Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Thế giới Cứu “cung điện” tranh khảm Trung Đông

Cứu “cung điện” tranh khảm Trung Đông

Viết email In

Gần thành phố cổ Jericho ở Bờ Tây, kiến trúc sư Thụy Sĩ Peter Zumthor – chủ nhân của giải kiến trúc Pritzker năm 2009 – đang làm một kiệt tác của riêng mình nhằm cứu những bức tranh khảm, trong đó có cả bức lớn nhất Trung Đông.

Được Chính quyền Quốc gia Palestine và UNESCO tín nhiệm, kiến trúc sư 67 tuổi này đã làm một nhà che độc đáo mang tên House of the Mosaics (Ngôi nhà của các bức tranh khảm) để bảo vệ những bức tranh nói trên trong cung điện Hisham.


Bức tranh khảm nổi tiếng Tree of Life

Ngôi nhà và đường dẫn tiếp cận bức tranh

Cung điện Hisham nổi tiếng với những bức tranh khảm, trong đó có bức Tree of Life (Cây cuộc đời). Bức tranh này mô tả một cái cây thần thoại với 2 chú hươu đang nhởn nhơ đùa bên cây, còn một bên cây con hươu thứ 3 đang bị sư tử tấn công.

Trong phòng tắm ngoài trời của cung điện còn có bức tranh khảm có diện tích tới 850 m2 và theo các chuyên gia, đây là bức tranh khảm trên sàn nhà được bảo tồn tốt nhất ở Trung Đông và nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, các hoa văn hình học đan xen nhau của những bức tranh khảm đã bị phủ dưới một lớp cát. Và kiến trúc sư Zumthor – nổi tiếng với những công trình tôn giáo và văn hóa – đang muốn tạo một cấu trúc lâu bền hơn để tránh cho di chỉ bị tổn hại bởi ánh mặt trời, mưa và bão cát.

Zumthor bắt đầu xúc tiến dự án Cung điện Hisham từ năm 2006. Ông coi đây là công trình “tái xây dựng đầy xúc cảm” hơn là một dự án phục chế truyền thống. “Ý tưởng này được đưa ra là để tái tạo không khí độc đáo của một thành phố thư thái, để làm một nhà che tạo công trình cột mốc cho Jericho” – ông cho biết.

Theo thiết kế, House of the Mosaics có những thanh xà ngang trên 16 chiếc cột bằng bê tông cốt sắt. Kiến trúc này cao 18 m, có màu trắng nhằm để cho ánh sáng tự nhiên lọt vào, trong khi vẫn tạo được sự thông hơi. Nơi đây còn có những con đường đi bộ cao hơn bức tranh khảm 3,5 m, qua đó khách tham quan có thể ngắm được bức tranh dưới sàn mà không gây hại gì đến nó, cũng như 2 khu vườn xung quanh di chỉ.

Tổng chi phí cho dự án này ước tính tốn kém khoảng 10-15 triệu USD và dự án này sẽ được khởi công vào năm 2013. Bộ Du lịch và Cổ vật của Chính quyền Quốc gia Palestine coi dự án này là sự đầu tư văn hóa có ý nghĩa nhất đang được xúc tiến ở lãnh thổ Palestine hiện nay và là mô hình cho việc bảo tồn các di chỉ khảo cổ khác.


“Lau dọn” bức tranh khảm dưới sàn cung điện

Có thể trở thành di sản thế giới

Thành phố Jericho ở Bờ Tây được có niên đại khoảng 10.000 năm tuổi và được coi là một trong những thành phố có người ở liên tục lâu đời nhất thế giới. Tàn tích của Cung điện Hisham – cung điện mùa Đông rộng 60 ha được xây dựng tại Khirbat al-Mafjar, phía Tây thung lũng Jordan, vào năm 743–744 trong đế chế Ummayad.

Di chỉ này được phát hiện vào năm 1873, nhưng đến những năm 1930 mới được khai quật lần đầu tiên khi nhà khảo cổ Anh Robert W. Hamilton bắt đầu làm việc ở đây. Cung điện mùa Đông là đại diện cho kiến trúc Hồi giáo thời kỳ đầu, với nhiều sàn nhà, sân có cổng, nhà thờ Hồi giáo, vòi phun nước và một phòng tắm hơi mang phong cách La Mã.

Từ lâu, cung điện này được cho là xây dựng trong triều đại Hisham bin Abd al-Malik, người thống trị đế chế Ummayad từ năm 723 đến khi qua đời vào năm 743. Nhưng giờ đây các chuyên gia tin rằng người cháu trai đồng thời là người kế nhiệm ông là al-Walid II đã xây cung điện này. Al-Walid II từng sống trong cung điện nhưng chưa bao giờ hoàn thành và nó đã bị phá hủy nhiều trong một trận động đất năm 749. Giờ đây, việc bảo tồn những gì còn lại của cung điện, trong đó có những bức tranh khảm ngoạn mục, là vấn đề cấp thiết của UNESCO. “Đối với UNESCO, dự án bảo tồn này là một vấn đề ưu tiên hàng đầu. Cung điện Hisham có tiềm năng trở thành một di sản thế giới”, Louise Haxthausen, phụ trách văn phòng Ramallah của UNESCO, cho hay.

Việt Lâm

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo