừng mở rộng các tuyến đường hiện hữu của khu Nam, cụ thể như phê duyệt chủ trương mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ từ 4 lên 6 - 8 làn xe, xây dựng cầu số 1, cầu số 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm. Trục đường Lê Văn Lương cũng sẽ được mở rộng thêm 15m và khởi công xây dựng cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm. Tuyến Nguyễn Văn Tạo quy hoạch lộ giới 60m, chiều rộng thực tế 16m đã được thành phố giao Ban quản lý khu Nam, UBND huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch mở rộng. Ngoài ra, một tuyến đường song hành với Nguyễn Văn Tạo chạy dài từ đường Nguyễn Bình đến Vành đai 4 cũng đang được xem xét.
Bên cạnh đó, tuyến metro số 4 kết nối từ Quận 12 đi thẳng đến Hiệp Phước - Nhà Bè, dự án cầu Thủ Thiêm 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường xe điện (tramway) số 2… trong tương lai sẽ đẩy nhanh tốc độ hình thành hành lang kinh tế Nam Sài Gòn.
Lợi thế đường thủy
So với các khu vực khác, khu Nam là nơi thuận lợi phát triển loại hình vận tải không chỉ đường bộ mà còn đường thủy và cảng biển. Nơi đây, tập trung bốn cảng lớn của Việt Nam nằm dọc theo sông Soài Rạp gồm cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An. Việc khai thông luồng sông Soài Rạp từ năm 2014 là động thái quan trọng giúp Hiệp Phước trở thành bến cảng tổng hợp thay thế các cảng hiện có trên sông Sài Gòn.
Song hành với các cảng, TP. HCM cũng đang khẩn trương xây dựng Khu đô thị cảng Hiệp Phước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa TP. HCM “tiến ra biển Ðông”. Được kỳ vọng sẽ là đặc khu cảng biển thuộc top lớn nhất Đông Nam Á, siêu dự án này có quy mô đến 3.900ha bao gồm hệ thống cảng - khu công nghiệp - khu đô thị. Trong đó, khu đô thị chiếm gần 1/3 diện tích, đáp ứng nhu cầu sinh sống của 250.000 chuyên gia, người lao động.
Khu đô thị - Cảng Hiệp Phước được kỳ vọng sẽ là đặc khu cảng biển thuộc top lớn nhất Đông Nam Á
Đồng thời, tuyến phà biển TP. HCM - Vũng Tàu đã được khởi công cùng với hệ thống bến bãi, cầu dẫn mới kết hợp với các tuyến phà hiện hữu như phà Bình Khánh, phà Cần Giờ - Cần Giuộc. Điều này sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của khu Nam Sài Gòn.
Khu Nam như đại công trường không ngủ, liên tục bị đánh thức bởi các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm đáp ứng kịp thời tốc độ gia tăng dân số của quá trình đô thị hóa sôi động bậc nhất TP.HCM.
Sức nóng đại đô thị kiểu mẫu
Nhờ sở hữu vị trí chiến lược cùng mạng lưới hạ tầng giao thông liên tục được hoàn thiện, khu Nam ngày càng thu hút nhiều nhà phát triển BĐS quy mô lớn. Trong đó, dẫn đầu cả nước về mức độ an ninh, sự đồng bộ và quy hoạch bài bản phải kể đến khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng. Sự sôi động lan tỏa đến các trục đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh khi các nhà phát triển BĐS quy hoạch bài bản các chuỗi đô thị như Dragon City (Phú Long), Nine South Estates (VinaCapital), Lavila Nam Sài Gòn (Kiến Á),… Sắp tới, siêu đô thị thông minh Zeitgeist (GS E&C) quy mô lên đến 350ha sẽ được triển khai.
Ngoài ra, khu Nam cũng là nơi định hướng phát triển làng đại học với một số trường đã đi vào hoạt động như Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng,… và các trường sắp sửa ra mắt ở khu Nam gồm Đại học Văn Hiến, Đại học Kinh tế, Học viện Kỹ Thuật Mật Mã,…
Với nền tảng hạ tầng, giao thông, xã hội, tiện ích quá vững chắc, bất động sản khu Nam cũng là một trong những khu vực luôn “nóng” trên thị trường. Hiện tại, giá đất đường Nguyễn Hữu Thọ vào khoảng 100 - 120 triệu đồng/m2, tăng 60 - 70% so với năm 2016. Còn trên trục Lê Văn Lương, giá đất vào khoảng 30 - 50 triệu đồng/m2, tăng trung bình 80 - 100% so với giá đất vào cuối năm 2016.
Sức nóng từ bất động sản khu Nam đang lan tỏa mạnh mẽ đến các khu đô thị vệ tinh lân cận
Lan tỏa sức nóng từ khu Nam, các khu đô thị vệ tinh cũng ngày càng được quan tâm và thu hút nhiều nhà đầu tư. Đơn cử như thị trường BĐS Cần Giuộc đang được đánh giá cao về mức sôi động và tiềm năng tăng trưởng. Loại hình đất nền tại đây xoay quanh vùng giá 8 - 9 triệu/m2 vào năm 2016, thì đến cuối năm 2019 đã tăng vọt đến 18 - 25 triệu/m2 tùy từng khu vực, ước tính trong vòng 3 năm, mặt bằng giá điều chỉnh tăng lên gấp đôi.
Anh N.Bình, một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ: “Tháng 10 năm ngoái, tôi quyết định đầu tư lô đất nền sổ đỏ trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo nối dài, cách Nhà Bè chỉ một cây cầu. Thời điểm đó, giá trên dưới 1,3 tỷ đồng mà còn được trả dài trong vòng 24 tháng. Đến tuần trước, có người liên hệ hỏi tôi bán không, sẵn sàng mua lại giá 1,47 tỷ. Nhẩm tính thì đến nay, khả năng sinh lời đâu đó tầm 30%/năm, vượt mong đợi của tôi. Nhưng với tiềm năng phát triển của khu vực này, tôi quyết định giữ lại vì có khi bán đi rồi, chưa chắc tôi mua lại được lô đất đẹp như vậy.”
Vi Anh - Trường Thịnh
(Dân Trí)
- Chỉ 10-12% nhân sự môi giới bất động sản đủ điều kiện hành nghề
- Luật mới tháo gỡ ách tắc cho dự án nhà ở
- Siêu dự án lấn biển Cần Giờ có gây sốt đất?
- Doanh nghiệp xây nhà giá rẻ có thể được vay lãi suất thấp
- Những "điểm trừ" của bất động sản công nghiệp Việt Nam
- Hơn 1,6 triệu tỷ đồng cho vay lĩnh vực bất động sản
- Bất động sản công nghiệp Việt mất tính cạnh tranh nếu cung không sẵn sàng
- Cách các thị trường ngăn người nước ngoài gom nhà đất
- Phát triển nhà ở xã hội vẫn ách tắc
- Khi doanh nghiệp muốn bán một nửa số căn hộ các dự án cao cấp cho nước ngoài