Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Bất động sản Tết nghèo của giới đầu tư bất động sản

Tết nghèo của giới đầu tư bất động sản

Viết email In

“Hơn 300 căn hộ dự kiến bán trong năm 2011, nhưng nay mới chỉ bán chưa đầy 1/4. Đây là cái Tết đạm bạc nhất trong nhiều năm nay”.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại Hà Nội trầm tư tâm sự với người viết bên ngoài hành lang của buổi tổng kết công ty ông một ngày cuối năm. Là tổng giám đốc nhưng ông không còn đủ can đảm đọc báo cáo trước hàng trăm nhân viên đang ngồi chật kín cả hội trường. Bản tổng kết được ông giao lại cho một cấp phó. Còn ông, lâu lâu lại bỏ ra ngoài với điếu thuốc trên tay.

 

Đã thấy khó từ đầu năm 

Với lĩnh vực bất động sản, không phải năm 2011 mới là năm các doanh nghiệp cảm nhận được khó khăn. Thực chất, kể từ sau khi chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước năm 2009, lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường nhà đất dù không sụp đổ nhanh chóng như ở Mỹ, song kể từ đó, biểu đồ giá cả lẫn sức mua trên thị trường này đã bắt đầu đi xuống trong sự bất lực của các ông chủ từ Nam chí Bắc.

Nếu so với thời điểm sốt nóng giữa năm 2008, giá bất động sản vào cuối năm 2010 đã giảm khoảng 30%. Sau đó, giá chào bán từ nhà đầu tư cấp một lẫn thứ cấp âm thầm sụt giảm dần, và có thời điểm gần ngang bằng với giá trước thời hoàng kim 2008.

Thị trường trầm lắng, giá cả đi xuống đã kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản lâm cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Trên thực tế, vào thời điểm cuối năm 2010, giới đầu tư bất động sản đã ít nhiều mường tượng ra viễn cảnh của thị trường trong năm 2011 như thế nào. Khi đó, trong các cuộc họp tổng kết năm 2010, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đều nhắn nhủ đồng nghiệp rằng “2011 sẽ là năm đầy thử thách đấy, khó khăn không kém 2010 đâu”. Thực tế sau đó đã diễn ra đúng như dự đoán của những người trong cuộc.

Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Trưởng phòng môi giới, kinh doanh bất động sản Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Quang Minh nói, ngay đầu năm 2011, cả ban lãnh đạo công ty đã hình dung được viễn cảnh thị trường năm vừa qua như thế nào rồi, nên đã cho nghỉ việc gần 20 nhân viên, đóng cửa 3 sàn giao dịch tại Hà Nội và Nam Định.

Còn với ông, dù là nằm trong ban lãnh đạo, nhưng cũng chỉ “trụ” lại với công ty đến hết tháng 6/2011, từ tháng sau đó, ông đã là ông chủ của hai quán cà phê trong khu đô thị Linh Đàm. Giờ đây, việc kinh doanh này mang về cho ông thu nhập không dưới 30 triệu đồng/tháng mà không phải vò đầu bứt tai như hồi còn là trưởng phòng của một công ty bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, hơn một năm về trước đã nói rằng, bất động sản năm 2011 khó mà ngoi lên được. Thực tế sau đó báo cáo về hiệp hội cho thấy, các doanh nghiệp đều than là không thể “cựa quậy” được. Giao dịch trên thị trường gần như án binh bất động. Doanh nghiệp vừa phải chạy đôn chạy đáo để lo bán được hàng, vừa lo thu được tiền về.

Tết Tân Mão 2011, không có nhiều doanh nghiệp bất động sản thành công vang dội, nhưng người ta cũng không phải chứng kiến cảnh nợ nần chồng chất, phá sản... của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nhưng Tết năm nay, mọi chuyện dường như đã khác và xấu đi nhiều.

