Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam GMP báo cáo trước Bộ Xây dựng các phương án thiết kế Nhà Quốc hội

GMP báo cáo trước Bộ Xây dựng các phương án thiết kế Nhà Quốc hội

Viết email In
Ngày 2/6, tư vấn Gmp Internatinonal GmbH architects and Engineers (Gmp) đã báo cáo trước Bộ Xây dựng 6 phương án (PA) thiết kế mặt đứng công trình Nhà Quốc hội và 3 PA nội thất. Sau khi phân tích thế mạnh của từng PA cũng như so sánh các PA với nhau, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đề nghị tư vấn Gmp tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp PA A2 và D2. Dự kiến, cuối tháng 6/2009, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xét thẩm định, phê duyệt thiết kế Nhà Quốc hội.
  • Ảnh bên : Mặt đứng Nhà Quốc hội phương án D1.
Sân vườn nhỏ bên trong Nhà Quốc hội

Theo giới thiệu của Gmp, Nhà Quốc hội bên ngoài là hình vuông với mỗi cạnh 102m. Bên trong “hình vuông” là hội trường chính, hình tròn. Nhà Quốc hội có sảnh chính hướng phía Tây (hướng ra Lăng Bác) và sảnh phía Nam (hướng ra đường Bắc Sơn). Ngoài ra, ở phía Đông và Bắc đều có những phòng họp quan trọng có tầm nhìn hướng ra khu khảo cổ. Cả 6 PA đều sắp xếp mặt đứng của công trình theo tính Á Đông. Riêng phần mái tròn của công trình, so với PA mà Gmp đã giành giải cao nhất trong cuộc thi quốc tế phương án kiến trúc Nhà Quốc hội đã được nâng cao 4m ở phần chính giữa mái, vòm mái được chia thành 5 tầng vòng tròn.

Trong 6 PA nói trên, Gmp tập trung phân tích 2 PA đề xuất lựa chọn là A2 và D1. Theo đó, ở PA A2, công trình chính của Nhà Quốc hội được kết nối với không gian xung quanh, sân vườn bằng rầm không gian. Kết cấu này gom gọn tòa nhà thành một khối đặc. Sảnh chính hướng ra Lăng Bác lõm vào toà nhà chứ không lồi ra ngoài đường. Giữa hội trường và khu khảo cổ là sự tương phản sâu sắc, một hiện đại, một cổ kính. Trong PA này, tư vấn cũng thiết kế những phòng họp nhỏ có thể nhìn thấy sân, phòng họp trong sân. Điều này tạo nên sự khác biệt của chúng so với các phòng họp thông thường.

Ở PA D1 (gần với PA dự thi nhất), sân vườn được thể hiện rất rõ. Phương đứng của tòa nhà rõ nét và mạnh mẽ. Trong 6 PA trình bày, Gmp cho rằng phối cảnh của Nhà Quốc hội với các công trình xung quanh như vườn khảo cổ, Lăng Bác của PA D1 là phù hợp nhất. Và  đây cũng là PA có đối thoại cũng tốt nhất. Đối thoại trong sự tương phản, Nhà Quốc hội hiện đại trong khi vườn khảo cổ và Lăng Bác cổ kính, sang trọng. Toàn bộ công trình Nhà Quốc hội được gói gọn trong khuôn viên mà theo đánh giá của Gmb là rất tốt.
  • Ảnh bên : Chuyên gia Gmp giới thiệu phương án thiết kế nội thất.
Về thiết kế nội thất công trình, tư vấn Gmp đưa ra 3 PA với các ngôn ngữ kiến trúc khác nhau. Một là phong cách giống như ngôn ngữ sử dụng trong khách sạn Metrophone, gần gũi vì người Việt Nam rất quen thuộc với ngôn ngữ kiến trúc của Pháp và Châu Âu. Một PA nội thất khác có ngôn ngữ mô phỏng dựa trên nền tảng cổ xưa của Việt Nam. PA cuối cùng mang ngôn ngữ do chính tư vấn đề xuất. Vật liệu sử dụng chủ yếu là đá tự nhiên màu sáng cho tường, đồng thau cho các chi tiết cửa và trang trí nền, tường, gỗ cho lan can… Ghế và bàn cho đại biểu Quốc hội sẽ được bọc da màu đỏ. Gam màu chủ đạo ở tất cả các PA là ấm. Thiết bị chiếu sáng, âm thanh, nhiệt độ trong các phòng họp đều được đầu tư theo tiêu chuẩn hiện đại…

Lưu ý đến thẩm mỹ của công chúng

Phát biểu kết luận buổi báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đề nghị tư vấn Gmp lưu ý đến yếu tố thẩm mỹ kiến trúc của công chúng Việt Nam. PA Gmp dự thi được các nhà chuyên môn đánh giá cao và được Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhưng lại chưa giành được số phiếu cao nhất từ công chúng. Điều này cho thấy công chúng Việt Nam kỳ vọng công trình phải đạt được sự đặc biệt, riêng biệt.

