Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh vừa yêu cầu đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện Đồ án quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để bộ này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đồ án quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Công ty cổ phần Nước và môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn) hoàn thiện.
ĐBSCL là vùng sông nước nhưng đang thiếu các dự án cung cấp nước sạch. Trong ảnh là dòng sông Cổ Chiên, Trà Vinh. (Ảnh: Quang Chung)
Theo đơn vị tư vấn, đồ án được lập trên phạm vi toàn bộ vùng ĐBSCL với diện tích tự nhiên khoảng 40.600 km2. Mục tiêu của đồ án là từ nay đến năm 2030 xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng, kết hợp các nhà máy nước hiện có và xây mới trong vùng để đảm bảo cấp nước cho 100% dân số khu vực nội thị, 90% dân số khu vực ngoại thị và 25% dân cư nông thôn.
Đồ án cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật và phương thức quản lý nhằm chống thất thoát nước như: (i) Phân vùng (quy hoạch hệ thống cấp nước vùng ĐBSCL được phân thành ba vùng: Bắc sông Tiền, giữa sông Tiền - sông Hậu và Tây Nam sông Hậu), tách mạng lưới cấp nước và lắp đặt đồng hồ tổng; (ii) Hoàn thiện hệ thống đồng hồ đo đếm, hệ thống van điều tiết lưu lượng và tối ưu hóa chế độ làm việc của mạng lưới đường ống truyền dẫn và phân phối; (iii) Cải tạo, thay thế các đường ống cũ, phát hiện và sửa chữa những điểm rò rỉ nước; (iv) Lắp đặt đồng hồ đo nước cho toàn bộ khách hàng.
Hệ thống cấp nước vùng ĐBSCL hiện có khoảng 350 nhà máy nước tập trung với tổng công suất 1.154.000 m3/ngày nhưng đã xuống cấp. Trong quá trình phát triển kinh tế ở các địa phương vùng ĐBSCL, vấn đề quy hoạch hệ thống cấp nước đã được đề cập nhưng chưa được thực hiện triệt để, chưa giải quyết được mối liên giữa hệ thống cấp nước với biển đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập Đồ án Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cải thiện điều kiện cấp nước an toàn cho khu vực này - thích ứng với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL.
Theo Bộ Xây dựng, tại cuộc họp thẩm định đồ án này mới đây, các chuyên gia phản biện cũng như đại diện các tỉnh vùng ĐBSCL cho rằng, đơn vị tư vấn cần rà soát nhu cầu sử dụng nước của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu; nghiên cứu sâu hơn yếu tố ngập lụt, biến đổi khí hậu, đánh giá tác động của hệ thống các hồ chứa khu vực thượng nguồn sông Mê Kông đối với hệ thống cấp nước vùng ĐBSCL... để hoàn thiện đồ án.
(TBKTSG)
- Lấy ý kiến nhân dân về kiến trúc cầu qua sông Hương
- TPHCM: làm xe buýt nhanh trước, tramway sau
- Công bố danh sách sơ tuyển Giải thưởng Bất động sản Việt Nam 2016
- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội “loay hoay” giữa biển nước
- TPHCM: Doanh nghiệp có thể tham gia giải tỏa nhà ven kênh rạch
- Đưa đường sắt cao tốc vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)
- TPHCM đề nghị nhiều cơ chế đặc thù để phát triển
- Hải Phòng xem xét điều chỉnh quy hoạch tổng thể quận Ngô Quyền
- Hà Nội: Duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo tập thể Kim Liên và khu vực lân cận
- Khởi động dự án nhà ở chống biến đổi khí hậu cho người nghèo đô thị