Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Chuyên mục Bất động sản Thực tế và tầm nhìn khu công nghiệp

Thực tế và tầm nhìn khu công nghiệp

Viết email In

Thời gian qua các phương tiện truyền thông nóng lên với chủ đề “bất động sản công nghiệp”, coi đây như một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, đặc biệt về quỹ đất, để thu hút đầu tư. Do vậy, trước việc Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi rà soát quy hoạch tại 24 địa phương, đề xuất Thủ tướng cắt giảm hơn 18.200 héc ta đất khu công nghiệp tại 15 địa phương, đã có không ít ý kiến trái chiều.

 
Các khu công nghiệp đang trở nên có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. (Ảnh: Hùng Lê)

Câu hỏi đặt ra là tình hình thực tế các khu công nghiệp (KCN) hiện nay thế nào và cần có giải pháp gì gắn với tầm nhìn dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hệ thống các KCN nói riêng để xử lý được đúng vấn đề này?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, đã buộc nhiều quốc gia và các tập đoàn đa quốc gia phải tính đến việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Ở Việt Nam, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được Chính phủ lựa chọn là một trong năm “mũi giáp công” để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. FDI hiện đang là nguồn vốn chiếm một vị trí quan trọng trong các KCN và khu kinh tế, nguồn vốn tại đây chiếm tới 60-70% tổng vốn FDI thu hút được của cả nước. Vì vậy mà các KCN đang trở nên có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 374 KCN với tổng diện tích đất được giao là 114.000 héc ta, trong đó 280 KCN với 77.000 héc ta đã đi vào hoạt động, 75 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng... Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 73,7%.

Việt Nam đang hướng tới các dự án có quy mô lớn và công nghệ cao, gắn với các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đào tạo, dịch vụ và các tiện ích liên quan để phục vụ hoạt động sản xuất cho toàn khu... Với định hướng phát triển này, chúng ta cần có diện tích đất đủ lớn, đến vài trăm héc ta. Còn nếu để thu hút đầu tư phát triển các tổ hợp công nghiệp công nghệ cao liên ngành, thì cần đến vài ngàn héc ta đất.

Số liệu nêu trên của Vụ Quản lý các khu công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, còn khoảng 37.000 héc ta đất tại các KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng và chưa được sử dụng. Diện tích 18.200 héc ta mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cắt giảm là thuộc các khu này. Như vậy, diện tích đất KCN chưa được sử dụng là lớn và diện tích đất đề nghị cắt giảm cũng lớn khi chiếm tới gần 50% diện tích đất KCN chưa sử dụng. Nhưng để kết luận con số 37.000 héc ta đất chưa sử dụng có quá nhiều, đến mức phải cắt giảm hay không thì phải xét đến nhu cầu phát triển.

Định hướng thu hút FDI của Việt Nam đang hướng tới các dự án có quy mô lớn và công nghệ cao, gắn với các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đào tạo, dịch vụ và các tiện ích liên quan để phục vụ hoạt động sản xuất cho toàn khu... Với định hướng phát triển này, chúng ta cần có diện tích đất đủ lớn, đến vài trăm héc ta. Còn nếu để thu hút đầu tư phát triển các tổ hợp công nghiệp công nghệ cao liên ngành, thì cần đến vài ngàn héc ta đất. Chẳng hạn như Indonesia, để đón dòng vốn FDI quốc tế chuyển dịch do xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, nước này đang chuẩn bị cả ngàn héc ta đất ở các vị trí thích hợp, xây dựng cơ sở hạ tầng... Để sẵn sàng đón dòng đầu tư này, Việt Nam cũng phải tính đến việc tạo ra các quỹ đất mới đủ lớn.

Trước đề xuất cắt giảm diện tích đất KCN, hiện đang có những ý kiến trái chiều. Vấn đề là từ thực tế và tầm nhìn, cần đưa ra được giải pháp đúng để vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển vừa tránh lãng phí tài nguyên đất đai khi mà ở mỗi góc độ, vị trí, trách nhiệm,... sẽ có góc nhìn khác nhau, khó để có được một sự đồng thuận.

Đã có các cuộc trao đổi bên lề về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương giữa các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế. Trong các cuộc trao đổi đó, không ít ý kiến phê phán việc hay thay đổi, bổ sung quy hoạch phát triển ngành trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của các địa phương. Kết luận cuối cùng tất nhiên là không có, vì cuộc trao đổi không diễn ra ở các sự kiện chính thức, nhưng phần đông thường thừa nhận: trước khi ra quyết định cuối cùng ảnh hưởng đến quy hoạch, cần có khảo sát đánh giá đúng thực trạng cần sửa đổi; cần chỉ ra mặt được - chưa được của quyết định sẽ được ban hành; quyết định ban hành phải đảm bảo đạt được mục tiêu đặt ra đối với đối tượng bị điều chỉnh trong quy hoạch phát triển; có thể phải hy sinh lợi ích trước mắt để đảm bảo mục tiêu lâu dài...

Liên quan đến đề xuất giảm diện tích đất KCN hiện có, nếu theo những ý kiến trên thì có những việc cần làm trước khi ra quyết định như sau:

Trước hết, tiến hành khảo sát đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất, cho thuê đất của các KCN hiện nay theo các tiêu chí: được giao đất năm nào, vì sao đến nay việc xây dựng hạ tầng chưa xong, chưa cho thuê được? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: chiếm giữ đất nhưng không có vốn để triển khai? Vướng vì không giải phóng mặt bằng được? Chưa cho thuê được vì không có nhà đầu tư? Vướng vì thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất...?

Thứ hai, để đảm bảo tính khoa học khi quyết định cắt giảm diện tích đất KCN, cần có đề xuất sử dụng phần diện tích đất cắt giảm vào việc gì để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng này. Cần tính đến sự phức tạp và kéo dài của thủ tục cắt giảm đất và chuyển quyền sử dụng đất cắt giảm cho các nhà đầu tư khác. Đồng thời cũng phải tính đến quyền lợi của nhà đầu tư được giao đất xây dựng cơ sở hạ tầng KCN để cho thuê, nhưng chưa cho thuê được mà nguyên nhân không thuộc trách nhiệm của họ.

Thứ ba, đánh giá việc giảm diện tích đất KCN này có ảnh hưởng đến mục tiêu dành quỹ đất cho phát triển công nghiệp trong cả nước hay địa phương trong dài hạn không? Có cần đặt lợi ích trước mắt sang một bên để xử lý sau, dành thời gian cho các việc cần làm ngay trước mắt để đạt mục tiêu lâu dài không? Nếu không thay đổi mục tiêu sử dụng đất cắt giảm này, mà chỉ để chuyển đổi cho chủ đầu tư mới để có hiệu quả hơn, thì đơn giản hơn vì ai có điều kiện làm tốt, mang lại lợi ích cho đất nước hơn thì nên để cho họ làm. Nhưng cắt giảm để sử dụng vào các mục đích khác, như phát triển bất động sản nhà ở hay du lịch, thì quả là một vấn đề lớn cần cân nhắc kỹ lưỡng.

TS. Phan Hữu Thắng - Đại diện GIBC tại Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...