Hiện đại nhưng không xa lạ
Có lẽ không ai khi xem đồ án trên (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM) lại không ước ao mình được sống trong khu đô thị vừa hiện đại, vừa giàu chất truyền thống, vừa tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường tự nhiên như vậy. Những người mê phong cách hiện đại có thể thích thú với ba cánh sen lớn, là những công trình cao 40 mét bằng bê tông và tre. Nó bao gồm những quán ăn, quán bar trên các tầng. Những bông sen được cắm vào một chiếu nghỉ rộng, liên kết với tầng hầm thương mại của các tòa nhà phía sau. Các tháp gió là các công trình thấp hơn các cánh sen, cao 20 – 25 mét, có chức năng chủ yếu là đem lại sự mát mẻ bằng cách hạ nhiệt cho xung quanh tới 5 độ C và đem lại bóng râm cho đường đi. Ban đêm, các tháp gió chuyển thành các cánh bướm đa sắc màu...
Điều làm anh Trần Nam Anh - kiến trúc sư Việt kiều tại Pháp - tâm đắc, là đồ án đã tôn vinh được bản sắc, chất liệu và tập quán địa phương. Đồ án khắc họa một đô thị hiện đại nhưng không hề xa lạ với người dân vùng châu thổ sông Cửu Long, ở những bè nổi dành cho các quán ăn, quán cà phê; các sân vườn mở dành cho hoạt động cộng đồng. Đất nung – một loại chất liệu được sử dụng từ hàng nghìn năm nay tại đồng bằng sông Cửu Long – cũng có mặt ở nhiều nơi tại trung tâm đô thị. Nền đất gạch nung giúp cho ánh sáng chuyển đổi nhẹ nhàng từ bên trong các cửa hàng lớn ra không gian bên ngoài.
Bài dự thi của công ty DESO Defrain- Souquet Architectes (Pháp) - Mã dự thi 1188
Nếu như nền đất yếu, triều cường, nước ngập... hiện nay là một nỗi khổ của người dân TP.HCM, thì với đồ án này, những điểm tưởng như bất lợi trên lại tạo thành nhịp đập sống động cho khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nền đất này không kín chặt với những cái có sẵn, sự thấm nước cho phép đất hiện tại có hơi thở - hơi thở của dòng sông. Kênh là nơi diễn ra các hoạt động trên mặt nước, ở đó các bè nổi có thể di chuyển cho phù hợp với các sự kiện. Còn trên bờ kênh là nơi diễn ra các hoạt động trình diễn hoặc vui chơi giải trí như thả diều, đá bóng, câu cá...
Duyên nợ với Thủ Thiêm
“Chúng tôi mong ước đồ án trở thành hiện thực. Khi đó, Việt Nam sẽ có thêm một khu đô thị mới độc đáo và người dân ở đó sẽ có được cuộc sống tiện nghi, thoải mái, trong lành…” - Kiến trúc sư Trần Nam Anh |
Có đôi chút khó khăn trong khi thiết kế đồ án, vì nhóm không ở cùng một nơi. Olivier Souquet và công ty của anh ở Paris, còn Nam Anh thì lại ở Nice. Từng thành viên vừa phải làm việc độc lập vừa trao đổi thường xuyên ý kiến và bản vẽ với nhau qua thư điện tử, mỗi ngày tới 5 – 6 lần. Giai đoạn đầu của đồ án hầu như chỉ có 3 người làm việc, Nam Anh và Olivier Souquet thiết kế, còn Christine Dalneky cố vấn. Đến giai đoạn 2 thì có thêm rất nhiều người của Công ty Deso vào cuộc: làm mô hình, thiết kế và thuyết trình chi tiết hơn...
Từ Pháp bay về Việt Nam để nhận giải thưởng, nhóm tác giả bày tỏ: “Đoạt giải nhất, chúng tôi cảm thấy vui và rất hãnh diện nhưng kèm theo đó là trách nhiệm, lo lắng, áp lực. Bởi vì sau khi giành được quyền tiếp tục thảo luận để triển khai dự án trên thực tế, chúng tôi sẽ phải thương thảo, tìm kiếm các đơn vị đối tác có năng lực. Ước mơ về một khu đô thị mới Thủ Thiêm như trong đồ án đã tới gần hơn, nhưng chúng tôi còn phải nỗ lực rất nhiều để đồ án thành hiện thực”.
Tin mới hơn:
- Tôn tạo cảnh quan hồ Gươm
- Chân dung Tadao Ando
- Gặp tác giả cuốn sách nhỏ "HaNoi Architecture": Có một Hà Nội... "thập cẩm"
- Triển lãm các tác phẩm của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa
- Chuyện một người Việt ở Jacksonville
Tin cũ hơn:
- Đà Lạt - nơi chốn thỏa mãn và sung sướng
- Kiến trúc sư tây? Kiến trúc sư ta?
- Có hay không sự “kỳ thị” tư vấn nội?
- Thành phố, con đê và dòng sông
- KTS Đoàn Đức Thành: "Cần có thái độ đúng với nhà ga T1 Sân bay Nội Bài"