Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Chuyên mục Bất động sản Hướng đến xanh hóa các khu công nghiệp

Hướng đến xanh hóa các khu công nghiệp

Viết email In

Sau 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam đã lên tới hơn 400 khu, bao phủ 61/63 tỉnh thành (trừ 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa có KCN), đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển xanh, hướng tới mục tiêu cân bằng carbon vào năm 2050, xanh hóa các KCN có ý nghĩa rất quan trọng và còn nhiều việc cần phải làm.


Nhà máy xử lý nước Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Bức thiết nhu cầu chuyển đổi

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT), trong số 414 KCN đã thành lập trên cả nước, có 293 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 46.551ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 74%. Hiện đã có doanh nghiệp của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN của Việt Nam, trong đó 10 đối tác đầu tư lớn nhất (chiếm 91% tổng vốn) là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc), Trung Quốc, Hà Lan, British Virgin Island, Samoa, Malaysia.

Các KCN, khu kinh tế thời gian qua không chỉ thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, mà còn góp phần đáng kể giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, KCN, khu kinh tế đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục.

Đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000ha khu công nghiệp

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các KCN sẽ đạt khoảng 210.930ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000ha KCN, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000ha.

TS Ngô Công Thành (Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam - VIPFA, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ KH-ĐT) nhìn nhận, định hướng phát triển các KCN, khu kinh tế còn một số bất cập như thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn, khá dàn trải theo địa giới hành chính, thiếu tính liên kết ngành và liên kết vùng. “Chất lượng hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết hợp tác trong KCN, khu kinh tế, giữa các KCN với nhau và giữa KCN, khu kinh tế với khu vực bên ngoài còn hạn chế”, TS Ngô Công Thành nhấn mạnh.

Mặt khác, theo TS Thành loại hình phát triển chậm được đổi mới, phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội, môi trường; hiệu quả sử dụng đất, sử dụng lao động chưa cao. Các địa phương và nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN trong nước vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư để lấp đầy chứ chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường và xã hội của dự án đầu tư.

Từ “nâu” đến “xanh”: đường còn xa

Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, khu kinh tế của Bộ KH-ĐT nêu rõ, đến năm 2030 sẽ có từ 40%-50% địa phương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN còn chưa được luật hóa hoặc hướng dẫn cụ thể. Theo các chuyên gia, khái niệm “sạch hơn” dù được hiểu là sẽ có tiêu chuẩn môi trường cao hơn tiêu chuẩn môi trường hiện đang có hiệu lực, nhưng chưa có tiêu chí rõ ràng đi cùng với chế tài kiểm tra và xử phạt hành chính (được ban hành và áp dụng riêng cho doanh nghiệp trong KCN). Cũng chưa rõ những ưu đãi về tiếp cận đất đai, quy hoạch, vốn và khoa học - công nghệ, trách nhiệm các bên trong suốt quá trình xây dựng, vận hành KCN sinh thái nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào loại hình KCN này.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Chu Đức Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty SM Tech Vina Engineering (nhà máy ở KCN Tràng Duệ, Hải Phòng), trăn trở: “Xây dựng KCN sinh thái, KCN tuần hoàn là xu hướng đúng đắn, nhưng thực hiện không dễ chút nào”. đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN thì chi phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn là rất lớn. Theo ước tính, hệ thống xử lý nước thải chiếm khoảng gần 1/3 tổng đầu tư hạ tầng KCN. “Làm sao để đảm bảo được tiêu chuẩn xanh, nhưng doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Còn không thì họ sẽ cứ đổ ra môi trường hoặc chỉ xử lý một phần nhỏ thôi”, ông Tâm thẳng thắn.

Ông Lê Hữu Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế:

Đến nay, tiêu chí KCN tuần hoàn, KCN sinh thái vẫn còn khá mơ hồ. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về quản lý KCN và khu kinh tế nêu khái niệm “KCN tuần hoàn” là phải đảm bảo tiêu chí sạch hơn, có sự tương tác giữa các doanh nghiệp để phế thải của doanh nghiệp này có thể được tận dụng bởi doanh nghiệp khác.

Nhưng điều này cũng rất khó thực hiện vì mỗi doanh nghiệp và cả KCN đều phải tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường của ngành mình, làm khác đi là không ổn. Tôi cho rằng phải quan tâm xây dựng khung khổ pháp lý cho các trường hợp: một là thành lập mới thì xây dựng chế định riêng; hai là chuyển đổi KCN cũ, truyền thống thành KCN sinh thái, tuần hoàn cũng cần có quy định riêng.

TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam:

Tính đến tháng 12/2022, tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới chỉ đạt 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế.

TPHCM sẽ hình thành các khu công nghiệp sinh thái

Hiện nay, TPHCM có 17 khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) được thành lập và đã đi vào hoạt động, diện tích đất cho thuê đạt 1.948/2.539ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy 77%. Các KCN-KCX đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của thành phố.

Theo Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM (Hepza), KCN sinh thái là mô hình tương lai mà các KCN-KCX của thành phố phải từng bước chuyển đổi vì các tập đoàn lớn khi dịch chuyển tới các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, luôn chú trọng đến yếu tố bền vững, trong đó mô hình KCN sinh thái mang tính tiêu biểu. Do đó, theo định hướng, tất cả KCN-KCX hiện hữu tại TPHCM phải có lộ trình từng bước tiệm cận mô hình KCN sinh thái.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý Hepza, cho biết, phát triển bền vững các KCN-KCX là xu thế tất yếu trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Trước bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh, trong khi kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là xu thế, đòi hỏi phải quy hoạch KCN-KCX theo bối cảnh mới, xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút dự án lớn theo định hướng của TPHCM.

Để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, Hepza đang làm việc với các sở, ban ngành, các đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố để xây dựng một kế hoạch tổng thể. Dự kiến bản kế hoạch này sẽ trình UBNDTP vào tháng 12/2024.

Minh Hải

Đồng Nai: Đề nghị 8 KCN báo cáo nâng cấp công trình xử lý nước thải

Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp (KCN) báo cáo về việc xây dựng kế hoạch nâng cấp công trình xử lý nước thải, có nguồn xả thải vào lưu vực sông Thị Vải. Đề nghị các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN có nguồn xả thải vào lưu vực sông Thị Vải rà soát, báo cáo xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Các KCN cần bổ sung hạng mục công trình bảo vệ môi trường nào tương ứng với mức đầu tư và thời gian thực hiện.

Đồng Nai hiện có 8 KCN xả thải vào lưu vực sông Thị Vải đạt chuẩn cột B, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn cột A. Việc nâng cấp công trình xử lý nước thải tập trung tại các KCN sẽ góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

* Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã phê duyệt kinh phí gần 3 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu công nghiệp Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) với diện tích 840,5ha, nằm trên địa phận 2 xã Mỹ An, Mỹ Thọ (Phù Mỹ). Đây là khu công nghiệp mới của Bình Định có tính chất tập trung, đa ngành, ưu tiên lĩnh vực công nghiệp sạch, ít ảnh hưởng môi trường…

Hoàng Bắc - Ngọc Oai

Bảo Vân

(SGGP)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo