Cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam không chỉ là một trong những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) mà còn kích cầu đầu tư cho nền kinh tế.
Nhu cầu thực tế
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ TN&MT, sau 4 năm thực hiện quy định về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, mới chỉ có gần 300 trường hợp cá nhân người nước ngoài (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài) mua nhà tại Việt Nam được đăng ký và chấp thuận chính thức từ các cơ quan quản lý.
Trong khi đó tính từ thời điểm ban hành quyết định, có khoảng 80 nghìn người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, họ cần thuê khoảng 1 triệu m2 nhà ở, riêng tại TP.HCM thuê khoảng 4 nghìn căn hộ, Hà Nội khoảng 1.300 căn hộ.
Trước con số khiêm tốn trên, các chuyên gia BĐS cũng cho rằng cần xem xét để mở rộng đối tượng và tạo hành lang pháp lý, thủ tục thông thoáng hơn cho người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ tại Việt Nam, bởi thực tế rất nhiều bà con Việt kiều vẫn phải "nhờ" đứng tên căn hộ của mình...Việc này sẽ là một đòn bẩy hữu hiệu giúp cho thị trường BĐS phát triển.
Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Chủ trương tiếp tục cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam là đúng. Việc này sẽ có tác dụng tốt đối với thị trường bất động sản, tiếp cận các chuẩn mực của kinh tế thị trường trong lĩnh vực này".
Theo ông Kiêm, thay vì tiếp tục ban hành một chủ trương thí điểm dưới hình thức nghị quyết của Quốc hội, đã đến lúc nên sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan để luật hóa việc người nước ngoài được mua nhà để ở tại Việt Nam, nâng tầm tính pháp lý của vấn đề nhằm tạo ra sự ổn định và yên tâm cho đối tượng mua nhà.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu nhận định, Chính phủ nên xem xét cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam nhằm cải thiện sức mua và tăng thanh khoản cho thị trường địa ốc trong nước.
Ông Châu phân tích, hiện nay hàng tồn kho bất động sản tại hai đô thị lớn nhất Việt Nam (TP HCM và Hà Nội) chủ yếu rơi vào phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang. Những loại sản phẩm này đang có giao dịch trầm lắng, rất kén khách vì giá trị quá lớn so với thu nhập trung bình của người Việt. "Vì vậy, thí điểm cho người nước ngoài mua căn hộ hạng sang có thể xem là phương án giải phóng hàng tồn cho phân khúc này", ông nói.
Đồng quan điểm, bà Tô Nguyệt Minh, đại diện một đơn vị tư vấn BĐS cũng cho rằng, chính sách cho người nước ngoài mua nhà sẽ tác dụng tốt trong việc tăng cầu cho thị trường BĐS. Việc "tháo ngòi" cho thị trường không chỉ mở thêm cơ hội cho ngoại kiều tham gia vào thị trường bất động sản, khơi thông nguồn vốn từ bên ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam mà còn kích cầu đầu tư cho nền kinh tế, có tác động tích cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Giúp kích thích làn sóng mua các BĐS cao cấp. Sau đó, thị trường có thể trở nên ấm lên với nhiều người dân địa phương mua các BĐS thấp và trung cấp.
Theo bà Minh, việc thực hiện cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế đất nước, phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài yên tâm làm việc tại Việt Nam.
Một trong những điểm quan trọng bà Minh cho rằng tác động từ chính sách cho người nước ngoài mua nhà là phá vỡ tâm lý chờ đợi của thị trường BĐS hiện nay. Nhiều người mua vẫn còn đang chờ đợi giá xuống thấp hơn nữa. Khi một số giao dịch mua bán được tiến hành, tâm lý của người dân sẽ thay đổi theo hướng cho rằng nếu bây giờ họ không mua thì có thể bỏ lỡ một cơ hội tốt để sở hữu tài sản.
"Người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm ăn thường có nhu cầu nhà ở thường vừa kết hợp làm văn phòng, vừa chỗ ở, thuận tiện giao thông, an ninh, môi trường tốt. Các chung cư cao cấp cũng không thể kết hợp được nhà ở và văn phòng, đáp ứng những yêu cầu đó phải là nhà biệt thự trong khi đó người nước ngoài chưa được phép mua loại nhà này, chính vì vậy phương án đi thuê vẫn được họ lựa chọn", bà Minh cho biết.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, nhấn mạnh, đây là một bước khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài về việc Việt Nam ngày càng rộng mở đối với các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho họ có nơi ở ổn định. Về lâu dài, theo ông Võ, cùng với tác động của việc Việt Nam là thành viên của WTO, đề án cho người nước ngoài mua nhà sẽ khiến thị trường sôi động hơn rõ rệt.
Đảm bảo khung pháp lý
Nhiều chuyên gia BĐS nhận định ngoài việc cho người nước ngoài mua nhà để ở, cũng cần xem xét cho họ được bán hoặc cho thuê nhà lại bởi điều này hoàn toàn hợp lý. Quy định này có thể giúp kích thích nhu cầu mua các BĐS cao cấp, một trong những phân khúc tồn kho lớn nhất hiện nay. "Chúng ta không nên quá lo lắng về việc người nước ngoài sở hữu BĐS, bởi họ không thể mang căn nhà về nước được", một chuyên gia nói.
Một chủ đầu tư Hàn Quốc ở Hà Đông cho rằng, để kích thích người nước ngoài mua nhà, cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ hơn nữa. Bởi thông thường việc cấp sổ hồng tại VN mất khoảng 2 năm, trong khi có nhiều trường hợp người nước ngoài về nước sớm hơn thời gian này đã khiến họ phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định có nên mua nhà hay không.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị, cần nới rộng cửa để họ mua nhà dễ dàng hơn. Theo quy định hiện hành, người nước ngoài đang làm việc, hoạt động tại Việt Nam được phép sở hữu một căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại thời hạn tối đa 50 năm với điều kiện "phải có thẻ thường trú, thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên...". Các quy định này đã làm hạn chế số người nước ngoài đủ điều kiện mua căn hộ.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, số người nước ngoài mua được nhà trong 5 năm qua rất ít. Theo ông Nam, về quy định đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà dự kiến sẽ được quy định lại trong năm nay không chỉ giới hạn người nước ngoài đang làm việc sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mà nên mở rộng ra với người có nhu cầu và hướng họ vào phân khúc nhà giá cao. Trong năm 2013 bộ Xây dựng sẽ rà soát các văn bản luật để tạo cho thị trường nhà ở phát triển mạnh mẽ hơn. Đối với quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng sẽ được tạo điều kiện dễ hơn...
Đại diện CBRE Vietnam nhận định, việc cho phép người nước ngoài mua nhà là một động thái tốt. Nếu giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc hiện nay trong chính sách sẽ kích thích người nước ngoài mua nhà.
Duy Anh (VEF)
- Sức mạnh chinh phạt của gia tộc quyền lực sở hữu tập đoàn khách sạn Hyatt
- Nhà ở xã hội: Không chỉ là chuyện lãi suất
- Tranh cãi quanh giải pháp mới tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản
- Bất động sản đóng băng: Cứ mạnh dạn đưa "cóc" cho "Tây" nuốt!
- Bộ trưởng Xây dựng trả lời về "Các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản"
- Bất động sản thách thức triển vọng phát triển
- Chia nhỏ căn hộ có thể gây sức ép lớn tới các đô thị
- Thư gửi Hiệp hội Bất động sản (của Alan Phan)
- Tương lai của gói 30 nghìn tỷ đồng cho địa ốc?
- Nhà tồn kho khó “gắn” nhà ở xã hội