Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Sự kiện Trao giải cuộc thi “Đánh thức không gian”

Trao giải cuộc thi “Đánh thức không gian”

Viết email In

Hãy để nghệ thuật biến đổi thành phố của bạn” - slogan ấy được chúng tôi nêu ra trong lễ phát động cuộc thi vào tháng 12/2008 tại Hà Nội, và điều bất ngờ vượt ngoài dự kiến của chúng tôi, khi lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức ở Việt Nam, nhưng chỉ sau  3 tháng phát động, đã có gần 500 không gian công cộng tại các thành phố từ Bắc vào Nam được “đánh thức” bằng các ý tưởng có giá trị nghệ thuật.

Cuộc thi Đánh thức không gian do báo TT&VH phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức (Công ty ASHUI bảo trợ thông tin) đã thu hút gần 500 thư gửi bài dự thi. BTC đã giới thiệu 274 bài trên trang web thu hút 134.399 lượt truy cập. Lễ trao giải cuộc thi được tổ chức vào 18h chiều nay (27/3) tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (42- Yết Kiêu, Hà Nội). Cùng với Lễ trao giải có tọa đàm về Nghệ thuật trong không gian công cộng đô thị. 

Một số hình ảnh (cập nhật sau chương trình):

KẾT QUẢ 

01 Giải Nhất :

Tác phẩm “Cầu Long Biên - Ngày và đêm” (đạt số phiếu tuyệt đối)

Tác giả: LẠI THÀNH TÍN, LÊ ANH QUYẾN, ĐẶNG NGỌC TÚ
Sinh viên năm thứ 4, lớp O5K2, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội


05 giải Nhì
được trao cho 05 tác phẩm:

1. Bồn nước – mơ chiếc áo mới
Tác giả: Nguyễn Thành Nhân.
Sinh viên năm 4 khoa sơn dầu
Trường Đại học Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh.

2. Đánh thức không gian bằng âm nhạc và ánh sáng
Tác giả: Trần Thị Trường
Báo Người Đô thị
59 Tràng Thi, Hà Nội

3. Con đường đặc biệt cho những nghệ thuật “không bình thường”
Tác giả: Trương Trần Tiên Thảo - Nguyễn Hồ Kim Long, HCMC

4. Dòng sông màu sắc
Tác giả: Nguyễn Trần Hiếu
2/38/39 Phố Đại Đồng, Phường Thanh Trì, Quận Hoàng Mai, Hà Nội

5. Cột điện – bóng cây
Tác giả : Trương Nam Thuận
96/1/17 Phan đình phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, tphcm


04 giải ý tưởng
được trao cho 4 tác phẩm:

1. Qua đường nhớ phố
Tác giả: Trần Hậu Yên Thế
Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, 42 Yết Kiêu, HN

2. Con đường âm nhạc
Tác giả: Đào Nguyên Thạch Thảo &  Nguyễn Thọ Cường
268 Pasteur P8 Q3 TPHCM

3. Bức tranh của tự nhiên
Tác giả: Trương Nam Thuận
96/1/17 Phan đình phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, tphcm

4. Vô di ảnh
Tác giả: Đỗ Thái Thuận
Địa chỉ:  44/24,f13,Quận Tân Bình,tpHCM


01 giải Ashui
(Kiến trúc):

Tác phẩm: “Chung và riêng”
Họ tên: DƯƠNG HỒNG HIẾN
Nơi làm việc: Công ty TNHH Kiến Trúc Dương Hồng Hiến (dhhA company)
Địa chỉ: 81/61 Hồ Văn Huê, phường 9, Quận Phú Nhuận. TP Hồ Chí Minh


Danh sách bằng khen
:

1. Nhóm cải thiện cho các công trình công cộng mới của đô thị như đường hầm- cầu vượt

Những chiếc cầu trên mây
Tác giả: Phạm thị Hồng Sâm
Địa chỉ: số 33, ngõ 521, đường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Về Quá Khứ
Tác giả: Dương Minh Hạnh
Số 10 ngách 99 ngõ 354 Trường Chinh – Đống Đa – Hà Nội

2. Nhóm cải thiện cảnh quan đường phố

Smiling – let this moment save the World
Tác giả: Nguyễn Thị kiều Oanh
Địa chỉ liên lạc: 27 Nguyễn Sơn Hà, phường 5, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Những chiếc ghế nghệ sĩ bên Hồ Hoàn Kiếm
Tác giả: Nguyễn thị Thu Thuỷ
Địa chỉ liên lạc : Báo Hà Nội mới – 44 Lê Thái Tổ , Hà Nội

3. Nhóm cải thiện không gian công cộng bằng các hoạt động cộng đồng

Chung tay xây dựng góc phố họa sỹ của TP.HCM
Tác giả: Nguyễn Quốc Bảo
Địa chỉ: 174 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3, TPHCM

4. Nhóm các ý tưởng mang đậm nhân văn

Giấc mơ đêm pháo hoa giao thừa cùng trẻ em nghèo
Tác giả: Vũ Trọng Tình
Sinh viên năm thứ 3 Học Viện Ngân Hàng.

Tổ chức triển lãm tranh vẽ trên cầu dành cho người đi bộ
Tác giả: Vũ Đình Nhân
Địa chỉ: Số nhà 26N11C-141 Hồ Đắc Di – Nam Đồng – Đống Đa- Hà Nội.

5. Nhóm gắn với các vấn đề thời sự

Cuộc chạy trốn của rùa Hồ Gươm
Tác giả: An Việt Hưng.
Nghê nghiệp: Kiến trúc sư, Xưởng thiết kế kiến trúc và nội thất AVH.Studio

6. Nhóm quy hoạch kiến trúc

Vườn văn Quốc tử giám
Tác giả: Lê Khánh Ly
Bộ môn Lâm nghiệp đô thị, trường Đại học Lâm nghiệp

Vườn cổ tích
Tác giả: Thái Bình Dương
Địa chỉ: Số 4, ngách 155/92 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội


Cầu Long Biên sẽ được đánh thức với ý tưởng “Cầu Long Biên - Ngày và đêm”

1. Cầu Long Biên sẽ sống dậy với những ký ức lịch sử (Cầu Long biên: Ngày và đêm); Cột Cờ - Cửa Bắc Thành sẽ được đánh thức bằng bản nhạc giao hưởng trữ tình (Đánh thức không gian bằng âm nhạc và ánh sáng); đường Huyền Trân Công Chúa sẽ là con đường  của âm nhạc (Con đường âm nhạc)... Cuộc thi đã cho thấy một điều lý thú là có rất nhiều thứ ta gặp hàng ngày, tưởng như đã cũ kỹ, nhàm chán thì nay bỗng sống dậy, tưởng như được cây đũa thần chạm vào. Đó là chiếc bồn nước cũ kỹ trên đường phố Sài Gòn sẽ không còn đen đúa rêu mốc nữa mà sẽ bừng dậy với  chiếc áo mới (Bồn nước – mơ chiếc áo mới); đó là những con thuyền sắt, xi măng trên suối Yến vào chùa Hương sẽ trở thành những bức tranh màu sặc sỡ và Suối Yến trở thành dòng sông màu sắc hài hoà với hai bờ cỏ cây (Dòng sông màu sắc). Rồi cả đến những biển hiệu khô cứng, cả những cây cột điện xi măng xấu xí cũng được thổi hồn bởi những ý tưởng lãng mạn tuyệt vời và chúng trở nên sống động hơn bao giờ hết (Qua đường nhớ phố, Cột điện- bóng cây).


“Đánh thức” biển hiệu giao thông trong ý tưởng “Qua đường nhớ phố”

Rất nhiều những không gian mới đã thức dậy thực sự trong Cuộc thi này. Đó là sự thức dậy của sắc màu, hình ảnh, âm thanh - đẹp hơn, tươi mới hơn, thân thiện, gần gũi hơn. Nhưng đó còn là sự thức dậy của chiều sâu lịch sử văn hoá, của những giá trị tinh thần lớn lao có tính triết lý sâu sắc. Đó là ý tưởng “Cầu Long Biên ngày và đêm”. Ai cũng biết cầu Long Biên từng bị bom Mỹ đánh phá làm gẫy một số nhịp và sau đó được hàn gắn lại. Thế nhưng ít ai biết rằng sau khi hàn gắn cầu Long Biên đã bị “là phẳng”, tức là mất đi những nhịp cầu nhấp nhô vươn lên (mà chỉ còn một đoạn nhấp nhô đầu cầu phía ga Long Biên). Rõ ràng cây cầu đã thay đổi. Làm sao để đánh thức ký ức của mọi người (và cũng là ký ức lịch sử) về một cầu Long Biên từ thủa ban đầu ấy? Giải pháp đưa ra thật kỳ lạ, như tác giả của ý tưởng này trình bày: Dùng đèn chiếu cao áp và hệ gương cầu,chúng ta có thể tái tạo các nhịp cầu đã mất, hoặc dùng dây căng mà đèn bóng bọc nhựa để chăng lên thành các nhịp cầu. Tóm lại là mô phỏng lại những nhịp cầu đã biến mất, để ban đêm khi ánh sáng bật lên, cây cầu hiện ra nguyên vẹn như thủa ban đầu với đầy đủ các nhịp cầu nhấp nhô. Điều thú vị hơn nữa, là ban ngày khi ánh sáng tắt đi thì cây cầu lại trở về với hiện thực. Quá khứ đã được tái hiện, nhưng không lấn át hiện tại và tiếp nối với hiện tại. Đó là cái ý tưởng tuyệt vời nhất.

  • Ảnh bên : “Đóng khung” một cái cây, tạo thành bức tranh trong ý tưởng “Bức tranh của tự nhiên”

Những người làm mỹ thuật đương đại cũng thực sự bị thuyết phục bởi một “sắp đặt” Cột điện – bóng cây của một tác giả “ngoại đạo”. Đây là ý tưởng rất khả thi ở những con đường nhất định, nhất là những phố đi bộ: Tác giả đề xuất giải pháp “vẽ” những cái bóng cây xuống nền đường ngay tại vị trí bóng của các cột điện đổ xuống. Sắp đặt này tạo ra một “ảo giác” thú vị giúp người đi đường “mát mắt” nhờ những cái bóng cây tưởng tượng.
Nếu bỏ qua tính khả thi, thì có thể kể đến những ý tưởng xuất sắc nhất, đẹp đẽ nhất như: Con đường âm nhạc, Vô di ảnh, Qua đường nhớ phố, Bức tranh của tự nhiên. Chủ đề tư tưởng của Vô di ảnh rất giàu ý nghĩa: Trong một ngày nhất định, mà cụ thể là ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, hình ảnh que nhang tưởng niệm cho những người hi sinh sẽ đồng loạt sáng lên. Ý tư tưởng này rất nhân văn, và có ý nghĩa sâu sắc, lay động đến tận đáy tâm can mỗi người.

Tuy ý tưởng “đóng khung” (frame) thiên nhiên  không còn quá mới mẻ, nhưng ý tưởng “Bức tranh của tự nhiên” đưa ra nội dung cụ thể là đóng khung một cái cây tại vị trí ven bờ sông, bờ kênh lại rất độc đáo và khả thi.

2. Còn rất nhiều ý tưởng đánh thức không gian đầy bất ngờ và lôi cuốn khác. Trong 500 ý tưởng dự thi, chúng tôi thấy thấy nổi bật lên các nhóm ý tưởng mà chúng tôi tạm phân loại ra như sau: Nhóm trang trí cho các công trình công cộng mới  trong các đô thị (như hầm bộ hành, cầu vượt…). Tiêu biểu cho nhóm này là “Những chiếc cầu trên mây”. Tác giả đã đề xuất giải pháp sơn hình ảnh bầu trời trong xanh mây trắng ở dưới bụng những chiếc cầu vượt, để những người tham gia giao thông trên làn đường phía dưới sẽ không còn cảm giác chui dưới gầm cầu bê tông thô kệch nữa, mà là đang đi dưới bầu trời đầy mây. Còn Về Quá Khứ của bạn Dương Minh Hạnh thì có tham vọng biến hầm bộ hành Ngã Tư Sở thành nơi triển lãm nghệ thuật đương đại, hay một bảo tàng Hà Nội thu nhỏ. Nhóm ý tưởng thứ 2 là nhóm cải thiện cảnh quan đường phố. Với tiêu đề “Smiling – let this moment save the World” (Nụ cười – hãy để giây phút này cứu rỗi thế giới), bạn Kiều Oanh muốn trang trí khoảng tường đơn điệu trên đường phố, nhưng không phải là bằng các biển quảng cáo hay hình graffity, cũng không phải bằng phù điêu mà bằng các hình ảnh những gương mặt cười khác nhau cả về sắc thái lẫn đối tượng. Thông điệp của bạn rất sâu sắc “sự lan truyền niềm vui sống”. Nhóm thứ 3 gồm các ý tưởng cải thiện không gian công cộng thành địa điểm sinh hoạt hoạt động cộng đồng. Có thể kể đến ý tưởng “Chung tay xây dựng góc phố họa sỹ cho TP.HCM” của bạn Nguyễn Quốc Bảo.

Điều đặc biệt phải ghi nhận qua Cuộc thi này là sự tham gia của các bạn trẻ rất nhiệt tình. Điều đó cho thấy giới trẻ không hề thờ ơ với cảnh quan đô thị, nơi họ đang sống. Rất nhiều các bạn trẻ đã trình bày các ý tưởng đánh thức không gian một các lãnh mạn và đáng yêu nhất, xì teen nhất (nhóm 4). Khi thưởng thức ý tưởng Music box- Âm nhạc cho tâm hồn của bạn Đào Nguyên Thạch Thảo, không ai là không mỉm cười. Bạn muốn đặt những  phòng nhỏ xinh xắn, như buồng điện thoại công cộng trong công viên. Đó sẽ là những Hộp Nhạc trên đường phố. .. Mỗi khi muốn nghe nhạc, hãy bỏ vào máy 1 xu 2000 đồng. “Mỗi ngày phải đối mặt với rất nhiều tiếng ồn xe cộ, thì một bài hát nhỏ sẽ khiến tâm hồn thư thái hơn..”- bạn Thảo giãi bày.

Sự quan tâm đến cộng đồng nói chung và những đối tượng thiệt thòi trong xã hội là một minh chứng điển hình nhất của một xã hội phát triển. Rất mừng là cuộc thi đã nhận được rất nhiều những ý tưởng  mang đậm tính nhân văn (nhóm 5). Tiêu biểu cho nhóm ý tưởng này là “Giấc mơ đêm pháo hoa giao thừa cùng trẻ em nghèo” của bạn Vũ Trọng Tình. Bạn đề xuất bắn pháo hoa đêm giao thừa trên cầu Long Biên để cây cầu di sản này sáng lên lộng lẫy trong khoảnh khắcvà kết nối hai bờ sông. Và đặc biệt, những người dân nghèo sống giữa nơi tối tăm là bãi giữa sẽ thấy cái tết vui hơn khi những chùm pháo rực rỡ thắp sáng ngay trên những luống ngô, luống cà của họ. Cùng với “Giấc mơ đêm pháo hoa” là ý tưởng  Tấm thảm đỏ của bạn Trương Nam Thuận.  Có thể nói đây là một ý tưởng tinh tế và rất nhân văn với người khuyết tật. Xuất phát từ chỗ những bậc lên xuống trước cửa chính Nhà hát lớn TP.HCM rất cao và không có đường lên cho người khuyết tật. Thay vì giải pháp thuần túy kỹ thuật là làm một con đường dành cho xe lăn ở hai bên nách như vẫn thường thấy thì bạn đề xuất làm đường cho người khuyết tật ở chính giữa cửa Nhà hát, và trải thảm đó con đường đó giống như sân khấu lễ trao giải Oscar. Bạn Thuận muốn thông qua hình thức đó để động viên và tôn vinh ý chí của những người khuyết tật - một hình thức ý nghĩa và không những không làm phá hỏng kiến trúc của tòa nhà này, mà còn làm cho mặt tiền của Nhà hát thêm ý nghĩa.

Cuộc thi còn nhận được các ý tưởng gắn với các vấn đề thời sự (nhóm 6), chẳng hạn Hàng rào “Xanh” , góp phần làm giảm bức xúc thị giác của người dân trước các lô cốt đào đường. Còn “Cuộc chạy trốn của rùa Hồ Gươm”  thì là những cảnh báo sâu sắc về vấn đề môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được hàng loạt các bài dự thi thuộc nhóm các ý tưởng cải thiện trật tự và tiện ích đô thị (nhóm 7) và nhóm các ý tưởng sử dụng các thành tựu  KHKT mới, thân thiện với môi trường. Cuối cùng chúng tôi phải mở ngoặc nói thêm về nhóm các ý tưởng quy hoạch kiến trúc (nhóm 9) được thực hiện một cách chuyên nghiệp và bài bản. Vườn văn Quốc tử giám, Chung và riêng, Vườn cổ tích hay Bảo tháp Tượng đài Thánh Gióng ngàn năm… đều là những đồ án công phu tâm huyết của các tác giả, nhóm tác giả. Vì tính chuyên nghiệp đó, công ty ASHUI đã trao một giải riêng cho ý tưởng tiêu biểu nhất trong nhóm các ý tưởng này.

Cùng với các giải thưởng chính thức, BTC cuộc thi cũng ghi nhận những ý tưởng xuất sắc trong các nhóm nói trên, đồng thời sẽ xem xét để có thể gửi các ý tưởng này về các địa phương liên quan để các địa phương nghiên cứu, và có thể phát triển, hoặc khai thác sử dụng.

Chúng tôi hy vọng rằng qua cuộc thi này, bằng sự nỗ lực của tất cả chúng ta sẽ có những không gian mới được thức dậy. (TT&VH)

Sáng 29/3 tại khách sạn Duxton (63 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi “Đánh thức không gian” và Tọa đàm về nghệ thuật trong không gian công cộng nhân cuộc thi này. Tham gia thảo luận có nhiều thành phần tham dự, xoay quanh rất nhiều vấn đề, trải rộng từ lịch sử, văn hóa cho đến kiến trúc, xây dựng trong hiện tại.

Việc sử dụng không gian công cộng

Cảm giác ban đầu của rất nhiều người, trong đó có họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân, là cuộc thi Đánh thức không gian có vẻ viển vông, vì dường như nó không bám vào thực tế, mà chỉ là thi ý tưởng. Tuy nhiên, khi cuộc thi diễn ra, trong một khuôn khổ không thật sự rộng lớn, nhưng nó đã thu hút được 500 ý tưởng và giải pháp gởi về, khiến cho ban tổ chức, ban giám khảo đã làm việc khá vất vả. 
 
Đến với phần thảo luận, Nguyễn Quân cho rằng từ thế kỷ 19 trở về trước, Việt Nam chưa có không gian đô thị đúng nghĩa, nên việc làm quen với lối sống đô thị còn khá non trẻ. Việc này khác xa với truyền thống đô thị của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… nên việc ứng xử, sử dụng các không gian công cộng của khoảng 80% dân quê ra phố là chưa phù hợp.

Còn nhà thơ Trần Tiến Dũng thì cho rằng chủ quyền công cộng tại TP.HCM đang phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: nhà quản lý - quy hoạch - đầu tư - xây dựng “chừa” ra bao nhiêu; và quần chúng “giành” được bao nhiêu. Ông cho rằng điều này chưa hợp lý, vì để có chủ quyền công cộng thì phải có luật hoặc quy định thật chi tiết, rõ ràng về không gian công cộng trước, không thể chỉ dựa vào sự ban phát của chính quyền và của các nhà đầu tư.

Nhà báo Thế Thanh chốt lại vấn đề này khi cho rằng việc xác lập chủ quyền cho các không gian công cộng là việc phải làm ngay và làm cho đúng. Hơn nữa, cũng nên xác định lại trình độ chuyên môn của người đại diện quản lý chủ quyền công cộng, bởi nếu không đủ trình độ và kiến thức, việc vi phạm và làm sai là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Ông Nguyễn Trọng Hòa (Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển) cũng xác nhận chính quyền TP.HCM đang đấu tranh đề giành giật lại không gian công cộng từ tay các chủ đầu tư, để làm sao thành phố có nhiều không gian công cộng hơn nữa, qua đó, đánh thức các không gian cũ, và phát triển các không gian mới.

Đánh thức ý thức về không gian

Nhà thơ Trần Tiến Dũng có lẽ là người đầu tiên trong buổi thảo luận đưa ra khái niệm “đánh thức ý thức về không gian”. Ông Dũng cho rằng các không gian công cộng đang bị hiểu sai và sử dụng sai là khá phổ biển hiện nay. Ông nói rằng đánh thức không gian thì chẳng có ý nghĩa gì, vì không gian “thức dậy” rồi sao nữa, khi ý thức của cộng đồng về điều này chưa được đánh thức.
 
KTS Hồ Viết Vinh (ĐH Kiến trúc TP.HCM) nhận định không gian công cộng phải được nhận diện từ 3 góc độ: nơi lưu giữ ký ức của cộng đồng; nơi mọi người sử dụng chung – như một tài sản quý báu; và phải ở vị trí thuận lợi, một không gian đẹp. Nghệ sĩ Natalie Woof xác định ý thức về không gian công công phải được nhận diện qua 5 yếu tố quan trọng: 1) Sự bao dung; 2) Sự lành mạnh; 3) Sự độc đáo; 4) Sự bền vững; 5) Sự thân thiện.
 

Bồn nước ở góc đường Nguyễn Văn Đậu – Trần Bình Trọng trước và...
 

... sau khi được “đánh thức” (giải Nhì)
 
KTS Nguyễn Văn Tất cho rằng để ý thức ấy được bền vững thì chính quyền, nhà đầu tư, người dân và nghệ sĩ phải biết phối hợp với nhau. Nếu chỉ “đổ lỗi” cho chính quyền, hay chỉ “quy trách nhiệm” về phía nghệ sĩ thì sẽ không bao giờ tạo dựng được ý thức về không gian, vì nhà đầu tư và quần chúng chưa được thông hiểu.


 
Như Hà - ảnh : Cao Mạnh Tuấn / TT&VH 

Website: http://ashui.com/danhthuckhonggian 

Việt Khang (tổng hợp) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo