Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh”

Hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh”

Viết email In

Ngày 6/5 tại Hà Nội, gần 100 nhà khoa học thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: địa chính, quy hoạch, kiến trúc, nông nghiệp, môi trường… đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội Golf VN và chủ các sân golf đã tham dự hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh” do Tổng hội Xây dựng VN tổ chức.

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, đến nay đã có 144 dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện thuộc địa bàn của 38 tỉnh, thành phố.

Cả nước hiện có 18 sân golf hoạt động chính thức: Đảo Vua - Đồng Mô (Hà Tây cũ), Chí Linh (Hải Dương), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Phoenix (Hòa Bình), Hà Nội (Sóc Sơn, Hà Nội), Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội), Móng Cái (Móng Cái, Quảng Ninh), Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Sông Bé (Bình Dương), Bochang (Đồng Nai), Nam Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), Vũng Tàu  (Bà Rịa Vũng Tàu), Đà Lạt (Lâm Đồng), Ocean Dunes Phan Thiết (Bình Thuận), Sea Links (Bình Thuận), 2 sân mới mở cửa 9 hố: Colin Montgomerie Link (Quảng Nam), Đầm Vạc (Vĩnh Phúc). 

Theo ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng VN, xây dựng xanh là một định hướng phát triển bao trùm hầu hết các lĩnh vực của đời sống, càng đặc biệt đối với các nước đang phát triển, trong đó có VN. “Xây dựng xanh” cũng sẽ là một chuỗi các tọa đàm, hội thảo – mà “Sân golf và xây dựng xanh” được Tổng hội xây dựng VN đề cập đầu tiên, do tính thời sự xã hội của nó.

  • Ảnh bên : Đất nông nghiệp của người dân thôn Karen, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng sẽ nhường lại cho một dự án sân golf (Ảnh: L.N.M)

Ông Hùng cho biết, trong mấy năm gần đây sự phát triển sân golf đã bị phê phán nặng nề trên cả 3 mặt: chiếm dụng đất đai nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, tạo sự bất bình đẳng xã hội … Nhưng trên thực tế chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào đủ sức khẳng định rằng cần phải chấm dứt các hoạt động xây sân golf. Mặt khác, những thông tin thế giới lại cho chúng ta thấy nó là ngành kinh tế đặc thù, có khả năng xã hội hóa và mang lại các lợi ích kinh tế. Vì thế, ông Hùng cho rằng đây là đối tượng mới mẻ trong phạm trù xây dựng ở VN.

Giáo sư Tôn Gia Huyên (Hội Khoa học đất VN) nêu rõ thực trạng quá trình quản lý và phát triển sân golf trong thời gian qua là “có vấn đề”. Hiện cả nước chưa có một quy hoạch tổng thể cho phát triển sân golf. Việc hình thành hệ thống sân golf hiện nay thể hiện tính tự phát rất rõ, phần lớn phụ thuộc “sáng kiến” của nhà đầu tư. Đất dùng làm sân golf thật sự chiếm tỉ lệ thấp hoặc rất thấp trong các dự án sân golf, có nơi chỉ bằng 30% diện tích được cấp, còn lại để xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, biệt thự, khách sạn, du lịch sinh thái, công viên cây xanh, vui chơi giải trí...

Do giá thuê đất làm sân golf thấp hơn giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại nhiều lần nên nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản, thu hồi vốn nhanh hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Chu, tổng thư ký Hiệp hội Golf VN, thẳng thắn thừa nhận bản thân sân golf không mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi nhuận. Các lợi nhuận chủ yếu dựa vào bất động sản. Chi phí thu từ khách đánh golf và các dịch vụ liên quan nói chung chỉ đủ trang trải chi phí hoạt động. Các sân golf ở xa khu đô thị, không thuận lợi giao thông, không có vị thế đẹp có thể mang đến cho nhà đầu tư mạo hiểm và bất lợi.

Thực chất sân golf là phần tử cấu thành cần thiết trong các dự án nghỉ dưỡng, đô thị và khu công nghiệp. Do vậy cần thiết phải hoán vị lại tên các dự án, không để cho tên sân golf ở vai trò chính mà chỉ là vai trò phụ”- ông Chu nói.

  • Ảnh bên : Sân gôn Ngôi sao Chí Linh, Hải Dương

Nhìn chung, các ý kiến tại Hội thảo không tập trung “xới lại” nhưng vấn đề cũ mà đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để đưa ra những nhận định có tính khoa học, ý kiến xác đáng…  từ đó tập hợp kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền có những chính sách cụ thể cho loại hình này.

Trong đó, qui hoạch sân golf là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ý kiến. Chẳng hạn, một dự án sân golf được xây dựng ở những “sa mạc” cát trắng như Phan Thiết, Nha Trang, Quảng Nam…hay những vùng trung du đất đai bạc màu sẽ giúp chống xói mòn, chống sạt lở nhờ được phủ xanh bởi sân golf. Hay việc qui hoạch sân golf gắn với qui hoạch xanh sẽ tạo quỹ đất và quỹ cây xanh cho các đô thị, tạo cảnh quan môi trường. Qui hoạch phát triển sân golf có định hướng sẽ hạn chế được rất nhiều những tác động không tốt mà các ý kiến không đồng tình cho là “hệ lụy” mang lại từ sân golf. Tốt nhất chỉ đầu tư sân golf trên khu đồi dốc, sườn núi, những khu đất làm nông nghiệp không hiệu quả hoặc nhưng khu đất không có khả năng làm nông nghiệp, đất các khu công nghiệp cũ, đất ven sông, hồ...

Việt Khang (tổng hợp)

>> Sân golf – lợi cảnh quan hay hại môi trường? 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...