Sân bay Lào Cai sẽ là sân bay cấp 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), đảm bảo khai thác các loại máy bay A320/321 hoặc tương đương. Theo quy hoạch, sân bay Lào Cai sẽ được xem xét xây dựng trong giai đoạn sau năm 2020 nhưng nay Bộ Giao thông Vận tải muốn triển khai sân bay Lào Cai sớm hơn.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xem xét các phương án để điều chỉnh quy hoạch sân bay Lào Cai giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để thành sân bay nội địa đón được các loại máy bay cỡ lớn.
Khi được điều chỉnh thành sân bay cấp 4C, sân bay Lào Cai sẽ đón được các loại máy bay A320/321 (Ảnh: Anh Quân)
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không, việc điều chỉnh quy hoạch để sân bay Lào Cai trở thành sân bay cấp 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) đảm bảo khai thác các loại máy bay A320/321 hoặc tương đương là phù hợp và rất cần thiết với điều kiện phát triển trong giai đoạn mới.
Về vị trí xây dựng, đơn vị tư vấn kiến nghị chọn địa điểm xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Các đường bay dự kiến khi sân bay này hoàn thành gồm Lào Cai đi Cát Bi; Vinh; Đà Nẵng; TPHCM. Ngoài ra, có thể mở các chuyến bay đi và đến các sân bay thuộc khu vực Tây Nam của Trung Quốc và các sân bay khu vực Đông Bắc Á.
Theo thuyết trình của đơn vị tư vấn, việc xây dựng sân bay Lào Cai đón được các loại máy bay lớn nhằm phục vụ cứu hộ cứu nạn trong mùa lũ, thúc đẩy du lịch, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như các vùng khác trong cả nước.
Trước đó, theo quy hoạch của Bộ GTVT, sân bay Lào Cai được xây dựng trên diện tích gần 140 héc ta, với tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng, đáp ứng các loại máy bay ATR72 và tương đương, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách du lịch lên Sa Pa.
Một điểm đáng chú ý nữa là năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát lại quy hoạch các sân bay trên cả nước để ưu tiên xây dựng những dự án có tính khả thi cao.
Trong đó, đã đưa sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào quy hoạch đến năm 2020 và chuyển sân bay Lào Cai từ giai đoạn 2020 sang giai đoạn năm 2030. Theo Cục Hàng không Việt Nam, do nhu cầu đi lại của người dân khu vực Bắc Trung bộ với TPHCM ngày càng tăng cao, trong khi nhu cầu đi lại trên các đường bay đến khu vực Tây Bắc chưa cao, nên cần điều chỉnh lùi thời điểm đầu tư một số sân bay nhỏ như Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh sang giai đoạn sau năm 2020.
Tuy nhiên, vào tháng 11/2015, tại hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc tổ chức tại TPHCM, Tập đoàn Sun Group đã cam kết đầu tư vào Lào Cai hơn 20.000 tỉ đồng, trong đó có hạng mục xây dựng sân bay Lào Cai với số vốn hơn 5.600 tỉ đồng. Đây là lý do để Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch để xây dựng sân bay Lào Cai sớm hơn so với quy hoạch trước đó.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 sân bay được đưa vào khai thác, sử dụng. Trong tổng số 26 sân bay sẽ có 10 sân bay quốc tế gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc. Ngoài ra còn có 16 sân bay nội địa gồm Điện Biên Phủ, Nà Sản, Lào Cai, Quảng Ninh, Gia Lâm, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn, Vũng Tàu. |
(TBKTSG)
- Kiểm tra an toàn nhà ở, công trình cũ tại đô thị
- TP.HCM đề xuất 10,5 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật dự án xe buýt nhanh
- Từ ngày 16/2, môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề
- Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị Quốc gia
- TP Hồ Chí Minh sắp khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm
- Kết nối Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn với Di sản miền Trung
- Thủ tướng chỉ đạo rà soát dự án đường sắt Bến Thành-Tham Lương
- TPHCM: Metro số 1 sẽ kéo dài đến Đồng Nai, Bình Dương
- Hà Nội: Công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S2
- Hoàn tất cải tạo 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM