Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam TPHCM: Không bảo tồn biệt thự không còn nguyên trạng

TPHCM: Không bảo tồn biệt thự không còn nguyên trạng

Viết email In

UBND TPHCM vừa cho phép Sở Quy hoạch - Kiến trúc loại khỏi chương trình nghiên cứu bảo tồn một số loại biệt thự cổ, và cho phép hướng dẫn về quy hoạch-kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng cho chủ các biệt thự này theo quy định thông thường. 

Theo nguồn tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TPHCM, từ năm 2014 đến nay, cơ quan này đã nhận được hơn 41 trường hợp hồ sơ xin tháo dỡ nhà hiện trạng, cải tạo lại hoặc xây dựng mới trên các khu đất có nhà biệt thự hoặc có nguồn từ khuôn viên biệt thự.  


Theo Sở QHKT TPHCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.350 biệt thự cổ, tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố
(Ảnh: Mạnh Tùng) 

Theo đó, tất cả hồ sơ có liên quan đến biệt thự nêu trên, trước khi lập danh sách chuyển Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (là thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn Thành phố), Sở QHKT đều tiến hành các bước thụ lý theo quy trình. 

Sau khi rà soát 41 trường hợp, sở nhận thấy 17 trường hợp biệt thự đã bị phá bỏ, hiện tại chỉ là khu đất trống hoặc công trình khác và 12 trường hợp biệt thự chính vẫn còn nhận biết được nhưng đã bị chia cắt, có nhiều sở hữu chủ với pháp lý sở hữu riêng trên từng diện tích nhà đất trong khuôn viên biệt thự cũ…

Theo kiến nghị của Sở QHKT TPHCM trình lên UBND Thành phố, đối chiếu với Thông tư 38/2009/TT-BXD, những trường hợp nêu trên chỉ có giấy tờ về sở hữu liên quan đến biệt thự, còn thực tế hiện trạng kiến trúc hiện nay không thể xếp loại vào các nhóm công trình cần được bảo tồn.

Sau khi nghiên cứu, tham khảo các tài liệu kiểm kê, Sở QHKT cho rằng, những hồ sơ có tình trạng trên không cần phải tiến hành kiểm kê, đánh giá, phân loại biệt thự mà nên loại khỏi chương trình nghiên cứu bảo tồn và cho phép hướng dẫn về quy hoạch-kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng theo quy định thông thường.

Sở QHKT cho rằng, nếu cứ tiếp tục chờ hoàn thành việc phân loại biệt thự các trường hợp trên theo quy trình (tập hợp hồ sơ, phân công khảo sát, tổ chức kiểm kê, đánh giá, phân loại,...) sẽ không đúng đối tượng của chương trình nghiên cứu bảo tồn.

Việc làm này kéo dài cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu cải tạo, xây dựng công trình của các chủ đầu tư do kéo dài thêm thời gian giải quyết, tạo nên áp lực về tồn đọng hồ sơ tại cơ quan quản lý.

Như TBKTSG Online đã đưa tin, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở QHKT TPHCM) đang tiến hành kiểm kê khoảng 1.350 biệt thự cổ trên địa bàn TPHCM.

Các tiêu chí kiểm kê biệt thự cổ được phân loại thành ba nhóm: nhóm 1 là công trình có giá trị đặc biệt, cần bảo vệ nguyên trạng; nhóm 2 là nhóm có giá trị di sản và cần đưa vào diện bảo vệ một phần hiện trạng, và nhóm 3 là các công trình ít có giá trị, có thể được phép tháo dỡ. 

Mạnh Tùng 
(TBKTSG Online)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo