Ngân hàng Thế giới (WB) đề nghị TPHCM xác định rõ sẽ ưu tiên xây dựng xe buýt nhanh (BRT) hay tuyến xe điện mặt đất (tramway) trên đại lộ Võ Văn Kiệt, bởi theo WB việc xây dựng cả hai dự án sẽ không đủ lượng hành khách để vận chuyển.
Vấn đề nêu trên được ông Michel Kerf, giám đốc chuyên ngành giao thông và công nghệ của Ngân hàng Thế giới, nêu ra tại buổi làm việc với UBND TPHCM hôm 26/5.
Phối cảnh nhà chờ xe buýt nhanh tuyến An Lạc - Ngã 3 Cát Lái. (Ảnh chụp lại: Anh Quân)
WB lo ngại là nếu thành phố xây dựng tuyến BRT dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt rồi làm thêm tuyến xe điện mặt đất (tramway) thì sẽ không khả thi vì khảo sát cho thấy lượng hành khách không đủ để xây dựng cả BRT và tramway ở đại lộ này. Do vậy, WB đề nghị TPHCM trả lời rõ vấn đề này bằng văn bản.
Về phía TPHCM, ngay tại cuộc họp, những vấn đề mà phía WB đề nghị giải quyết sớm đã được Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa giao cho các sở, ngành thẩm định trước khi trình chính quyền thành phố phê duyệt trong tháng 6.
Về đề nghị làm rõ việc xây dựng cả hai dự án BRT và tramway trên đại lộ Võ Văn Kiệt, ông Khoa cho biết, quan điểm của thành phố là ủng hộ dự án BRT còn dự án tramway vẫn nằm trong quy hoạch tổng thể giao thông của thành phố.
Do vậy, thành phố vẫn ưu tiên làm BRT trước, trong tương lai khi BRT đạt hết công suất thì mới triển khai thêm tramway. “Trong ba ngày tới thành phố sẽ có văn bản chính thức trả lời WB về vấn đề này,” ông Khoa nói.
Cũng tại buổi làm việc, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông, đô thị TPHCM (UCCI), cho biết hiện nay dự án xe buýt nhanh (hay còn gọi là dự án giao thông xanh) có điểm đầu tại nút giao vòng xoay An Lạc, rồi chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt đến ngã 3 Cát Lái đang ở bước thiết kế chi tiết, lập tổng dự toán và chuẩn bị hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp thiết bị.
Với tiến độ như hiện tại, ông Michel Kerf cho rằng, dự án đang bị chậm ở công tác thiết kế. Do vậy, ông đề nghị thành phố sớm phê duyệt ba vấn đề gồm đấu thầu; đền bù giải tỏa mặt bằng; và thiết kế chi tiết.
Dự án xe buýt nhanh (BRT) hay còn gọi là dự án giao thông xanh, của TPHCM có điểm đầu tại nút giao vòng xoay An Lạc, điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái. Dự án có chiều dài 23,5 km đi qua huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 6, 5, 1 và quận 2. Tổng số vốn để xây dựng tuyến BRT này khoảng 155 triệu đô la Mỹ (tương đương 3.247 tỉ đồng), trong đó vốn vay ODA là 142,2 triệu đô la, vốn đối ứng là 13,6 triệu đô la Mỹ. BRT là hình thức sử dụng xe khách loại lớn, có sức chở cao gấp 2 - 3 lần xe buýt thường (tùy vào số lượng toa xe) và được chạy trên một làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo đúng thời gian hành trình. Do chạy trên một làn đường riêng nên xe buýt BRT không bị ùn tắc như xe buýt thường. Tuyến xe buýt này sẽ sử dụng loại xe 80 chỗ và chạy trên một làn đường riêng, một số đoạn đường hẹp hay khi đi vào hầm Thủ Thiêm sẽ đi chung với các loại xe khác. Theo tính toán của đơn vị thiết kế, với thời gian giãn cách 5 đến 10 phút/chuyến, năm 2018, khi đưa vào khai thác sẽ chở được 31.600 hành khách/ngày (con số này được tính toán dựa vào số lượng người đi xe buýt số 39 từ Bến Thành đến bến xe miền Tây hiện nay). Nhà chờ của xe buýt nhanh sẽ được thiết kế với nhiều mảng xanh xung quanh để tạo bóng mát cho hành khách. |
Lê Anh
(TBKTSG)
- Hà Nội công bố hàng chục dự án đầu tư khủng trị giá hàng trăm ngàn tỷ
- Ngân hàng Thế giới tài trợ hơn 322 triệu đô la giúp Cần Thơ xanh, sạch, đẹp
- TPHCM: 300 triệu đô la Mỹ cho giao thông “thông minh”
- Tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành về việc xây sân bay Nội Bài 2
- Lấy ý kiến nhân dân về kiến trúc cầu qua sông Hương
- Công bố danh sách sơ tuyển Giải thưởng Bất động sản Việt Nam 2016
- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội “loay hoay” giữa biển nước
- TPHCM: Doanh nghiệp có thể tham gia giải tỏa nhà ven kênh rạch
- Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Đưa đường sắt cao tốc vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)