Ashui.com

Wednesday
Dec 04th

Tối giản

Viết email In

Tối giản – có thể hiểu là đi đến tận cùng của sự đơn giản, đơn giản hết mức có thể. Phong cách này cũng là một chủ nghĩa – trường phái kiến trúc có ảnh hưởng và lan toả mạnh trên thế giới. Cho đến nay phong cách tối giản vẫn không hề bị lạc hậu và thậm chí tiếp tục phát triển, có nhiều tác động qua lại với cuộc sống hiện đại thời công nghiệp, khi mà công nghệ số và internet phủ sóng toàn cầu.   

Phong cách tối giản và kiến trúc tối giản 


Ngoại thất và nội thất công trình Farnsworth House – KTS Ludwig Mies van der Rohe.

Phong cách tối giản (còn gọi là phong cách tối thiểu – Minimalism) xuất phát từ phương Tây sau thế chiến thứ hai, vào khoảng những năm 1950, phát triển mạnh mẽ trong thập niên 70, 80 của thế kỷ 20. Phong cách tối giản có ảnh hưởng rộng lớn ở khắp các bộ môn nghệ thuật, các ngành thiết kế – sáng tạo. Phong cách tối giản có mặt trong hội hoạ, âm nhạc, nhiếp ảnh, đồ hoạ, tạo dáng công nghiệp, thời trang,… và tất nhiên trong cả kiến trúc – khi mà kiến trúc vẫn gần gũi với những bộ môn nghệ thuật kinh điển. Phong cách tối giản khởi nguồn từ sự cô đọng, thuần khiết của chủ nghĩa Hiện đại, kết hợp với chủ nghĩa hậu Hiện đại và được coi là một sự phản ứng – đối ngược với chủ nghĩa Biểu hiện trong nội dung tư tưởng cũng như hình thức, bố cục của tác phẩm.  

Kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969), một trong những bậc thầy của kiến trúc hiện đại thế giới, được coi là cha đẻ của phong cách kiến trúc tối giản. Quan điểm của ông thể hiện ở câu châm ngôn nổi tiếng (và cũng tối giản): “Less is more” (Ít là nhiều). Sau thế chiến thứ nhất với sự sụp đổ của các đế chế vương quyền châu Âu, kiến trúc cổ điển – vốn đã bị phê bình mạnh mẽ từ giữa thế kỷ 19, ngày càng trở nên không hợp thời. Trong bối cảnh đó, cùng với sự bùng nổ của nền sản xuất công nghiệp; Mies van der Rohe đã trở thành một đại diện tiên phong trong quá trình tìm kiếm những phong cách mới cho nghệ thuật kiến trúc với tư duy mới về kỹ thuật và công nghệ.  

Những công trình trong thời gian này của Mies van der Rohe đã đặt nền móng cho phong cách kiến trúc tối giản với những quan điểm mới về việc tổ chức không gian kiến trúc, với kết cấu – vật liệu mới là thép và kính. Sau những biến động của chính trị, thời cuộc ở châu Âu, ông chuyển sang sinh sống và làm việc tại Mỹ vào năm 1937 (và nhập quốc tịch Mỹ vào năm 1944), tiếp tục theo đuổi trường phái kiến trúc của mình. Kiến trúc của Mies van der Rohe là những không gian trong sạch, đơn giản, tinh tế, trật tự; là những đường thẳng, những mặt phẳng, những góc vuông… bộc lộ rõ cấu trúc của hệ thống kết cấu. Có lẽ một xã hội tự do như nước Mỹ là môi trường thuận lợi, có những ảnh hưởng tới Mies van der Rohe cho việc bộc lộ tư tưởng và thể hiện sáng tạo.  

  
Ảnh trái: Nội thất công trình Azuma House – KTS Tadao Ando
Ảnh phải: Ánh sáng là một thành phần nội thất - công trình Koshino House – KTS Tadao Ando 

Ở phương Đông, Nhật Bản được coi là bậc thầy của phong cách tối giản trong kiến trúc. Phong cách này hiện diện trong phần lớn kiến trúc Nhật Bản, từ kiến trúc hiện đại cho tới những công trình mang âm hưởng truyền thống. Tính tối giản thể hiện nhất quán từ hình thức kiến trúc cho tới nội thất công trình, kết hợp nhuần nhuyễn giữa một khuynh hướng hiện đại với những giá trị văn hoá - tinh thần truyền thống của Nhật Bản. Nhiều kiến trúc sư Nhật Bản thành công và ghi đậm dấu ấn với phong cách tối giản, chủ nghĩa tối giản trong kiến trúc; mà tiêu biểu là kiến trúc sư Tadao Ando. Những công trình của Tadao Ando thực sự là những tác phẩm nghệ thuật của không gian và ánh sáng, của sự giao hoà của kiến trúc và thiên nhiên, mang một cá tính đặc sắc và đầy sáng tạo!  

Những đặc điểm cơ bản 

Tối giản là một phong cách, khuynh hướng chung, nhưng trong mỗi bộ môn nghệ thuật, loại hình sáng tạo khác nhau lại có những đặc điểm nhận dạng khác nhau. Trong kiến trúc, phong cách tối giản cũng thể hiện những đặc điểm nổi bật. Cho dù sự sáng tạo của mỗi kiến trúc sư, mỗi vùng miền địa lý có những đặc thù văn hoá riêng, mỗi thời kỳ… có khác nhau thì tất cả vẫn có một “mẫu số chung” của kiến trúc tối giản. 

- Ít là nhiều (Less is more): Đó là sự khởi nguồn, tư tưởng, triết lý, là nguyên tắc chủ đạo mà kiến trúc sư Mies van der Rohe đã đề ra. Đối ngược lại với trường phái cổ điển và nhiều trường phái khác làm đầy, làm đẹp, làm hoàn thiện kiến trúc bằng những chi tiết, bằng trang trí nội thất; kiến trúc tối giản tự hoàn thiện bằng những gì ít nhất có thể – đó chính là nhiều. Ít nhất, cũng là hướng tới sự hoàn mỹ và thành công. Từ xuất phát đó, thì “hạn chế” là một trong những nguyên tắc – biểu hiện cụ thể của kiến trúc tối giản. Tất cả những gì không cần thiết được coi là thừa thãi và được loại bỏ, từ đường nét, hình khối kiến trúc cho đến các trang trí nội thất. Bản thân những đồ đạc nội thất có ý nghĩa công năng cũng được hạn chế tối thiểu, là một thành phần cấu thành yếu tố trang trí, và được coi như những tác phẩm điêu khắc – tất nhiên với hình thức, chi tiết cũng tối giản nhưng tinh tế. Màu sắc nội thất cũng được hạn chế, thường không quá ba màu với một màu nền, một màu chủ đạo, một màu nhấn; mà màu nền là màu của những bức tường. Đây là đặc điểm nhận dạng dễ nhất.  


Một không gian nội thất theo phong cách tối giản, thể hiện trong màu sắc và chi tiết.

- Hướng tới giá trị của không gian: Bản chất của kiến trúc là không gian. Kiến trúc tối giản hướng tới giá trị đó và tạo lập không gian chặt chẽ, khúc chiết, cô đọng, thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng. Sự đơn giản của hình thức tổng thể, chi tiết kiến trúc, sự tiết chế trong sử dụng vật liệu, màu sắc… nhằm đem lại tính tập trung vào không gian và đưa không gian thành nội dung chủ đạo của công trình. Không gian của kiến trúc tối giản có tính cân bằng, tĩnh tại, thuần khiết, được tạo nên bởi những mảng tường, mảng trần phẳng, đồng nhất, những đường thẳng, những hình khối đơn giản và những khoảng trống lớn. Việc loại bỏ, hạn chế các chi tiết, màu sắc, những thứ không cần thiết nhằm hướng sự tập trung cho không gian kiến trúc. Chính không gian tạo nên xúc cảm chứ không phải bởi những chi tiết trang trí, đồ đạc hay điều gì khác.  

- Hướng tới bản chất và bản ngã: Về mặt hình thức thuần tuý, có thể nhận thấy kiến trúc tối giản mang lại sự khô cứng, nhàm chán và đơn điệu, thậm chí lạnh lùng và thiếu thân thiện. Nhưng bản chất của kiến trúc không nằm ở cái vỏ bề ngoài. Và để cảm nhận được điều đó, ngoài đôi mắt để nhìn, phải cần có một tư duy rộng mở, khám phá. Một kiến trúc sẽ… tối giản khi chủ nhân hiểu rõ được bản ngã của mình, và kiến trúc sư chuyển hoá bằng ngôn ngữ kiến trúc. Và cũng chỉ khi hiểu rõ chính mình thì chủ nhân mới thực sự làm chủ và gắn bó được với ngôi nhà. 

Kiến trúc tối giản có sự tương đồng với văn hoá truyền thống và Thiền tông Nhật Bản (Zen). Zen nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự trầm tư mặc tưởng hơn là việc đọc kinh kệ và các nghi thức tôn giáo cũng như lý luận về giáo pháp. Zen truyền tải những tư tưởng tự do và bản chất cuộc sống. Kiến trúc tối giản hướng tới bản chất của kiến trúc là không gian, đề cao bản chất của không gian và vật liệu. Chính vì lẽ đó, kiến trúc tối giản hoà nhập với văn hoá truyền thống Nhật Bản, tạo nên những không gian mang tính Thiền và những giá trị văn hoá mới thông qua kiến trúc.  

- Nghệ thuật ánh sáng: Ánh sáng là một yếu tố cấu thành nghệ thuật kiến trúc. Với kiến trúc tối giản, ánh sáng rất quan trọng và càng có ý nghĩa hơn, nhất là ánh sáng tự nhiên. Màu sắc ở phong cách tối giản hạn chế nên ánh sáng là một thành phần chủ đạo để trang trí và tạo nên giá trị thẩm mỹ thông qua hiệu ứng thị giác. Ánh sáng tự nhiên luôn biến đổi và làm thay đổi những cảm nhận, cảm xúc của người đứng trong không gian đó. Ánh sáng được chủ định trong thiết kế để nhấn mạnh những thành phần, những khu vực chính; làm nổi bật hình khối kiến trúc, nội thất; dùng để dẫn tuyến hoặc tạo nên những khối sáng, bóng đổ theo ý đồ… Ánh sáng cùng hiệu ứng bóng đổ được khai thác thông qua những ô cửa, những vách kính, mái, những khoảng trống, những cấu kiện của hệ kết cấu, qua hệ thống rèm hay cả những tán cây. Ánh sáng nhân tạo cũng được nghiên cứu rất kỹ, tính toán cẩn thận trong ý đồ diễn tả cấu trúc không gian và những thành phần nội thất.  


Một công trình mang hơi hướng kiến trúc tối giản ở Hà Nội.

Kiến trúc tối giản ở Việt Nam? 

Phong cách tối giản khởi nguồn ở châu Âu và đã lan toả đi khắp thế giới. Kiến trúc tối giản vẫn tiếp tục khẳng định sự ưu việt của mình, tiếp tục phát triển và có ảnh hưởng rộng lớn. Trong xu hướng chung của kiến trúc hiện đại, kiến trúc Việt Nam cũng có nhiều thay đổi theo tinh thần đơn giản về hình thức. Tuy nhiên, một công trình thực sự được coi là tác phẩm kiến trúc theo phong cách Minimalism ở Việt Nam có lẽ là chưa có. Mặc dù, trên thực tế, phong cách này hoàn toàn không đòi hỏi những yếu tố thuận lợi về quy mô, vị trí, mặt bằng xây dựng công trình; hoàn toàn có thể phù hợp ở điều kiện nước ta với thể loại nhà ở nhỏ; và không ít kiến trúc sư của chúng ta có những hứng thú, thử nghiệm, tìm tòi với phong cách này, nhưng để hiện thực hoá một vấn đề “tối giản” lại còn quá nhiều… phức tạp và mâu thuẫn.  

Khi hạn chế, lược bớt những gì không cần thiết để đi tới sự tối giản, đồng nghĩa với những thành phần còn lại phải đảm nhận thêm nhiều chức năng. Đó là một vấn đề vướng mắc rất cụ thể bởi những yếu kém về vật liệu, kỹ thuật, công nghệ, trình độ thi công, và tất nhiên cả lý do kinh tế cùng phương thức sản xuất. Một yếu tố khác mà phần trên đã ít nhiều đề cập: đó chính là trình độ, văn hoá và lối sống. Minimalism không dành cho người thích khoa trương, thích sự cầu kỳ phức tạp và thiên về vật chất. Nó dành cho những người độc lập, quyết đoán, ngăn nắp; có tác phong khoa học của thời đại công nghiệp, nhưng cũng tự do và phóng khoáng. Và quan trọng nhất là chủ nhân đi tới và nhìn thấy được bản ngã, có tư duy và tâm hồn trong sáng; thì sự tối giản mới có thể hiện hình. Nếu không, nó chỉ là một sự khiên cưỡng, một cuộc “hôn nhân” gượng ép và chắc chắn kiến trúc tối giản đó, nếu được dựng lên cũng không thể tồn tại lâu bền. Đa số tâm lý người Việt Nam vẫn thích sự màu mè, rườm rà – chau chuốt; khó khăn về kinh tế làm tăng ý thức về vật chất, giảm những giá trị tinh thần; phong cách sống, làm việc chưa thực sự khoa học và công nghiệp; trình độ và sự tiếp nhận thông tin còn hạn chế, quan hệ giữa chủ nhà và kiến trúc sư còn rất nhiều vấn đề chưa ổn… là những nguyên do chưa thể đi tới phong cách tối giản và để có những công trình kiến trúc tối giản theo đúng nghĩa.  

Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng cũng có những công trình hướng tới phong cách này, ít nhiều mang tinh thần, hơi hướng tối giản. Số đó dẫu không nhiều nhưng cũng là một cách nhìn tích cực, một ô cửa sáng trong bối cảnh xã hội và ngành xây dựng còn quá nhiều mảng tối.   

Hà Thành 

 

Lời bình  

 
0 # Phạm Vinh 25/08/2012 23:46
Bài viết ngắn gọn, rất hay.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...