Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Kiến trúc Khu Borneo - Sporenburg & nhà ống Hà Lan

Khu Borneo - Sporenburg & nhà ống Hà Lan

Viết email In

Lần đầu tiên đến Hà Lan điều làm tôi ngạc nhiên là kiến trúc ở nơi đây. Cũng như Việt Nam, phần nhiều các công trình nhà ở đều có dạng hình ống. Người Hà Lan có truyền thống ở nhà ống và cũng có khái niệm về từ “ống” để miêu tả các ngôi nhà này. Điều đó gây rất nhiều sự tò mò cho tôi vì trước đó tôi cứ nghĩ chỉ ở Việt Nam mới có văn hoá cho kiểu kiến trúc này.


Một đoạn phố trong khu vực Borneo-Sporenburg. Mọi nhà tuân thủ chiều cao và ranh giới xây dựng quy định.

Kiến trúc truyền thống

Ở Hà Lan cách xây dựng các ngôi nhà không giống như những nơi khác. Không phải các kiến trúc sư muốn thiết kế khác biệt mà đó là sự cần thiết. Trong nhiều thế kỷ người Hà Lan luôn phải chống chọi với những cơn bão và biển cả. Các nước khác có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng ở Hà Lan để tạo được đất đai thì đó cũng là sự giàu có rồi. Muốn có được đất đai thì người Hà Lan đã phải sử dụng các giải pháp kỹ thuật rất khó và phức tạp: xây dựng các con đê, đào các kênh đào và tạo các mạng lưới thoát nước ở dưới mực nước biển. Họ phải làm việc rất nhiều trong ngành hàng hải, nghề đánh cá và cả trong thương mại để tạo dựng được các kinh nghiệm. Đó là kết quả của một dân tộc dám nghĩ dám làm và đầy nghị lực mà ở đó người dân chỉ trông chờ duy nhất ở khả năng vốn có của họ.

Trong cuốn sách The Making of Moderne Holland, tác giả A.J.Barnouw đã viết “Người Hà Lan theo bản chất mang nặng chủ nghĩa cá nhân, nhưng chủ nghĩa này không thể đem lại được giá trị cho sự giải phóng công dân… Người Hà Lan, bởi một số lý do, về thể chất, kinh tế hay chính trị đã kết hợp định mệnh cá thể của mình cho một sự thống nhất chung. Họ đã học được một kinh nghiệm đắt giá rằng sức mạnh của họ chỉ có thể tìm thấy trong sự hợp tác, và sự hợp tác này chỉ có thể thực hiện được nếu tất cả mọi người phải chấp nhận giới hạn sự tự do cá nhân cho một tuân thủ công cộng của những quy tắc mà chính họ đã đề ra”.

  • Ảnh bên : Chi tiết cấu tạo nhà truyền thống Hà Lan

Rất nhiều thành phố của Hà Lan được xây dựng trên những thửa đất lấn ra biển. Để có đất xây dựng, đầu tiên phải đào các kênh đào và sử dụng chính đất đào được để xây dựng các con đê chắn xung quanh thửa đất. Sau đó người ta mang cát từ rất xa để lấp đầy thửa đất này. Việc xây dựng một ngôi nhà cũng khó nhọc tương tự, những chiếc cọc được đóng xuống đất dưới mực nước để đảm bảo cho móng được chắc chắn. Sau đó phải tìm cách xử trí giữ một mực nước ổn định để cho những chiếc cọc này không bị mục và cản trở ngôi nhà bị lún. Thiết chế chung đầu tiên được thành lập sau nhiều thời gian tranh cãi là “Ban quản lý nước”, nơi có nhiệm vụ giữ mực nước của kênh đào và cống thoát ở một mức nhất định.

Ta thường thấy ở một số thành phố cổ của Hà Lan, một kênh đào được kè bằng đá với hai khu nhà ở hai bên. Các ngôi nhà ở mỗi khu xây sát liền nhau và được phân cách kênh đào bởi các con phố lát gạch bằng đá. Mặt tiền hướng về kênh đào, mặt sau quay ra khu vườn phía trong. Vì các nhà kề liền nhau nên chung các tường bên và cũng là tường chịu lực chính. Tường của mặt tiền chỉ chịu riêng tải trọng của nó mà thôi. Vì thế, các cửa sổ ở mặt tiền được mở rộng để lấy ánh sáng vào tận bên trong. Chính những cửa sổ này đã mang lại tính cách riêng cho kiến trúc Hà Lan.

Kiến trúc đương đại

Nối tiếp truyền thống sáng tạo vốn có, các kiến trúc sư đương đại Hà Lan đã đóng góp cho nền kiến trúc thế giới nhiều tác phẩm quan trọng. Đó cũng là nhờ tinh thần của một đất nước rất cởi mở và dám thực hiện những ý tưởng táo bạo, cái mà không dễ dàng ở một số các nước châu Âu khác. Thành phố Rotterdam là nơi mà kiến trúc được thử nghiệm nhiều nhất với kiến trúc sư nổi tiếng Rem Koolhaas, người đã tìm ra được tiếng nói riêng cho nền kiến trúc hiện đại Hà Lan. Ông là người đã có nhiều ảnh hưởng tới toàn bộ giới kiến trúc sư trẻ nước nhà.

Khu nhà Borneo-Sporenburg


Toàn cảnh khu vực Borneo-Sporenburg. Nhà tập thể cao tầng làm điểm nhấn trong khu vực.

Khu nhà Borneo-Sporenburg nằm trên hai bán đảo phía tây của hải cảng thành phố Amsterdam. Trước kia, đây là những bến cảng phục vụ cho thương mại nay được quy hoạch cho nhà ở. Văn phòng quy hoạch West 8 của Hà Lan được chọn thiết kế cho khu vực này và đã tính toán cho 2500 căn hộ, bao gồm nhà tập thể và nhà tư nhân. Các nhà tư nhân chỉ có chiều cao bốn tầng, nhưng ngược lại, nhà tập thể rất cao để làm điểm nhấn trong khu vực. Những căn hộ trong khu nhà tập thể được dành cho những gia đình có thu nhập trung bình và lẫn lộn các lứa tuổi khác nhau, còn nhà tư nhân dành cho người sống độc thân hay những đôi vợ chồng chưa hoặc không có con. Đây là ví dụ điển hình cho việc thiết kế đô thị có mật độ dân cư cao với sự hoà trộn của lối sống nhà tập thể và nhà tư nhân.

Văn phòng West 8 đã thiết kế dựa trên nhà ở truyền thống của Hà Lan, nhà ống và mặt tiền nhìn ra kênh đào. Có một điểm đáng để bàn luận vì lý do an toàn nên xe ôtô được để trong nhà chứ không ở ngoài như thường lệ. Với việc để xe trước cửa đã tạo ra một không gian nửa tư nửa chung. Chính nhờ những không gian này đã tạo nhịp cầu nối hàng xóm với nhau.

Ngoài ra, có một số quy định rất chặt chẽ được đưa ra từ bản thiết kế quy hoạch như đường đi trong khu vực, nơi để xe cho nhà tập thể, không gian tư hữu mở, chiều cao và chiều rộng nhà cũng như vật liệu xây dựng. Điều đặc biệt khác là tất cả các nhà phải được thiết kế bởi các kiến trúc sư khác nhau để tránh đi sự lặp lại đơn điệu của dãy nhà dài.


Phòng khách, phòng làm việc, garage và bếp. Sự thể hiện các phần tử kiến trúc thông qua khối, vật liệu cũng như màu sắc.
    

Phòng ngủ ở tầng trên cùng. Với tường ngăn hoàn toàn bằng kính, không gian được mở rộng ra gấp đôi.

Nhà số 12 và 18

Nhà số 12 và 18 trong khu nhà Borneo-Sporenburg được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc của Hà Lan MVRDV, rất nổi tiếng với những công trình thiết kế nhà tập thể dành cho người có thu nhập thấp. Thiết kế quy hoạch đưa ra mô hình nhà ở truyền thống, nhưng thiết kế kiến trúc thì hoàn toàn hiện đại. Cũng như các trường hợp nhà ống thường gặp, hai ngôi nhà ống này có các tường bên được quy định về kích thước trước. Một điều luật nữa là nhà không được xây hết đất mà phải có các khoảng sân trời chiếm từ 30% – 50% diện tích đất. Với những quy định như vậy, văn phòng MVRDV có ý tưởng nghiên cứu hình khối cho hai ngôi nhà hướng vào bên trong chứ không phải ở bên ngoài như thiết kế các ngôi biệt thự có đất. Ta cũng có thể hiểu đây là một dạng thiết kế kiến trúc nội thất với chủ đề “khối trong không gian”. Các không gian được tạo nên bởi sự liên hệ của khối đặc và khối rỗng.

Ngoài ra, hai công trình có nhiều sự tìm tòi về phần tử kiến trúc và vật liệu xây dựng. 


Mô hình nghiên cứu khối của nhà số 12 - phương tiện nghiên cứu kiến trúc hàng đầu của văn phòng MVRDV. 


Mặt tiền nhìn ra kênh đào của nhà số 18. Khối chứa phòng ngủ là phần liên hệ giữa trong và ngoài.  Mô hình chỉ rõ các không gian chức năng nằm trong khối, giữa các khối, bên trên và bên dưới các khối. Vì chiều rộng luôn cố định nên sự tìm kiếm không gian được phát triển theo chiều cao.


Mặt tiền nhìn ra phố của nhà số 12. Sự biểu cảm hướng nội (ảnh trái) / Mặt tiền nhìn ra kênh đào của nhà số 12. Sự bố trí không gian trong nhà được biểu lộ ra ngoài mặt tiền, ngôi nhà được chia làm hai phần rõ rệt (ảnh phải)

Nhà số 12 có chiều rộng 5m và chiều sâu 16m. Các khoảng sân được lấy phía trước, sau và giữa nhà. Cách bố trí sân đã tạo cho ngôi nhà mang tính hướng nội nhiều. Ngôi nhà được chia làm đôi theo chiều dọc. Một nửa được sử dụng hết diện tích với tầng một dành cho bếp và buồng ăn, tầng hai là không gian làm việc, tầng ba là buồng khách và tầng bốn là buồng ngủ. Một nửa kia của ngôi nhà được tổ hợp bởi hai khối treo trong không gian và các khoảng sân xung quanh chúng. Hai khối này mang những chức năng bổ trợ cho nửa kia của ngôi nhà. Như phòng đọc sách cho không gian làm việc, phòng tắm cũng như sân thượng cho buồng ngủ.


Như các nhà ống ở phố, hai bức tường bên có kích thước cố định. Giải pháp giữa các khối được sắp đặt trong khoảng không đó.

Còn nhà số 18 có chiều rộng 4,2m và cùng chiều sâu 16m. Hai khối chính được sử dụng vật liệu riêng biệt chứa nhà để xe và bếp ở tầng một, buồng ngủ cùng buồng tắm ở tầng ba. Hai khối này đan xen nhau tạo nên không gian phát triển theo chiều đứng của buồng ăn ở tầng một và buồng khách ở tầng hai. Sự linh hoạt ở đây là các công năng được tạo ra bởi các không gian trong các khối, giữa các khối, cũng như bên trên và bên dưới các khối. Khác với nhà số 12, khoảng sân ở đây chỉ được lấy ở một phía, tức là mặt tiền phía kênh đào được xây lùi vào bên trong. Cũng nhờ vậy mà ánh sáng có thể chuyền vào sâu trong nhà và chính không gian này đã tạo nhịp cầu nối giữa trong và ngoài. Do đó, ngôi nhà mang tính hướng ngoại nhiều hơn.

Ngoài ra, mặt tiền của hai ngôi nhà được tổ hợp bởi các hình học đơn giản nhưng thể hiện đầy đủ bản chất hướng nội và hướng ngoại của từng nhà. Chúng mang những nét riêng biệt để phân biệt với các nhà xung quanh.


Một đoạn phố hướng ra kênh đào trong khu vực Borneo-Sporenburg. Sự đa dạng của tổ hợp mặt tiền.

Khu nhà Borneo-Sporenburg là một bài học quan trọng về cách quản lý và thiết kế đô thị. Trông vào đô thị một nước, ta có thể biết được sự phát triển xã hội cũng như tập tục sinh hoạt của đất nước đó. Nhìn vào mặt tiền của dãy nhà ở trong khu vực này ta thấy được sự thành công của các kiến trúc sư Hà Lan đã tạo ra được một vẻ đẹp mỹ thuật hoàn thiện khi kết hợp những nguyên lý chung cho những sự đột phá riêng lẻ. Nhưng ở đằng sau cái hiện thực đó đã toát lên tinh thần của một dân tộc luôn biết hy sinh cho một lợi ích chung, nhưng cũng không vì thế mà đánh mất đi bản sắc cá thể của mình.

Vũ Hoàng Sơn - Giảng viên khoa kiến trúc-nội thất, Đại hoc mỹ thuật và thiết kế Geneva, Thuỵ Sỹ
Ảnh: Phạm Quang Ngọc, Hisao Suzuki 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo