Ashui.com

Sunday
Nov 24th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Số hóa di sản

Số hóa di sản

Viết email In

Việt Nam có hơn 3.100 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, gần 8.000 lễ hội và rất nhiều những di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Đứng trước những biến đổi của địa lý, khí hậu, những biến dạng của môi trường sống, ý thức cộng đồng... các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đang tìm tòi những hình thức bảo tồn bền vững. Và một trong những giải pháp được cho là thích hợp nhất trong điều kiện hiện tại là: số hóa.

  • Ảnh bên : Hình ảnh tháp Hòa Phong (Hà Nội) qua phục dựng 3D
Những thử nghiệm đơn lẻ

Cách đây 5 năm, một nhóm các kiến trúc sư trẻ đã gây xôn xao giới nghiên cứu cũng như giới công nghệ khi phục dựng lại những góc phố cổ Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 cùng với đó là những đoạn phim ngắn về không gian kiến trúc của Cấm thành Thăng Long xưa trên nền công nghệ 3D. Từ đó đến nay, Công ty CP 3D Hà Nội vẫn miệt mài phục dựng các di sản kiến trúc cổ như: Cố đô Hoa Lư, di sản kiến trúc Pháp, Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp cùng những hình ảnh về nếp sống của người Hà Nội xưa... Theo KTS Đinh Việt Phương (Chủ tịch HĐQT- Công ty CP 3D Hà Nội) dự án này đơn giản chỉ xuất phát từ niềm say mê và yêu thích của các thành viên 3D Hà Nội.

Việc làm này hoàn toàn không sinh lợi và từ khi bắt tay vào thực hiện dự án cho đến nay, 3D Hà Nội chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về kinh phí của các cơ quan liên quan. Hơn 1 năm trở lại đây, 3D Hà Nội tiếp tục bắt tay cùng Mạng Ashui.com tiến hành số hóa các di sản kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội. Việc làm này nhằm xây dựng cơ sở hình thành Bảo tàng ảo về di sản Hà Nội mà Ashui.com đang ấp ủ. Khi Bảo tàng này vận hành, người xem có thể dễ dàng tìm hiểu về các công trình, dạo chơi trong Nhà hát Lớn, trong các ngôi biệt thự cổ... chỉ bằng một cái nhắp chuột.

Bảo tàng Bắc Ninh cũng là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tin học vào bảo tồn di sản. Một quyết định khá táo bạo của Bảo tàng Bắc Ninh là bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện số hóa công tác lưu trữ sắc phong. Hành động này đã được coi là việc làm tích cực bởi khi đó, đã có nhiều nhà nghiên cứu báo động về sự xuống cấp của các di sản sắc phong đang được lưu trữ trong nhân dân. Bắc Ninh là một trong những địa phương đang lưu giữ nhiều bản sắc phong có giá trị. Theo khảo sát, làng nào ít cũng có 3-4 bản, làng nhiều nhất lên tới 54. Bản sắc phong cổ nhất được tìm thấy cho đến thời điểm này có niên đại thời Lê, gần là đời Nguyễn.

Xây dựng ngân hàng dữ liệu di sản

Trên thế giới, việc áp dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn di sản không phải là điều mới mẻ. Năm 2008, sau khi cổng thành Namdeamun của Hàn Quốc bị lửa thiêu rụi, các nhà Bảo tồn di sản Hàn Quốc đã không mấy khó khăn để phục dựng lại di sản hơn 600 năm tuổi này, bởi trước đó từ nhiều năm, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đã số hóa di tích này chi tiết tới từng… cái đinh. Ví dụ trên để thấy, với các giải pháp công nghệ khác nhau, từ những ứng dụng ở mức độ cao như 3D, đồ họa, ảo hóa dữ liệu đến những hình thức đơn giản như quay phim, chụp ảnh, ghi âm, công tác số hóa cho phép các di sản được lưu giữ, bảo tồn bền vững nhất, đề phòng những rủi ro từ những phương pháp lưu trữ truyền thống vốn rất cồng kềnh và khó cho cả người sử dụng.

KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) cho biết, Bộ VHTT&DL vừa chính thức có văn bản giao Viện Bảo tồn di tích làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam”. Trước khi được Bộ VHTT&DL giao thực hiện việc số hóa di tích thì Viện cũng đã “chạy” thử nghiệm từ nhiều năm trước.

Kết quả thu được khiến những người đang trực tiếp bắt tay vào thực hiện dự án thấy tự tin. Trước mắt, sẽ có khoảng 4 vạn hồ sơ di tích được số hóa. Mỗi hồ sơ, không chỉ cung cấp cho người xem thông tin về giá trị di tích, lịch sử hình thành mà còn cho người xem hiểu sâu hơn về quá trình tồn tại, những biến thiên thăng trầm, cùng cả những khảo sát chuyên sâu về nhiệt độ, khí hậu, độ ẩm... Những hồ sơ này còn cập nhật đầy đủ về công tác trùng tu di tích. Ông Lê Thành Vinh nhấn mạnh, những hồ sơ di tích này ngoài việc cần thiết cho công tác nghiên cứu tu bổ ở thời điểm hiện tại, nếu được gìn giữ tốt, chỉ vài chục năm sau, nó sẽ trở thành những di sản tư liệu và có giá trị không chỉ ở việc bảo tồn mà còn ở nhiều góc độ khác như khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật...

Hiệu quả cùng những lợi thế của việc số hóa di sản so với phương pháp bảo tồn hiện tại thế nào đều đã được những người trong cuộc đo, đếm được. Tuy nhiên, khi hỏi đến khó khăn thì ngay cả những thành viên lạc quan nhất cũng phải lắc đầu “khó lắm”. Khó từ công nghệ, kỹ thuật, đến cả vấn đề nhân lực. Và để ứng dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn di sản, điều cần nhất lúc này không chỉ là sự đầu tư tiền của, chất xám mà chính là cái bắt tay liên kết đa ngành, giữa những người làm di sản, nghiên cứu di sản và công nghệ tin học.

Quỳnh Vân

>> Thiếu nhân lực "số hóa di sản"

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...