Hội nghị thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần thứ 44 sẽ diễn ra từ mùng 3 đến 6/5 tại Hà Nội, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam là chủ nhà của sự kiện quan trọng này.
Các đoàn đại biểu đã đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội để chuẩn bị cho hội nghị. Gần 4.000 đại biểu – gồm các nhà hoạch định chính sách, giới doanh nhân, các hãng thông tấn báo chí, các nhà nghiên cứu, và đại diện các tổ chức phát triển và các tổ chức xã hội dân sự - dự kiến sẽ tham gia vào sự kiện này.
- Ảnh bên : Ngày 5/8/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu và Tổng thư ký Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Robert Dawson đã ký Biên bản Ghi nhớ về Tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB tại Việt Nam.
Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận những mối quan tâm đang nổi lên như giá lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu. Đại biểu cũng sẽ bàn thảo về những chiến lược tốt nhất mà ADB cần phối hợp với khu vực công và khu vực tư nhân nhằm giảm nghèo và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong dài hạn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tại hội nghị năm nay, ADB sẽ trình bày những kết quả ban đầu của bản báo cáo Châu Á năm 2050 – Xây dựng một thế kỷ Châu Á, trên phương diện nhân khẩu học, xã hội, môi trường, những thách thức kinh tế ở phía trước, và khu vực này cần phải làm gì để đảm bảo được một tương lai thịnh vượng cho 40 năm tới.
Cùng với đại diện G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới), Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Nhật Bản, ADB cũng tổ chức phiên thảo luận quan trọng về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế trong bối cảnh ảnh hưởng của kinh tế và tài chính châu Á đang gia tăng.
Việt Nam là quốc gia thành viên của ADB từ năm 1966. Đến nay, ADB đã cung cấp cho Việt Nam 114 khoản vay chính phủ với tổng trị giá 9,09 tỷ đôla Mỹ, một khoản bảo lãnh trái quyền trị giá 325 triệu đôla Mỹ, 225 dự án hỗ trợ kỹ thuật ưu đãi với tổng trị giá 199,5 triệu đôla Mỹ, và 26 khoản viện trợ ưu đãi khác trị giá 150,1 triệu đô la Mỹ. Ngân hàng Phát triển Châu Á có trụ sở chính tại Manila, Philippines có mục tiêu hoạt động là giảm đói nghèo ở châu Á-Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng trưởng bền vững về môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập từ năm 1966, ADB hiện có 67 thành viên, trong đó 48 thành viên trong khu vực Châu Á. Trong năm 2010, ADB đã thông qua tổng số tiền hỗ trợ là 17,51 tỷ đôla, bao gồm cả các dự án đồng tài trợ. Ngoài ra ADB cũng cung cấp 2,8 tỷ đôla Mỹ cho Chương trình Tài trợ Thương mại. Ban Giám đốc Điều hành là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của ADB. Hội nghị thường niên là cuộc họp theo quy định nơi các thống đốc có thể đưa ra các định hướng về những ưu tiên hoạt động, ưu tiên tài trợ cũng như ưu tiên về quản lý hành chính của ADB. |
(VnExpress)
- Hội chợ quốc tế Năng lượng hiệu quả - Môi trường (ENTECH) Hà Nội 2011
- VIREC 2011: "Đầu tư giải trí hiện đại mở đường cho sự phát triển mới"
- Hội thảo “Nhà thầu Việt: cần gì để thắng thầu?”
- Triển lãm “Biết cách làm về trùng tu” trong khuôn khổ dự án "Ý - Việt 2011"
- Khởi công Trụ sở điều hành và giao dịch Vicem tại Hà Nội
- Triển lãm "Đối thoại trong kiến trúc"
- Hội thảo "Những vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh bất động sản: thực trạng và giải pháp"
- Kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 - trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2010
- Cuộc thi Ý tưởng Kinh tế xanh 2011
- Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và quà tặng LifeStyle Vietnam 2011