Ngày 13/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã họp với các đơn vị liên quan về các công trình chống ngập, chống triều cường trên địa bàn TP. Những năm qua, rất nhiều dự án thoát nước đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, tuy nhiên tình trạng ngập nước vẫn chưa được cải thiện như mong muốn.
Hạn chế điểm ngập mới
Trong thời gian qua, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt là TTCN) đã xóa được một số điểm ngập do mưa hoặc triều cường như đường Tôn Đức Thắng (quận 1), An Dương Vương nối dài (quận 6), Quang Trung (Gò Vấp), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Phan Văn Hớn (quận 12), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Tân Quý Tân Hương (quận Tân Phú), Phạm Thế Hiển (quận 8)... Thực hiện các giải pháp giảm ngập cấp bách tại 44 vị trí, trong đó có 20 vị trí đấu nối mở hướng thoát nước cho các điểm ngập đã phát huy hiệu quả trên nhiều tuyến. Lắp đặt 511 van ngăn triều tại các cửa xả, đang lắp bổ sung 226 van tại các khu vực có nguy cơ ngập.
Nạo vét 2.418km cống thoát nước, duy tu nạo vét 85 tuyến (14km) kênh rạch và cửa xả… đưa vào vận hành các trạm và nhà máy xử lý nước thải, giải quyết tình trạng ngập kinh niên khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường 3 Tháng 2, đường Minh Phụng và đường Hùng Vương - Hoàng Lệ Kha. Triển khai nhiều dự án như Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 1 và 2; cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên giai đoạn 1...
Đến nay đã hoàn thành trên 36 dự án cải tạo, lắp mới hệ thống thoát nước bằng nguồn vốn ngân sách. Riêng một số dự án thoát nước sử dụng vốn ODA (dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ; giai đoạn 2 dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) và dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang tiếp tục thực hiện. Đã đưa vào vận hành 184 km hệ thống thoát nước. Dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ Vàm Thuật đến Nam Rạch Tra) đã hoàn thành cơ bản nhiều cống lớn và tuyến đê bao dài 47,4 km, giúp ngăn triều cho 3.560 ha.
Quyết liệt từng giải pháp
Những năm tới, TTCN tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều tại khu vực trung tâm (diện tích 100km², dân số khoảng 3,3 triệu người); phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực bắc Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm (các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần các quận 6, 8, Bình Thạnh), khắc phục tình trạng ngập do thi công, hạn chế phát sinh các điểm ngập mới.
Đối với 5 vùng thoát nước còn lại (580 km², dân số khoảng 3,4 triệu người), phấn đấu giảm 70% các điểm ngập nước do mưa, 50% các điểm ngập do triều; kiểm soát, ngăn chặn không cho phát sinh điểm ngập mới.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc TTCN kiến nghị ghi vốn cho các dự án cấp bách, tăng nguồn kinh phí duy tu hệ thống thoát nước, sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1), cống kiểm soát triều sông Kinh, Tân Thuận…
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đề nghị TTCN rà soát lại toàn bộ các điểm ngập hiện hữu, các biện pháp và phương án giải quyết; Sở GTVT, các ban quản lý dự án rà soát toàn bộ tình hình tiến độ thực hiện các dự án; Sở Nội vụ xem xét, tổ chức thành một đầu mối tham mưu cho ủy ban về chương trình chống ngập nước TP. Giao TTCN xây dựng kế hoạch chi tiết về chương trình chống ngập đến năm 2015. Phó Chủ tịch đề nghị các sở ngành giải quyết các kiến nghị của TTCN và báo cáo UBNDTP trong thời gian sơm nhất để giải quyết.
Q.H - L.T
- Trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô trong năm 2012
- Đan Mạch giúp Việt Nam tăng trưởng xanh
- Điều chỉnh Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP Hải Phòng
- Hà Nội trình tiếp 588 dự án để Chính phủ phê duyệt
- Trà Vinh công bố quy hoạch chung khu kinh tế Định An
- Thông tuyến cống nước thải nằm sâu gần 40m dưới đáy sông Sài Gòn
- ADB cho Việt Nam vay 293 triệu USD xây dựng đường sắt đô thị
- Thành lập quỹ phát triển đất thành phố Hà Nội
- Quy hoạch 10 khu du lịch trọng điểm quốc gia
- Thí điểm các tuyến phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm