Sáng 26/6, tại TPHCM, Tập đoàn Trung Nam đã khởi công dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, sau khi hoàn thành vào năm 2018 sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân.
Để chống ngập cho một khu vực rộng lớn, Trung Nam sẽ đầu tư 6 cống ngăn triều lớn gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định với quy mô bề rộng cống từ 40 - 160 mét. Đồng thời, sẽ xây một trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/giây; một trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 24 m3/giây và một trạm bơm tại cống Phú Định công suất 18 m3/giây.
Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ xây đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến Sông Kinh - giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 7,8 km, và 25 cống nhỏ có khẩu độ 1-10 mét từ sông Vàm Thuật đến Mương Chuối.
Phối cảnh cống kiểm soát triều Tân Thuận (Ảnh chụp lại: Lê Anh)
Địa điểm xây dựng các công trình trên nằm ở các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh với tổng diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 100 héc ta. Dự án phải giải tỏa hơn 300 hộ dân với hơn 1.500 người phải di dời.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao); tiến độ thực hiện từ năm 2016 đến 2018. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM, đồng thời giúp điều tiết hạ mực nước ở các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường.
Một điểm đáng chú ý là khi dự án này đi vào hoạt động, tàu thuyền vẫn đảm bảo qua lại bình thường thông qua van cửa khoang và âu thuyền.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án sẽ thực hiện trong vòng 36 tháng nhưng nhà đầu tư cố gắng xây dựng trong vòng 24 tháng, thời gian còn lại sẽ dành để vận hành thử.
Ông Tiến cam kết dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết triệt để ngập do triều ở khu vực dự án, còn giải quyết được ngập trong đô thị hay không thì còn phải có sự đồng bộ của hệ thống thoát nước từ bên trong đưa nước ra kênh rạch để bơm ra sông lớn.
"Nếu hệ thống bơm và đê ngăn được triều, nhưng khi mưa lớn nước không chuyển ra kênh rạch để hệ thống bơm hoạt động thì trách nhiệm về năng lực vận hành sẽ không thuộc dự án này", ông Tiến thông tin.
Lê Anh
(TBKTSG Online)
- TPHCM: 6.273 tỉ đồng làm 35 km đường vành đai 4
- Chương trình "Nông thôn mới" nợ đọng quá lớn
- Huế được công nhận là "Thành phố Xanh quốc gia' 2016
- Hà Nội: Xây tuyến đường từ Minh Khai đến vành đai 2,5
- Hà Nội: Duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên
- Khó khai thác tuyến metro số 1 nếu ga Bến Thành không hoàn thành kịp
- Nhà máy Formosa Hà Tĩnh hoãn khánh thành, chưa hoạt động
- Xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tại TP Hồ Chí Minh
- VGBC chính thức phát hành Bản thử nghiệm LOTUS Homes và Dự án thí điểm đầu tiên
- Hà Nội: Dự kiến đổ hơn 2 tỷ USD làm đường dọc sông Hồng