Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Tin tức Sự kiện Hội nghị Việt - Nhật lần thứ 6 về Xây dựng

Hội nghị Việt - Nhật lần thứ 6 về Xây dựng

Viết email In

Hội nghị Việt - Nhật lần thứ 6 về Xây dựng do Bộ Xây dựng (MOC) phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức tại Hà Nội, ngày 27/9/2016. 

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó Thứ trưởng Bộ MLIT Yasuki Kaibori, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai.  

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định: Trong 43 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã liên tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, đào tạo. 

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam và là nhà cung cấp nguồn vốn vay ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Hai nước đã triển khai hợp tác nhiều dự án ODA quy mô lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng của Việt Nam và các dự án đã được đưa vào khai thác hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam...

Riêng trong lĩnh vực xây dựng, Thứ trưởng nhận định: Nhiều năm qua, quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản không ngừng phát triển và mở rộng. Hai bên đã hợp tác trao đổi đoàn các cấp, tổ chức hội nghị Việt – Nhật theo định kỳ nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, phát triển đô thị sinh thái, phát triển nguồn nhân lực...

Hai bên cũng đã quan tâm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp (DN) 2 nước, bao gồm hợp tác nghiên cứu chuẩn bị cho dự án phát triển đô thị sinh thái (eco-city) tại Việt Nam; thí điểm sử dụng thành công công nghệ khoan kích ống ngầm của Nhật Bản tại một số công trình xây dựng của Việt Nam như dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 1 tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; Dự án vệ sinh môi trường TP, lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tại TP HCM; Dự án xử lý nước thải Yên Xá – Hà Nội....

Hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật do JICA Nhật Bản tài trợ, góp phần tích cực nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý của Bộ Xây dựng, hỗ trợ hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn, quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, an toàn và chất lượng công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, hai bên cũng đã quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Biên bản hợp tác về đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực xây dựng nhằm giám sát và nâng cao chất lượng chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam... 

Nhằm phát huy các kết quả hợp tác tích cực đã đạt được trong thời gian qua và tăng cường phát triển quan hệ hợp tác ngành xây dựng Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề xuất một số trọng tâm hợp tác. Theo đó, 2 bên hợp tác nghiên cứu, làm rõ mô hình cơ chế chính sách quản lý đầu tư xây dựng, bao gồm quản lý hành nghề xây dựng, vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, quản lý chi phí xây dựng…

Hai bên đồng thời trao đổi giải pháp công nghệ xây dựng, tiêu chuẩn quy chuẩn xây dựng; Hợp tác phát triển đô thị bền vững; Hợp tác phát triển nguồn nhân lực, bao gồm nguồn nhân lực cho ngành xây dựng, phát triển nguồn nhân lực xây dựng có tay nghề cao...

Nhất trí cao với nhận định của Thứ trưởng Lê Quang Hùng về mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, giữa Bộ Xây dựng và Bộ MLIT cũng như các đề xuất chương trình hợp tác trong thời gian tới, ông Yasuki Kaibori (Phó Thứ trưởng Bộ MLIT) và ông Katsuro Nagai (Tham tán công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) kỳ vọng quan hệ hợp tác sẽ ngày càng được phát huy, để các DN Nhật Bản có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam...

Cũng tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) Phạm Thị Hồng My đã báo cáo tổng quan thị trường xây dựng Việt Nam, bao gồm nhu cầu hiện tại cũng như những kỳ vọng trong tương lai. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2016, ngành xây dựng tăng trưởng 8,8%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.

Đề cập đến thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, bà My cho biết, 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 1.145 dự án cấp phép mới, với số vốn đăng ký 7,5 tỷ USD, tăng 51% về số dự án tăng 95% về vốn đăng ký. Với 496 triệu USD, Nhật Bản đứng thứ 4 trong số các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016.

Đáng mừng hơn nữa là kết quả lấy ý kiến của các DN Nhật Bản về thị trường ASEAN cho thấy Việt Nam là lựa chọn số 1 của DN Nhật Bản, với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Trước đó, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị G7 mở rộng, 2 Chính phủ đã có được những cam kết quan trọng. Nhật Bản triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á và sáng kiến kết nối Mekong - Nhật Bản. Nhật Bản đồng thời hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải (500 triệu USD); cải thiện môi trường nước TP HCM giai đoạn 2 (191 triệu USD, khoản vay lần 3); tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM Bến Thành - Suối Tiên (820 triệu USD, khoản vay lần 3). Đây cũng chính những cơ hội của các DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Bày tỏ sự quan tâm đến thị trường xây dựng Việt Nam, các đối tác Nhật Bản đã chia sẻ quá trình xây dựng và thực thi Luật Kiến trúc sư Nhật Bản (Luật Kenchikushi) và các Luật liên quan; chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài; kinh nghiệm trong quản lý chất lượng và an toàn tại các công trường xây dựng cũng như giới thiệu các công nghệ cải thiện đất nền cho công trình ngầm đô thị nói riêng, công nghệ xây dựng nói chung...

Liên quan đến việc sử dụng nguồn lao động nước ngoài tại Nhật Bản, Phó Ban Quan hệ quốc tế, Cục Kinh tế, Đất đai và ngành công nghiệp xây dựng (MLIT), ông Eiji Aoki cho biết: Nhằm chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic 2020 tại Tokyo, Nhật Bản đang xem xét thay đổi tình trạng cư trú đối với các tu nghiệp sinh kỹ thuật. Theo đó, thời gian cư trú của tu nghiệp sinh kỹ thuật được nâng lên thành 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Hơn thế, các tu nghiệp sinh được hưởng quyền lợi ít nhất là ngang bằng quyền lợi của lao động trong nước Nhật Bản. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có hiệu lực ngắn hạn, trong thời gian chuẩn bị cho Olympic và có thể kết thúc vào năm 2020.

Đây là cơ hội tuyệt vời cho các tu nghiệp sinh kỹ thuật của Việt Nam. Nhật Bản hiện là đất nước thiếu hụt lao động và có nhu cầu nhập khẩu lao động nước ngoài nhiều. Trong khi đó, đối với Việt Nam, Nhật Bản là thị trường thu hút lao động hấp dẫn, nhiều tiềm năng.

Với kỳ vọng được tham gia nhiều hơn nữa các dự án xây dựng tại Việt Nam, Phó chủ nhiệm Marketing và Phát triển khu vực Đông Dương TCty Taisei (nhà thầu thi công Nhà ga T2 Nội Bài), ông Taiji Yanai cam kết: Các công trình do Taisei đảm nhiệm luôn bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn. Quan trọng hơn nữa là khi đã nhận thầu, trong quá trình triển khai thi công, Taisei không điều chỉnh giá thầu như các nhà thầu khác... 

(Báo Xây dựng / ảnh: Ashui.com)  


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...