Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những dự án nào xây dựng mô hình thông minh?
Trong đề án vừa trình Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung quy định quản lý đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng mô hình BIM.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh ứng dụng thiết bị, máy móc tự động hóa, robot hóa trong các dây chuyền thi công khép kín. Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng các công nghệ mới, công nghệ nano, kết cấu mới, vật liệu tiên tiến; xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý dự án đầu tư ngành GTVT trên nền tảng trực tuyến; triển khai ứng dụng mô hình thông tin công trình trong đầu tư xây dựng công trình.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Ảnh: ACV)
Bộ GTVT xây dựng hệ thống thu phí tự động không dừng (ITS, ETC) đồng bộ đối với đường bộ cao tốc, các tuyến quốc lộ chính yếu trên các hành lang vận tải lớn. Cùng với đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho hệ thống ITS, hệ thống quản lý điều hành bay, hệ thống điều phối và giám sát giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.
"Mô hình cảng hàng không, sân bay thông minh sẽ được xây dựng cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cảng biển xanh, thông minh cho cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM; nhà ga thông minh cho đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam" - tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ.
Đối với quản lý khai thác, bảo trì, Bộ GTVT sẽ xây dựng trung tâm giao thông thông minh quốc gia thống nhất toàn quốc, tích hợp và kết nối hệ thống ITS trên đường bộ cao tốc, quốc lộ chính yếu và ITS giao thông đô thị tại các thành phố lớn.
Bộ GTVT cho biết sẽ ứng dụng các dây chuyền thi công đồng bộ, khép kín, tự động hóa, robot hóa trong bảo trì hạ tầng giao thông; ưu tiên sử dụng các công nghệ và vật liệu tiên tiến, công nghệ nano trong bảo trì công trình giao thông; hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt; ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý điều hành đường sắt đô thị; ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ vận hành và khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa; hoàn thiện các hệ thống dẫn đường, kiểm soát không lưu theo quy định của ICAO.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn giao với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và quốc lộ 18 (Ảnh: Đỗ Quân)
Đồng bộ, hiện đại hệ thống cơ sở dữ liệu
Theo Bộ GTVT, quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cả 5 lĩnh vực GTVT vừa được Thủ tướng phê duyệt có khối lượng công trình giao thông được xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì rất lớn. Để đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả đạt các mục tiêu đề ra đòi hỏi cần phải ứng dụng khoa học, công nghệ mạnh mẽ.
Bộ GTVT đưa ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% chuyển đổi số các nghiệp vụ trong xây dựng và quản lý, bảo trì của các đơn vị thuộc Bộ GTVT; hình thành được cơ sở dữ liệu đồng bộ, hiện đại, kết nối và chia sẻ giữa các lĩnh vực GTVT, giữa trung ương và địa phương.
Đến năm 2030, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành 100% chuyển đổi số toàn diện các nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ GTVT; hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn của ngành GTVT, kết nối và chia sẻ giữa các lĩnh vực giao thông vận tải, giữa trung ương và địa phương. Áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình giao thông; Vận hành trung tâm ITS quốc gia.
Bộ GTVT thông tin, đề án hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông qua việc chủ động, nắm bắt kịp thời và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông phải phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quy hoạch phát triển ngành GTVT, mang tính tổng thể, đồng bộ, kết nối, hiện đại và có cách tiếp cận mở phù hợp với kết cấu hạ tầng hiện tại và xu hướng hình thành trong tương lai.
Theo Bộ GTVT, đề án được phê duyệt sẽ giúp chủ động, tiếp cận, đón đầu, đảm bảo đủ năng lực, đạt mức độ sẵn sàng tiếp cận và tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan để đổi mới mạnh mẽ, tạo bước phát triển đột phá trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối và chia sẻ với địa phương.
Châu Quỳnh
(Dân Trí)
- Hạn chế tín dụng đầu cơ bất động sản trên địa bàn TPHCM
- TPHCM xin điều chỉnh thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 thêm 2 năm
- Mở đường giao thông, động lực quan trọng để đồng bằng sông Cửu Long xoay trục phát triển
- Đề xuất bổ sung quy định cấp sổ đỏ cho condotel, officetel
- Bộ Xây dựng "nhắc" các địa phương về việc nhận tài trợ của doanh nghiệp để quy hoạch
- Rà soát mức đầu tư các dự án giao thông lớn do giá vật liệu tăng cao
- Hà Nội muốn thu hồi loạt dự án chiếm hơn 18 triệu m2 đất
- Hà Nội vẫn nhiều vướng mắc trong quá trình tái thiết chung cư cũ
- Vì sao toàn tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội-Hoàng Mai phải đi ngầm?
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có hiện tượng lộ thông tin, thông đồng trong đấu giá đất