Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Chuyên mục Bất động sản Công bố lãi suất vay gói 30.000 tỷ "gỡ" bất động sản

Công bố lãi suất vay gói 30.000 tỷ "gỡ" bất động sản

Viết email In

Lãi suất cho vay của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được áp 6% trong năm 2013. Từ các năm sau, lãi suất này sẽ bằng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6% mỗi năm. 

Đó là nội dung lễ ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ngày 15/5 tại Hà Nội theo tinh thần Thông tư số 11/2013/NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 15/5.  


 

Lãi suất ưu đãi 6% trong 10 năm 

Theo đó, 5 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank và MHB sẽ cho vay khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m². 

Thông tư cũng quy định, trong gói hỗ trợ này, các ngân hàng sẽ dành khoảng 30% để cho vay đối với các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội.  

Như vậy, so với dự thảo ban đầu, đối tượng được vay vốn từ gói tín dụng này đã được mở rộng, cụ thể là người mua nhà ở xã hội cũng được vay vốn ưu đãi (trước đây chỉ có người thuê, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi). Điểm chỉnh sửa này được Ngân hàng Nhà nước tiếp thu sau khi có chỉ đạo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua. 

Mức lãi suất áp dụng trong năm 2013 là 6%/năm. Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, nhưng không vượt quá 6%/năm. Thời hạn cho vay đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở tối thiểu là 10 năm và tối đa 5 năm đối với doanh nghiệp. Thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 năm đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở; và tối đa 5 năm đối với doanh nghiệp, nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2023. 

Như vậy, người vay từ gói tín dụng này sẽ được hưởng lãi suất không quá 6%/năm trong ít nhất 10 năm. Thời điểm Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/6/2013 tới đây. 
 

Có thể tăng gói hỗ trợ 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, với quy mô 30.000 tỷ đồng, bằng 15% dư nợ cho vay bất động sản (khoảng 200.000 tỷ đồng), gói tín dụng hỗ trợ nhà ở sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, tạo được tác động tích cực tới thị trường bất động sản trong thời gian tới, gián tiếp hỗ trợ ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, góp phần xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. 

Theo ông Nam, trong thời gian qua Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều văn bản đăng ký nguồn vốn này từ các tỉnh thành trên cả nước, chứng tỏ chủ trương của Chính phủ về việc triển khai thực hiện của 2 Bộ đã đáp ứng trúng mong mỏi yêu cầu của chính doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành và người dân.

Một số chuyên gia hy vọng, từ phân khúc nhà ở xã hội này sẽ là động lực có tác động lan tỏa sang các phân khúc khác trong thị trường bất động sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn hàng tồn kho cho không những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mà cả doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo nguồn thu, tháo gỡ được các vấn đề của nền kinh tế.

Là người trực tiếp làm và xây dựng nội dung Thông tư 11, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước cho biết, một điểm khác biệt ở Thông tư này là người mua nhà có thể thế chấp bằng chính căn nhà mình định mua. Còn trong quy chế cho vay hiện tại có thể áp dụng tài sản đảm bảo, cho vay tín chấp, Ngân hàng Nhà nước cho phép tùy khả năng, uy tín của khách hàng.

"Ngoài ra, để tránh việc lợi dụng chính sách để đầu cơ, mỗi gia đình chỉ được mua và hỗ trợ một lần duy nhất. Việc này Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã giao cho các địa phương khi xác nhận đơn xin vay của người có nhu cầu và các đơn vị chỉ được xác nhận một lần. Nếu các cơ quan phát hiện có sự lách luật lập tức sẽ bị thu hồi lại," ông Mạnh khẳng định.

Ông Mạnh cho biết thêm, nếu gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng này được hấp thụ nhanh, thực sự có hiệu quả đối với nền kinh tế thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối giữa chính sách tiền tệ lạm phát và khả năng của hệ thống ngân hàng, rồi sẽ có đề xuất cụ thể.

Ông Mạnh nhấn mạnh, đây không phải là gói để "giải cứu" bất động sản mà để nhằm vào đối tượng có nhu cầu thực sự là những đối tượng thu nhập thấp, trung bình trong xã hội. Theo đó, gói tín dụng mang ý nghĩa xã hội và mang tính an sinh xã hội đồng thời đằng sau nó có tính lan tỏa, hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Ông Nam đề nghị các cơ quan chức năng, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước kịp thời hướng dẫn đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai nhanh gói này góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, người dân trong việc triển khai, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, kết hợp chiến lược phát triển nhà ở.

Cả lãnh đạo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định, trước mắt quan điểm của hai bên là tập trung triển khai tốt cho vay đúng địa chỉ, nhanh và thuận tiện cho các đối tượng được vay là doanh nghiệp và những người có khó khăn về nhà ở. Trong quá trình thực hiện sẽ theo dõi đánh giá và tổng kết, trên cơ sở hiệu quả của gói 30 nghìn tỷ này thì Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng sẽ cùng nhau tính toán, đồng thời căn cứ vào khả năng của ngân sách, vốn và nhu cầu của thị trường. Song, không ngoại trừ có thể tăng sẽ thêm nguồn cho gói hỗ trợ./.

Minh Thúy (Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo