Từ ngày 16/2/2016, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) phải dự thi sát hạch để được cấp chứng hành nghề, theo quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BXD. Động thái này nhằm siết chặt tình trạng hỗn loạn của hoạt động giao dịch bất động sản trong thời gian vừa qua, song để áp dụng được quy định trên lại là một bài toán khó.
Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng chính thức có hiệu lực từ ngày 16/2, quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS.
Nhiều sàn giao dịch bất động sản tại TPHCM hiện có 500-700, thậm chí hàng ngàn nhân viên môi giới. Ảnh: TL
Theo quy định của thông tư này, người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung như kiến thức cơ sở, bao gồm pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS, thị trường BĐS, đầu tư BĐS, phòng chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS và phần kiến thức chuyên môn, gồm tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS, quy trình và kỹ năng môi giới BĐS, giải quyết tình huống trên thực tế...
Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Người dự thi sát hạch phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Người dự thi sát hạch đạt điểm thi và có đủ hồ sơ theo quy định thì được cấp chứng chỉ. Chứng chỉ có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp.
Thật ra, việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS không mới vì theo Bộ Xây dựng, trước đây đã có khoảng 26.000 nhân viên môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Trước đây, người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS chỉ cần học qua một lớp đào tạo cơ bản rất ngắn, sau đó nộp đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, quy định phải có chứng chỉ mới được hành nghề tại thông tư trên nhằm chuẩn hóa đội ngũ những người hành nghề môi giới BĐS, hạn chế những người làm môi giới thiếu chuyên nghiệp, làm ăn chụp giật, gây mất niềm tin trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện có những lo ngại về sự khả thi của quy định này.
Lãnh đạo một công ty địa ốc cho rằng, sẽ rất khó quản lý được đội ngũ môi giới BĐS để buộc ai cũng phải có chứng chỉ hành nghề, vì nhiều sàn môi giới lớn hiện nay có từ 500-700, thậm chí hàng ngàn nhân viên, chưa kể hàng trăm các sàn môi giới nhỏ với vài chục nhân viên rải rác khắp nơi. Theo đó, hoạt động môi giới BĐS hiện nay có phạm vi rộng lớn với nhiều hình thức nên cơ quan nhà nước khó lòng kiểm soát.
Trong khi đó, theo một giám đốc sàn với khoảng một trăm nhân viên tại Quận 2, TPHCM, số lượng nhân viên môi giới tại đây có chứng chỉ hành nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu rơi vào những người quản lý. Trong khi đó, nhân viên môi giới tại đây xuất thân từ đủ ngành học, trình độ khác nhau và chỉ được học nhanh một khóa môi giới BĐS do đơn vị này tự tổ chức.
Theo ghi nhận của TBKTSG Online tại một vài sàn giao dịch bất động sản trên Quốc lộ 13 và đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), đa số các nhân viên môi giới tại đây còn bỡ ngỡ trước thông tin về quy định mới trên. Ông H., một giám đốc sàn, cho rằng quy định theo thông tư trên sẽ khó khả thi bởi chỉ cần 1-2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thành lập và duy trì sàn, các nhân viên còn lại hoạt động khá tự do bên ngoài nên cơ quan nhà nước sẽ khó lòng quản lý.
(TBKTSG Online)
- Trà Vinh: Khởi công nhà máy điện gió 2.800 tỉ đồng
- Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý - Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu
- Mở rộng và chia trung tâm TP.HCM thành 5 phân khu
- Kiểm tra an toàn nhà ở, công trình cũ tại đô thị
- TP.HCM đề xuất 10,5 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật dự án xe buýt nhanh
- Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị Quốc gia
- TP Hồ Chí Minh sắp khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm
- Xây dựng sân bay Lào Cai sớm hơn quy hoạch
- Kết nối Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn với Di sản miền Trung
- Thủ tướng chỉ đạo rà soát dự án đường sắt Bến Thành-Tham Lương