Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam TP.HCM có thể xây căn hộ 100 triệu đồng

TP.HCM có thể xây căn hộ 100 triệu đồng

Viết email In

Theo giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn, mô hình nhà ở xã hội giá 100 triệu đồng/căn như ở Bình Dương vẫn có thể áp dụng được ở TPHCM nhưng rất ít và chỉ xây ở 2 khu vực đủ các điều kiện là KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Linh Trung (quận Thủ Đức).

Sáng 8/2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa chủ trì cuộc họp về Triển khai nhiệm vụ của Sở Xây dựng năm 2017.  

Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo về việc TPHCM học hỏi mô hình nhà xã hội giá 100 triệu đồng/căn ở Bình Dương. Theo ông Tuấn, lý do Bình Dương xây được căn hộ trên bởi xây dựng ở đây không tốn chi phí giải tỏa mặt bằng, đầu tư hạ tầng. Ngoài ra, chi phí hạ tầng không tính vào giá nhà nên mới có giá 100 triệu đồng/căn. 


Hiện ở TPHCM lượng nhà dạng cao cấp dư thừa, bình dân hay thấp hơn thì thiếu.
(Ảnh minh họa) 

Ông Tuấn cho rằng, ở TPHCM có thể xây nhà ở xã hội 100 triệu đồng/căn nhưng rất ít. Nếu được thì chỉ ở 2 khu vực đủ các điều kiện là KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Linh Trung (quận Thủ Đức). 

Ngoài ra, khi xây dựng nhà ở xã hội này phải gắn với khu chế xuất hay khu công nghiệp ở nơi đó để gắn với công việc của người dân và hạ tầng phải kết nối với nhau. Ở các vị trí khác trên địa bàn phải đảm bảo các chỉ tiêu về mật độ dân số, hạ tầng… 

'TPHCM làm nhà ở giá rẻ khoảng 300 – 500 triệu hay dưới 1 tỷ là hợp lý hơn', ông Tuấn đánh giá.

Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Nhà nước. Tháng 12/2016, Thủ tướng có đánh giá các địa phương hưởng ứng và triển khai thì Bình Dương đứng đầu, TPHCM đứng thứ 2. Đến thời điểm hiện tại có thể nói TP cũng tạm yên lòng.

'Do mỗi địa phương có điều kiện riêng, Bình Dương thì nhà giá rẻ phần lớn là dành cho công nhân còn nhà xã hội ở TPHCM là dành cho cán bộ nhân viên. Mục tiêu của TP HCM là đến năm 2020 sẽ hoàn thành 30.000 căn nhà giá rẻ để phục vụ người dân', ông Khoa nói. 

Cũng tại cuộc họp, ông Khoa cho rằng, vai trò của ngành xây dựng trong tổng thể phát triển xây dựng ở TPHCM rất quan trọng. Ngành xây dựng tác động rất lớn đến nhiều ngành khác. Thời điểm 2007 – 2013, thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo nhiều hệ lụy như ngành sắt, thép, xi măng, gạch ngói cũng không bán được, nhân công thì thiếu việc làm… Do đó, Sở Xây dựng phải bám sát để quản lý chặt chẽ, phục vụ cho ngành này phát triển.

Về chỉnh trang đô thị TP HCM trong năm 2017, ông Khoa lưu ý việc chỉnh trang khu chung cư cũ hư hỏng và tổ chức lại tình trạng nhà ở trên kênh rạch. Do đó phải quy hoạch tốt, các Sở ban ngành phải tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Chọn nhà đầu tư tốt, có năng lực và tài chính, tính chuyên nghiệp ở thương hiệu của họ.

Ông Khoa yêu cầu Sở Xây dựng quản lý, kiểm soát tốt không để xảy ra hiện tượng bong bóng bất động sản. Tuy nhiên ông Khoa cũng chỉ đạo Sở Xây dựng phải có đề án nghiên cứu thị trường bất động sản trên địa bàn, đề ra phương án phát triển và giải pháp tháo gỡ, ngăn ngừa hiện tượng bong bóng nếu xảy ra.

Ông Khoa viện dẫn, vừa qua, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP trả lời về việc địa bàn trong năm 2016 có để xảy ra tình trạng bong bóng hay không? Và TPHCM ghi nhận vấn đề này.

Liên quan đến việc mất cân đối cung – cầu trong lĩnh vực bất động sản, ông Khoa chỉ đạo Sở Xây dựng phải có phương án phù hợp, bằng mọi cách không để xảy ra tình trạng lượng sản phẩm quá nhiều, trong khi nhu cầu người mua không có. Hiện ở TPHCM lượng nhà dạng cao cấp dư thừa, bình dân hay thấp hơn thì thiếu. 

(Theo Tiền Phong


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo