Quá trình đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tái định cư ở Hà Nội đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hướng đến hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và kỷ cương pháp luật.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 149 nhà chung cư tái định cư đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng nhưng công tác quy hoạch các khu tái định cư chưa đáp ứng được kế hoạch lâu dài của các dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc bố trí, phân bổ các địa điểm tái định cư cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sắp xếp lại dân cư.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận chất lượng nhà tái định cư còn hạn chế về khâu hoàn thiện; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở một số khu tái định cư thực hiện theo phương thức xã hội hóa chậm triển khai nên thiếu nhà trẻ, trường mẫu giáo, khu để xe, chợ dân sinh… cũng tạo nên bức xúc trong dân cư và bất cập cho việc quản lý.
Một vấn đề tồn tại nữa trong công tác quản lý nhà tái định cư là chủ đầu tư chỉ thực hiện nhiệm vụ xây lắp xong, giá bán do thành phố quyết định và bàn giao cho đơn vị khác quản lý, vận hành dẫn đến không rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo chất lượng, phương án thu hồi vốn cũng như trách nhiệm của công ty quản lý nhà và người dân tái định cư.
Cũng theo ông Tuấn, Hà Nội đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc về việc bố trí, cân đối quỹ nhà tái định cư. Hàng năm, các quận, huyện và các chủ đầu tư đăng ký sử dụng quỹ nhà tái định cư rất lớn (khoảng 5.000 căn hộ mỗi năm), nhưng thực tế sử dụng chỉ khoảng 1.000 căn hộ mỗi năm do không hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, một số quận, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng chậm lấy lý do thiếu quỹ nhà tái định cư, tạo áp lực cho Thành phố trong việc bố trí, cân đối quỹ nhà này.
Trên thực tế, các dự án xây dựng nhà tái định cư đều chậm so với tiến độ được phê duyệt; phải điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư do những biến động phức tạp về giá nguyên vật liệu nên không đáp ứng được tiến độ phục vụ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, tại một số dự án trọng điểm, mặc dù đã được bố trí quỹ nhà tái định cư nhưng lại “bỏ hoang,” không đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng xuống cấp do thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, gây lãng phí cũng như khó khăn cho việc quản lý, vận hành.
Thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong đầu tư xây dựng các công trình nhà chung cư tái định cư sử dụng nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn từ xã hội hóa, Thành phố Hà Nội tập trung rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc soạn thảo ban hành mới, đảm bảo đồng bộ, thống nhất các cơ chế chính sách, thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, Thành phố sẽ quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng quỹ nhà này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết: Trước mắt, Thành phố đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển, Sở Tài chính, Sở Xây dựng thực hiện ngay việc bố trí và điều hòa vốn cũng như quỹ nhà, quỹ đất xây dựng nhà chung cư tái định cư; khẩn trương hoàn chỉnh cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư trên địa bàn, báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết định trong quý 4/2012.
Ông Khôi cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng, các nhà thầu thi công xây lắp tham gia các hoạt động xây dựng trên địa bàn Hà Nội tăng cường quản lý nhà nước trong việc quản lý, phân bổ vốn đầu tư, xây dựng và quản lý nhà tái định cư; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị về nhà tái định cư.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 16 khu nhà ở tái định cư mới. Trong đó, 7 khu đã được Thành phố giao chủ đầu tư với diện tích đất khoảng 147ha, tổng nguồn vốn dự kiến để thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 2.881 tỷ đồng; 3 dự án đã giao lập kế hoạch trên tổng diện tích đất 95ha, với tổng nguồn vốn 1.862 tỷ đồng; còn lại 06 khu chưa giao chủ đầu tư với diện tích đất khoảng 177ha.
Đối với 53 dự án nhà ở tái định cư đang triển khai, các chủ đầu tư dự kiến trong năm 2012 sẽ hoàn thành 15 dự án với 1.862 căn hộ; năm 2013 đến năm 2015 tiếp tục hoàn thành 38 dự án với 12.192 căn hộ. Đối với các dự án có nhu cầu sử dụng ngay quỹ nhà táiQuy định cư mà quỹ nhà của Thành phố không cân đối kịp, Thành phố chủ trương sẽ mua lại quỹ nhà ở 30%, 50% hoặc quỹ nhà ở kinh doanh để chuyển sang làm nhà tái định cư phục vụ cho dự án./.
Minh Nghĩa
- 3 “kế” phá băng bất động sản Việt từ chuyên gia ngoại
- Từ "cơn khó" Bất động sản: Cơ hội để tự tái cấu trúc
- “Rừng luật” bất động sản
- Bất động sản du lịch: Nhiều tiềm năng
- Câu chuyện cung - cầu
- Doanh nghiệp ngoại cũng sa lầy địa ốc
- "Phá băng" địa ốc bằng nhà ở xã hội
- Bán phá giá hay vẫn đầu cơ: ứng xử với ẩn số bất động sản
- Bất động sản chưa thể phục hồi
- Giải cứu bất động sản: Mục tiêu cuối cùng là người dân mua, thuê được nhà