Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tin tức Sự kiện Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 6

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 6

Viết email In
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 6 với chủ đề "Dấu ấn Thăng Long-Hà Nội và Tuổi trẻ với di sản văn hóa Việt Nam" đã chính thức khai mạc tối 20/11 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Năm 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô, trong đó có ba di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới gồm Hoàng thành Thăng Long; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình "Ký ức thế giới."

Do đó, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay dành phần lớn không gian triển lãm, trưng bày để tôn vinh di sản vùng đất Thăng Long-Hà Nội 1.000 năm văn hiến.

Hoàng thành Thăng Long được tôn vinh trên diện tích 200m2 với các tư liệu góp phần tổng hợp lại các giá trị của di tích này gồm: di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và thành cổ Hà Nội; hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện, lầu gác, số lượng lớn các di vật độc đáo thuộc nhiều thời kỳ được phát hiện dưới lòng đất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Sự thay đổi của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử được minh chứng bằng các bản đồ từ bản đồ thời Hồng Đức (1490), bản đồ Hà Nội năm 1873, bản đồ không ảnh có ba vòng thành, bản đồ di sản cùng các bức ảnh, phim tư liệu, hồ sơ di sản thế giới.

Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Thăng Long giới thiệu tới công chúng 500 cổ vật tiêu biểu của Thủ đô 1.000 năm tuổi, trong đó có nhiều cổ vật lần đầu tiên được trưng bày.

Phong phú nhất là cổ vật của thời Đinh, Lê, Lý, Trần với đồ gốm phát triển cực thịnh, nhiều dòng gốm, gắn liền với biểu tượng Phật giáo. Bên cạnh đó là phần trưng bày các hình ảnh, ấn phẩm sách Thăng Long-Hà Nội với 200 tư liệu quý hiếm đang được lưu giữ tại Thư viện quốc gia nhằm ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc, dòng dõi khoa bảng, tôn vinh các di tích lịch sử, giới thiệu món ăn ngon, phong tục tập quán, tín ngưỡng... cùng 30 bức tranh, ảnh về Hà Nội từ xưa tới nay.

Văn Miếu Quốc Tử Giám cùng 82 bia tiến sỹ được tôn vinh qua phần trưng bày "Một số hình ảnh Văn Miếu-Quốc Tử Giám và học hành thi cử nho học" với 80 bức ảnh tư liệu chụp từ năm 1913-1925 cùng 20 bản đồ Thăng Long-Hà Nội thời Lê, thời Nguyễn, sách học, đồ dùng học tập của nho sinh, pa nô giới thiệu về bia Tiến sỹ với 8 đoạn trích tiêu biểu về chế độ giáo dục, trọng dụng nhân tài...

Ngoài phần trưng bày nói trên, Ban tổ chức còn giới thiệu các sản phẩm tinh xảo, độc đáo do bàn tay, trí tuệ, sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề của Thủ đô thực hiện; giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội. Đặc biệt, Ban tổ chức giới thiệu tới công chúng lễ rước, nghi thức dâng hương tổ nghề, dâng hương Thành hoàng Triều Khúc theo đúng nghi lễ dân gian; trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, thao diễn tay nghề, trò chơi dân gian…

Đúng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 sẽ diễn ra “Ngày về nguồn” dành cho thế hệ trẻ với nhiều hoạt động phong phú như thi vẽ tranh danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội; giao lưu nghệ thuật truyền thống học sinh, sinh viên, thanh niên với chủ đề “Tuổi trẻ với di sản văn hóa Việt Nam”; toạ đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội.”

Tối cùng ngày sẽ diễn ra đêm tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam, trao quỹ bảo tồn di sản văn hóa cho khu di tích Pác Bó, Cao Bằng…

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 6 do Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội di sản văn hóa Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, diễn ra đến hết 24/11 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam./.

(TTXVN, Vietnam+)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo