Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Công nghệ Ứng dụng Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam: Xu hướng của công nghệ hiện đại

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam: Xu hướng của công nghệ hiện đại

Viết email In

Dự án cao tốc Bắc - Nam được vận hành bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó việc tích hợp hệ thống giao thông thông minh (ITS) là bước tiến quan trọng.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Sau 4 năm, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết liệt đôn đốc các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ xây lắp, đảm bảo chất lượng, sớm hoàn thành theo đúng kế hoạch.


(Ảnh minh họa)

Đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS)

Hệ thống giao thông thông minh (lntelligent Transport System - ITS) là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông với cơ sở hạ tầng giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường...

Hệ thống giao thông thông minh ra đời, với sự tối ưu của các thiết bị truyền thông, công nghệ thông tin và viễn thông làm cho vai trò của con người trong việc điều hành giao thông giảm đi đáng kể mà vẫn đảm bảo tính an toàn.

Việc xây dựng phương án quản lý, vận hành áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) đã được tính đến để đồng bộ, thống nhất trên toàn tuyến. Dự án sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng, lắp đặt các thiết bị để đo lưu lượng giao thông, lắp camera giám sát, cảm biến quan trắc thời tiết… giúp cho nhân viên kỹ thuật có thể giám sát đường một cách thuận lợi hơn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Lê Đình Thọ cho biết: “Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, chúng ta phải tham khảo chọn lọc những mô hình tiên tiến, hiện đại để áp dụng phù hợp vào thực tiễn”.

Cụ thể, đối với 3 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây chuyển đổi phương thức đầu tư từ đầu tư PPP (hợp tác công tư) sang sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 117/2020/NQ-QH của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị rà soát toàn bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán hệ thống ITS và các tài liệu liên quan, kịp thời cập nhật, đề xuất điều chỉnh, bổ sung (nếu có) các nội dung liên quan về trình tự thủ tục đầu tư, công nghệ, thiết bị... phù hợp, tuân thủ quy định.

Từ hệ thống đường cao tốc và hệ thống ITS như hiện nay thì việc áp dụng mô hình nào để phù hợp như đường truyền, trung tâm điều hành, trang thiết bị thu thập thông tin và dữ liệu, đầu tư công nghệ cần phải rõ ràng ngay từ đầu. Việc đầu tư hệ thống ITS cần được minh bạch, đưa ra giải pháp tối ưu tạo cơ sở, hành lang pháp lý để các đơn vị thực hiện đúng chủ trương khi triển khai.


Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là xu hướng tất yếu được đầu tư đối với của các tuyến đường cao tốc trong tương lai (Ảnh: Internet)

Công nghệ là xu hướng tất yếu của các tuyến cao tốc

Các căn cứ pháp lý hiện hành về hệ thống giao thông thông minh (ITS) tại Việt Nam mới được hình thành, chỉ là bước đầu xây dựng và áp dụng vào thực tế. Có thể kể tên như: Nghị định số 32/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc; Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT và Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT; TCVN 10850:2015 về hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên đường cao tốc. Và gần đây nhất là TCVN 12836-1:2020 về Hệ thống giao thông thông minh - Kiến trúc mô hình tham chiếu cho hệ thống giao thông thông minh (ITS) - Phần 1: Các miền dịch vụ, nhóm dịch vụ và dịch vụ ITS. Các văn bản, quy định luôn phải tự điều chỉnh và hoàn thiện theo công nghệ. Bởi thực tế, công nghệ thông minh luôn biến đổi từng giờ, từng phút, từng hoàn cảnh.

Trong thực tế, việc phát hiện tự động các sự cố hoặc sự kiện giao thông một cách liên tục, không gián đoạn, trong thời gian thực (thông tin động) vẫn chưa đạt yêu cầu, do hai thành phần chính trong việc thu thập dữ liệu của ITS trong thiết kế là camera giám sát (CCTV) và camera dò xe (VDS) bị hạn chế về hiệu suất, hiệu năng trong các môi trường và điều kiện thời tiết bất lợi (chói sáng, đêm tối, mưa lớn, sương mù, khói bụi…).

Hệ quả là hệ thống không phát hiện và cảnh báo kịp thời tất cả các sự cố tiềm ẩn nguy cơ tai nạn như: Phương tiện gặp sự cố, người và súc vật băng ngang, vật rơi trên đường, hoặc phương tiện “bám đuôi” nhau không an toàn, chuyển làn đột ngột gây mất tầm nhìn cho phương tiện khác…

Tương tự, việc chủ động điều tiết giao thông cũng còn một khoảng cách khá xa giữa thực tế và mong muốn.

Về nguyên tắc, khi lượng dữ liệu không đủ nhiều và kịp thời để hình thành CSDL lớn (Big Data) thì quá trình phần tích, dự báo và điều khiển giao thông sẽ kém hiệu quả. Giới hạn trong nguyên lý hoạt động của camera khiến dữ liệu về “dòng giao thông trong thời gian thực” khó có chất lượng cao, từ đó cũng làm giảm năng lực điều tiết lượng xe ra vào cao tốc (Ramp-metering) được tối ưu, trong khi đây lại là một trong những điều kiện tiên quyết để lưu thông trên cao tốc được thông suốt.

Chính những yếu tố trên khiến cho nhu cầu phải áp dụng công nghệ mới vào ITS là một nhu cầu bức thiết, xu thế tất yếu đối với các tuyến cao tốc trong tương lai. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu phải theo.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông là xu thế chung của thế giới, nên việc nghiên cứu phát triển thêm hệ thống giao thông thông minh là nhu cầu rất bức thiết. Các chuyên gia và người dân rất quan tâm, hi vọng dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường có quy mô công nghệ hiện đại, đồng bộ đầu tiên, mở ra kỉ nguyên số cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông tại Việt Nam.

Đường cao tốc Bắc - Nam ở Việt Nam đang trong quá trình thi công có tổng chiều dài 1.811km. Trong đó, đoạn đường cao tốc dài 55km ở phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố công nghiệp trọng điểm thuộc tỉnh Đồng Nai sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 vùng từ 3 giờ xuống còn 1 giờ. Điểm nhấn của đoạn đường cao tốc là hệ thống giao thông thông minh (ITS) do liên danh Nhật Bản thiết kế và lắp đặt.

Hệ thống ITS được cung cấp cho Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) của liên danh do Toshiba đứng đầu. Đây là giải pháp ITS trọn gói đầu tiên được các công ty Nhật Bản cung cấp cho khách hàng nước ngoài.

Hà Khánh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...