Bộ trưởng đánh giá cao sự cố gắng của tư vấn trong thời gian qua, nhất là việc đưa ra 6 PA để Việt Nam có nhiều sự so sánh, lựa chọn. Bộ trưởng đề nghị thời gian tới tư vấn tiếp tục thẳng thắn trao đổi, bàn bạc với các chuyên gia Việt Nam để tìm giải pháp kiến trúc hợp lý, khả thi cho các vấn đề còn đang tranh cãi như sảnh, mái, hiên, chia nan, chia ô mặt đứng công trình…
  • Ảnh bên : Mô hình phương án D1.
Bộ trưởng yêu cầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị tổng mặt bằng, thiết kế cảnh quan ngoại thất công trình khẩn trương triển khai để có sự nhìn nhận đầy đủ về dự án.

Riêng về thiết kế nội thất trong công trình sẽ cần thêm thời gian để nghiên cứu kỹ hơn. Tuy nhiên về cơ bản, màu sắc, ngôn ngữ nội thất công trình phải hiện đại, bảo đảm sự gần gũi cho bất cứ ai khi bước vào NQH. Các góc, các chi tiết của công trình được thiết kế điểm nhấn sao cho mọi người nhìn vào đều có thể nhận ra đây là công trình của Việt Nam.  Bộ trưởng chia sẻ: Nhiệm vụ thiết kế NQH  khó khăn nhưng cũng là vinh dự của Gmp, rất mong tư vấn hoàn thành công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Các chuyên gia Việt Nam nói gì ?

Vấn đề Gmp lúng túng nhất là giải pháp cho sảnh chính hướng ra Lăng Bác. Lúng túng từ cách thức thể hiện đến lựa chọn chất liệu. Điều đáng nói là các chuyên gia Việt Nam đại diện của các hội nghề nghiệp được Bộ Xây dựng mời đến đóng góp ý kiến cho các PA của Gmp cũng tỏ ra lúng túng không kém đối với hạng mục sảnh chính.

Giống như tư vấn Gmp, GS Nguyễn Tiến Thuận (Hội KTS Việt Nam) cũng cho rằng nên hướng công trình NQH theo phương án D1 tuy nhiên PA này vẫn cần chỉnh sửa, nâng cấp, đẩy lên chứ không phải cứ thế xây. Lý do, sảnh của công trình chưa đạt độ sang cho NQH hơn thế giải pháp không khả thi. Các hướng tiếp cận như cửa chính của PA cần phải bàn thêm. Kết thúc mái hình tròn còn nhiều vấn đề. Sự kết hợp của tư vấn và đơn vị được giao trách nhiệm quy hoạch khảo cổ chưa thấy rõ…

Ông Thuận giải thích việc mình đồng tình chọn PA D1: Nhìn vào mặt bằng công trình sẽ thấy một hình vuông có các cạnh cài răng lược, ở giữa là hình tròn. “Mặt bằng này ít thấy ở đâu. Đây là yếu tố duy nhất để khi đẩy PA D1 lên. NQH của Việt Nam có thể có được nét riêng.”

Ông Thuận cũng cho rằng, so với các PA khác có quá nhiều ngôn ngữ, hình khối thì PA D1 đồng nhất về chi tiết hơn cả. Phân vị mau - thưa ở các thanh nan trên mặt đứng công trình khác nhau, không quá tham lam. Chính chi tiết thanh nan đã giúp mặt đứng công trình NQH gần gũi hơn với kiến trúc tre, gỗ, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, sự hòa hợp với thiên nhiên của Việt Nam.

GS Nguyễn Thế Bá (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) đồng tình với quan điểm PA D1 nghiên cứu khá tốt sự hài hòa với không gian xung quanh, nhất là khu bảo tồn. Đặc biệt, ý tưởng các phòng họp quay hướng vào sân vườn nhỏ là ý tưởng rất tốt. Ông Bá đề xuất, nên chăng tổ chức một hành lang (giống như dạng hiên trong ngôi nhà truyền thống Việt Nam) đi bộ xung quanh công trình để sau này nhân dân có thể tham quan, chiêm ngưỡng toàn bộ NQH?

Trước thực tế là các PA có xu hướng mỗi lúc mỗi đi xa so với ý tưởng dự thi ban đầu, GS Nguyễn Thúc Hoàng (Hội KTS Việt Nam) đề nghị: Phải bám vào cơ sở pháp lý ban đầu là PA được lựa chọn ở cuộc thi. Đó là PA tốt, ý tưởng đẹp. NQH có một khối hình vuông bên trong là một khối hình tròn và mái là một khối giống như cái phễu ngược. Khối tích hình vuông lớn ấy đã được tư vấn làm nhẹ đi, tạo cảm giác nhẹ nhàng hơn, giảm thiểu sự ảnh hưởng lấn lướt các không gian xung quanh bằng các khoảng sân vườn…

Theo ông Hoàng, PA D1 giữ được ý tưởng ban đầu của PA dự thi. Tuy nhiên PA D1 cần khắc phục một số yếu tố như sảnh chính không nên làm cột che mất tầm nhìn mặt tiền công trình, hơn nữa, cột này cao đến 17,5m sẽ rất bất hợp lý. Mái che sảnh cũng cần nghiên cứu hình thức và chất liệu phù hợp. Phần mái hình phiễu ngược của công trình giống như một mái vòm gồm 5 cấp phá vỡ ý tưởng của PA dự thi chỉ có một cấp, mang biểu tượng cánh hoa sen… 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo