Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tiếp tục theo dõi những tác động, hiệu quả kinh tế-xã hội của công trình hầm Thủ Thiêm sau khi công trình này đưa vào hoạt động.
Mặt khác, trong trường hợp công trình có vấn đề gì, JICA cũng sẽ có những hỗ trợ về kỹ thuật, vốn để xử lý.
Đây là khẳng định của ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam trong buổi gặp gỡ báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 19/11, nhân dịp hầm dìm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông Tây sẽ được đưa vào hoạt động ngày 20/11.
Ông Motonori Tsuno chia sẻ: "Cá nhân tôi đã tham gia vào quá trình hình thành dự án này từ những năm cuối thập kỷ 90 nên tôi rất vui mừng khi nhận thấy một diện mạo mới hoàn toàn so với những năm trước đây, khi còn có dòng kênh bị ô nhiễm, những ngôi nhà lụp xụp và giao thông hỗn loạn. Nhưng chắc chắn sự thay đổi sẽ không dừng lại ở đây và tôi hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai thịnh vượng của khu vực Thủ Thiêm sau khi hoàn thành dự án đáng ghi nhớ này."
Theo đại diện JICA tại Việt Nam, Đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm là một tài sản hạ tầng quý giá của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần kiến tạo một cửa ngõ chính vào trung tâm thành phố, giảm hiện tượng ùn tắc giao thông trên cầu Sài Gòn và các trục đường chính trong trung tâm thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết ô nhiễm môi trường dọc theo kênh Tàu Hũ Bến Nghé.
Chia sẻ với báo chí Việt Nam về các vấn đề kỹ thuật, công nghệ, xử lý các sự cố, đại diện các nhà thầu, tư vấn của Nhật Bản thực hiện công trình Đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm khẳng định đến giờ phút này hầm Thủ Thiêm đã được thi công đảm bảo về chất lượng, đạt được những yêu cầu cao từ phía Việt Nam đưa ra.
Ông Ryuji Manai, Giám đốc dự án, Công ty Tư vấn Oriental cho biết, đối với công trình hầm dìm, việc dùng công nghệ chống thấm là yếu tố quyết định đối với sự bền vững và an toàn của hầm.
Hầm Thủ Thiêm được dùng chất dẻo để bọc chống thấm, đồng thời mối nối các đốt hầm được sử dụng một loại cao su đặc biệt, đặt vào các đoạn nối, rất an toàn. Hiện nay, trong hầm dìm đảm bảo không có một hạt nước nào.
Giải đáp lo ngại về vấn đề ngập nước, tràn nước từ miệng hầm ở hai đầu, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, hiện nay cao độ của miệng hầm Thủ Thiêm cao 1,85 mét so với mực nước biển, đây là mức khá an toàn khi nước sông Sài Gòn dâng cao.
Mặt khác, hai đầu hiện cũng đã được trang bị máy bơm công suất lớn có thể bơm thoát nước khi có lượng mưa 100mm.
Dự án Đại lộ Đông Tây có tổng chiều dài gần 22km, có 6 làn xe nối Quốc lộ 1A ở phía Tây với xa lộ Hà Nội ở phía Đông; trong đó, công trình hầm Thủ Thiêm có chiều dài 1.490m.
Liên quan đến công tác thông xe hầm Thủ Thiêm, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 21/11 hầm sẽ được đưa vào phục vụ nhân dân.
Để đảm bảo lưu thông được an toàn, hiệu quả, Sở Giao thông vận tải đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông cần phải chấp hành nghiêm theo đúng hướng dẫn của hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ hoặc theo hướng dẫn của cảnh sát giao thông, lực lượng điều tiết giao thông./.
Hoàng Anh Tuấn
- Phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025
- Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
- Ký kết hợp đồng tư vấn dự án Nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận 1
- Hà Nội thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch phân khu đô thị
- Hà Nội quy định quản lý kiến trúc đối với nhà mặt phố
- Quy hoạch Đà Lạt: Hạn chế mở rộng nội thành
- Nhà nước sẽ đóng vai chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ
- Hơn 600 triệu USD xây Trung tâm vũ trụ Việt Nam
- Tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng đến năm 2020 có thể vượt 300 tỷ USD
- Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị chủ động ứng phó nước biển dâng