 

Xa vời thưởng Tết 

Với người lao động, điều mong chờ nhất mỗi dịp Tết đến xuân về chính là các khoản thưởng tết của đơn vị dành cho mình. Chuyện thưởng Tết không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần, chính xác hơn là sự tự hào của từng cá nhân trước hàng trăm, hàng nghìn đồng nghiệp sau một năm lao động.

3 - 4 năm trước, chuyện thưởng hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí tiền tỷ cho nhân viên đối với doanh nghiệp bất động sản được xem là “chuyện vặt”. Trợ lý giám đốc của một doanh nghiệp bất động sản hồi đầu năm 2010 từng chỉ vào chiếc xế hộp mới cáu cạnh và khoe rằng “tiền thưởng tết của em đó”.

Năm nay, từ nhân viên đến lãnh đạo đều ý thức được rằng, rất có thể đây là lần đầu tiên họ phải đón một cái Tết đạm bạc và kém vui nhất trong nghiệp làm ăn của mình. Đã có không ít bi hài xung quanh chuyện thưởng Tết của doanh nghiệp bất động sản năm nay.

Mới đây thôi, trong buổi lễ tổng kết năm 2011 của tập đoàn CT Group, nhằm khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên trong công ty có thành tích làm việc tốt, tập đoàn này quyết định tặng “của nhà làm được” mỗi người một căn hộ trị giá từ 500 triệu đồng đến cao nhất là 8 tỷ đồng/căn.

Nhưng với những doanh nghiệp nhỏ, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các khoản nợ ngày càng chất cao, chuyện thưởng bằng “của nhà làm được” cũng đã khó, thưởng bằng tiền mặt giá trị lớn lại càng là điều không tưởng.

Công ty con của một tổng công ty lớn, vốn có nhiều đối tác, doanh nghiệp làm ăn ở khắp các vùng miền, năm nay đã được một đơn vị ở Lai Châu “gán nợ” cho hơn 200 con lợn mường. Bất đắc dĩ, lãnh đạo doanh nghiệp này đã quyết định nhận và mang về tận Hà Nội, thay cho thưởng Tết đối với toàn bộ nhân viên trong công ty.

Nói về Tết nghèo của giới bất động sản năm nay, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB Lê Tấn Hòa nói, năm 2010 doanh nghiệp này còn thưởng tết 2 - 3 tháng lương nhưng năm nay sụt hơn một nửa. Theo ông, do doanh thu giảm mạnh, thậm chí bị thua lỗ nên thưởng Tết của doanh nghiệp không thể như mọi năm. Tuy nhiên, dù khó đến đâu, doanh nghiệp vẫn chuẩn bị quà tết và tháng lương thứ 13 cho nhân viên. Những người ở xa sẽ được hỗ trợ thêm tiền tàu xe.

Tuy nhiên, để có được những khoản trên, theo ông Hoà, do công nhân thời vụ và nhân viên gián tiếp tại các công trường bị giãn tiến độ tạm nghỉ, hiện chỉ còn một phần ba lượng nhân viên trực tiếp còn làm việc nên doanh nghiệp mới cáng đáng nổi khoản thưởng này.

Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Nam Hà Nội Vũ Quang Thiều chia sẻ, do thị trường gần như tê cứng, đóng băng trong cả năm nên công ty không có một khoản lãi nào đáng kể. Tuy nhiên, để nhân viên khỏi mủi lòng, công ty vẫn đảm bảo thưởng tối thiểu một tháng lương cho nhân viên.

“Ăn Tết nghèo thì chúng tôi đã xác định từ trước rồi, nhưng lo lắng hơn là sau Tết, thị trường đi theo hướng nào. Nếu tiếp tục trầm lắng như năm qua, rất có thể cái Tết tiếp theo sẽ còn khó khăn và túng quẫn hơn nhiều. Không riêng gì chúng tôi, nhiều doanh nghiệp hiện giờ như đang ngồi trên đống lửa, không còn tâm trí đâu mà đón Tết chứ nói gì đến chuyện nghèo với giàu”, ông Thiều nói. 

Từ Nguyên 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo